Kỳ nghỉ đông cho học sinh có khả thi?

Đình Tuệ,
Chia sẻ

Những ngày thời tiết các tỉnh, thành phía Bắc chìm trong rét đậm, rét hại ảnh hưởng tới đời sống người dân, trong đó có việc đi học của trẻ...

Kỳ nghỉ đông cho học sinh có khả thi? - Ảnh 1.

Học sinh Trường Tiểu học Kim Chung A (Hoài Đức, Hà Nội) trong giờ học mùa rét. Ảnh: TG

Vì sức khỏe học sinh

Có hai con học lớp 3 và mầm non 5 tuổi ở quận Hà Đông (Hà Nội), chị Phạm Thị Dung thường xuyên theo dõi thông tin về thời tiết để quyết định việc đi học của con mỗi ngày. Phụ huynh này đề xuất, các cấp có thẩm quyền nên nghiên cứu để học sinh phổ thông được nghỉ đông trong những ngày giá rét giống như kỳ nghỉ hè.

“Vợ chồng tôi làm kinh doanh tự do, ông bà nội ngoại ở Nam Định đều già yếu. Tôi thấy kỳ nghỉ hè 3 tháng với học sinh quá dài. Vì vậy, Bộ GD&ĐT nên có phương án tính toán để rút ngắn thời gian nghỉ hè và chuyển bớt sang kỳ nghỉ đông nhằm đảm bảo sức khỏe học sinh. Thời gian nghỉ đông có thể vào tháng 12 hoặc tháng 1 tùy từng địa phương và tình hình thời tiết”, chị Dung kiến nghị.

Tương tự, chị Nguyễn Thu Nga trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng ủng hộ chủ trương cho học sinh tiểu học và mầm non được nghỉ học trong những ngày thời tiết rét dưới 10 độ C, các em học sinh THCS nghỉ học nếu trời rét dưới 7 độ C để không ảnh hưởng sức khỏe. Một số trường quốc tế đóng tại Hà Nội cũng có lịch nghỉ đông cho học sinh nhưng chỉ trong một thời gian nhất định chứ không kéo dài.

Theo cô Đào Thị Luyến - Trường Tiểu học Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội), dù ở huyện ngoại thành nhưng cơ sở vật chất của nhà trường được trang bị đầy đủ máy điều hòa hai chiều. Học sinh chủ yếu ở địa bàn xã nên việc đi học trong những ngày thời tiết lạnh trên 10 độ C không gặp khó khăn. Nhà trường điều chỉnh giờ học để tạo điều kiện cho phụ huynh và học sinh hợp lý nhất.

“Từ thực tế đó, tôi thấy việc nghỉ đông sẽ khó thực hiện vì thời tiết nước ta có năm lạnh sâu nhưng có năm không. Việc điều chỉnh khung kế hoạch dạy học cho từng năm để phù hợp với thời tiết không thuận lợi. Hơn nữa, nếu học sinh được nghỉ đông nhưng bố mẹ không được nghỉ thì ai trông con”, cô Luyến nhấn mạnh.

Kỳ nghỉ đông cho học sinh có khả thi? - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: TG

Đề xuất cần dựa trên thực tế

Vào những ngày trời rét dưới 10 độ C, tại Trường Mầm non Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn có gần 100 phụ huynh đưa con đến lớp nhờ các cô trông trẻ do không thể bố trí người ở nhà trông con. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hà trao đổi, nhà trường luôn chủ động các phương án, điều kiện cơ sở vật chất để chăm sóc cho gần 800 trẻ. Vì thế, đâu đó có người đưa ra đề xuất cho học sinh nghỉ đông chưa phù hợp với thực tế và nhu cầu của đa số phụ huynh khác.

Thầy Phạm Quốc Bảo - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh (Nậm Nhùn, Lai Châu) cho rằng, dù ở vùng núi có nền nhiệt độ thấp nhưng số lượng học sinh đến trường khá đều, tỷ lệ nghỉ học vì rét ít, không đáng kể. Các em đến trường được quan tâm, đảm bảo điều kiện ăn ngủ. Các lớp đều có cửa và rèm che kín, học sinh hoạt động trong lớp nên đủ ấm. Những em nào mặc chưa đủ ấm, thầy cô sẽ phát áo phao tại trường để mặc.

“Việc đề xuất cho học sinh nghỉ đông để tránh rét không phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam. Những ngày qua, ngành Giáo dục tỉnh Lai Châu có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc linh hoạt điều chỉnh hình thức dạy học nếu thời tiết rét đậm, rét hại để đảm bảo sức khỏe cho trò”, thầy Bảo nói.

Chung quan điểm trên, NGƯT Nguyễn Thị Tươi – Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân, Hà Nam) cho biết, kỳ nghỉ đông cho học sinh chỉ phù hợp với nước có khí hậu hàn đới ở châu Âu, còn khí hậu nhiệt đới như Việt Nam thì học sinh được nghỉ hè là phù hợp.

Ngoài ra, khi đã là kỳ nghỉ thì phải có quy định rõ ràng về thời gian, số lượng ngày và áp dụng trên toàn quốc hoặc một số tỉnh, thành nhất định. Tuy nhiên, khí hậu miền Bắc thất thường vì có năm lạnh giá, năm thì không, thời điểm xuất hiện giá rét cũng khác nhau. Nhiệt độ tại mỗi tỉnh, thành ở cùng thời điểm khác nhau nên Bộ GD&ĐT giao các địa phương chủ động hình thức dạy - học cho thầy trò tùy tình hình thời tiết, linh hoạt bố trí lịch dạy học bù như hiện nay là phù hợp.

Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, thời gian xuất hiện rét đậm, rét hại ở miền Bắc nước ta mỗi năm một khác. Năm rét sớm, năm rét muộn nên không thể quy định một kỳ nghỉ đông cho học sinh vào khung thời gian cố định giống như nghỉ hè. Đó là chưa kể, mỗi nhà trường đều có kế hoạch giáo dục riêng phù hợp với thực tế địa phương. Nếu có kỳ nghỉ đông sẽ phải bố trí thời gian hợp lý để dạy học sinh.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ phân tích, đề xuất của phụ huynh xuất phát từ mong muốn chính đáng để đảm bảo sức khỏe cho con cái. Tuy nhiên, để đưa ra một chính sách áp dụng toàn quốc cần căn cứ vào nhiều yếu tố, điều kiện khách quan mỗi địa phương. Một số tỉnh, thành quy định cho học sinh không phải tới trường nếu trời rét dưới 10 độ C là hợp lý.

NGƯT Vũ Thị Quỳnh Anh – Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn, Trường THPT Trần Hưng Đạo (Nam Định) nêu quan điểm, không nhất thiết phải có kỳ nghỉ đông cho học sinh. Ngoại trừ một số địa bàn vùng núi cao có băng giá, còn lại đa số các tỉnh vùng thấp những ngày đông không quá rét.

Tuy nhiên với những ngày rét dưới 10 độ C nên cho học sinh THCS trở xuống nghỉ, rét dưới 7 độ cho học sinh THPT nghỉ học. Bộ GD&ĐT đã quy định về tuần học dự phòng nên những ngày nghỉ này không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình.

Chia sẻ