Kỷ lục gia trí nhớ Dương Anh Vũ đăng bảng điểm lẹt đẹt thời đi học: "Thật ra tôi dốt đều các môn, nhưng tiếng Anh là dốt nhất"
"2,9 là điểm trung bình môn tiếng Anh của tôi năm lớp 9", kỷ lục gia trí nhớ Dương Anh Vũ cho biết.
Trên trang cá nhân của mình, Giám khảo Siêu Trí Tuệ không ngần ngại chia sẻ những bí quyết giúp các bạn học sinh, sinh viên học tập tốt môn tiếng Anh. Anh cho rằng để chinh phục bất cứ điều gì, thứ đầu tiên cần có không phải là "phương pháp" hay "cách thức"... mà là "biết sợ và vượt qua được nỗi sợ", khi đã hết sợ thì học cách yêu nó, tình yêu sẽ mang phương pháp đến cho người học.
Nguyên văn dòng chia sẻ của Giám khảo Siêu Trí Tuệ trên trang cá nhân như sau:
"Môn tiếng Anh đã từng làm cuộc đời tôi bế tắc như thế nào…? (Khuyến cáo: Đây là những dòng chia sẻ không dành cho những bạn có tố chất học tiếng Anh, vì các bạn có đọc cũng sẽ không hiểu những gì đã xảy ra với tôi và những đồng bào dốt tiếng Anh như tôi). Khi bạn làm một việc gì đó liên tục trong một thời gian dài thì bạn sẽ sở hữu một thứ mà người ta gọi là 'kinh nghiệm'.
Đối với tôi, kinh nghiệm mà tôi có được trong suốt thời Phổ thông chính là 'thi lại môn Anh văn'. Trung bình mỗi năm tôi thi lại 2 môn, trong đó có năm tôi thi lại 3 môn, có năm chỉ thi lại 1 môn. Nhưng dù thi lại bao nhiêu môn đi chăng nữa thì vẫn luôn có môn tiếng Anh. Nó ám tôi liên tục trong 10 năm trời từ cấp 1 cho đến hết cấp 2 (tính luôn 1 năm ở lại lớp). Cho nên trong số những môn tôi thi lại thì "Anh văn" là môn học tôi có nhiều kinh nghiệm thi lại nhất. Cấp I và cấp II năm nào cũng thi lại môn tiếng Anh nhưng khi lên cấp III thì tôi không còn sợ tiếng Anh nữa, tôi cũng không bao giờ phải thi lại môn đó...
Các bạn đừng hiểu lầm nhé, không phải tự nhiên tôi bị chó cắn nên học giỏi môn tiếng Anh đâu, chỉ vì cấp III tôi học 'Bổ túc', mà bổ túc thì không có học môn tiếng Anh. Nếu bạn hỏi rằng: trên đời này ai là người oán hận môn tiếng Anh nhất? Nếu Dương Anh Vũ tôi đây xếp thứ 2 thì sẽ không có ai dám xếp thứ nhất đâu. Tôi oán môn tiếng Anh đến mức tôi gọi nó là 'môn học trời đánh' và giáo viên dạy tiếng Anh tôi gọi là 'Thiên lôi'.
Đây là điểm tổng kết cả năm môn tiếng Anh của tôi trong suốt cấp II:
Lớp 6: 4.3
Lớp 7: 3.9
Lớp 8: 3.7
Lớp 9: 2.9
Cấp I tôi cũng thi lại tiếng Anh, nhưng tôi không có số liệu cụ thể, vì tôi đã làm mất học bạ cấp I, chỉ còn giữ học bạ cấp II. Lên cấp III dù học bổ túc, luôn bị người khác xem thường và bị cho là rác của nền giáo dục, nhưng tôi có 3 năm học bổ túc khá phấn khởi, vì chương trình bổ túc không có môn tiếng Anh. Nhưng sự yên bình luôn báo hiệu sẽ có một cơn bão hãi hùng chuẩn bị đổ bộ vào cuộc đời của tôi.
Thời của tôi, đậu đại học trong năm thi đầu tiên là một điều gì đó rất ghê gớm, chứ không phải như bây giờ - nhà nhà đậu đại học, người người vô đại học. Năm tôi thi tốt nghiệp và đại học cũng là năm mà Bộ giáo dục siết chặt thi cử, nên rớt rất nhiều, tôi còn nhớ có 1 trường THPT ở Tây Nguyên, năm trước tỷ lệ đậu tốt nghiệp của trưởng lên đến hơn 95%, nhưng năm tôi thi tốt nghiệp thì học sinh khối 12 của toàn trường rớt tốt nghiệp sạch. Năm đó, bất chấp là học sinh bổ túc, tôi vẫn đậu tốt nghiệp và cả đại học trong năm đầu tiên và đậu vào trường top 1 Việt Nam hẳn hoi.
Tôi bước vào đại học Quốc gia TP.HCM với một tâm thế của người chiến thắng, rũ bỏ toàn bộ chiếc áo của quá khứ đầy đau buồn, ám ảnh và tủi hờn. Nhưng sau khi học được 6 tháng thì tôi liền hiểu vấn đề, trong ngôi trường đại học top 1 mà tôi ngồi toàn dân trường chuyên và năng khiếu, thấp nhất cũng là dân của các trường công lập lớn, và có lẽ tôi là đứa học bổ túc duy nhất lọt vào đó. Không nói gì nhiều, chỉ cần nói đến trình độ tiếng Anh thì đã là 'một trời và một vực'. Chúng ta thường dùng từ 'mất gốc' hay 'hổng kiến thức' đối với những đứa học hơn chục năm tiếng Anh thời phổ thông nhưng vẫn lẹt đẹt. Nhưng thuật ngữ đó không thể dùng để gọi tôi, vì tôi tệ hơn như thế, tôi không phải một đứa mất gốc tiếng Anh, nếu gọi đúng thì tôi là đứa 'mù tiếng Anh', vì suốt cấp I và cấp II năm nào tôi cũng thi lại tiếng Anh, lên cấp III thì trong suốt 3 năm liên tục không được học tiếng Anh, nên khi lên đại học một chữ tiếng Anh tôi cũng mù tịt.
Khi học hết năm nhất đại học, tôi mới hay tin rằng, tất cả sinh viên sau khi kết thúc năm 2 để bước vào học chuyên ngành ở năm 3 thì phải nộp cho trường 'Bằng A tiếng Anh', nếu không có thì sẽ không được học tiếp. Nhưng cái bằng đó phải được cấp bởi chính trường Đại học Quốc gia hoặc Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh. Vì 2 trường này tổ chức thi đúng chuẩn và không thể lách để mua bằng được, và họ không công nhận bất cứ chứng chỉ hay bằng cấp nào do các trường khác cấp… Tôi chính thức rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Những bạn học tốt môn tiếng Anh sẽ không bao giờ hiểu được cảm giác này đâu.
Thời đó ở Làng đại học Quốc gia có 1 trung tâm Anh ngữ rất lớn, nó dường như là trung tâm duy nhất dưới đó. Tôi lấy hết can đảm để đến xin tư vấn lớp học, tôi bảo với nhân viên tư vấn rằng tôi học rất dốt tiếng Anh, thời phổ thông tôi toàn thi lại môn Anh văn… vì thế tôi xin học lớp vỡ lòng với level thấp nhất luôn.
- Bạn chỉ cần đóng 7.000.000 VNĐ đăng ký khóa học 6 tháng, tôi cam kết với bạn sau khi học xong bạn sẽ có trình độ tương đương TOEIC 700.
Các bạn không hiểu được cảm giác của tôi lúc đó đâu, nó sướng còn hơn lần đầu tiên được hôn "mối tình đầu", như một đứa chuẩn bị bước lên giàn hỏa thiêu nhưng trời lại đổ một cơn mưa rất lớn vậy. Trong tôi ngập tràn niềm tin về tương lai phía trước của mình…
Thời giá năm 2007–2008, con số 7 triệu là một một khoản tiền lớn đối với một gia đình nông dân như nhà tôi. Nhưng vì sự học hành của con cái, bố mẹ tôi đã chạy khắp nơi để vay mượn và gửi vô Sài Gòn cho tôi ném vào Trung tâm Anh ngữ với những lời hứa có cánh đầy ma mị và ngọt ngào ấy. Nhưng tôi chỉ học được 3 ngày và không thể học nổi nữa, vì những đứa mà tôi ngồi học cùng ở lớp vỡ lòng trên thực tế bọn nó cũng đã xong một chương trình liên tục hơn một chục năm học tiếng Anh, còn tôi là một đứa mù tiếng Anh. Tôi cảm giác như mình là một đứa mù phải tham gia một cuộc đua với những đứa sáng mắt. Lớp học có đến hơn 30 học viên, nên giáo viên họ đâu có chăm chăm vào mình được, họ phải chạy theo tiến độ của lớp...
Đây không chỉ là bài học của riêng cá nhân tôi mà nó cũng là bài học cho các bạn. Nếu các bạn quyết định đăng ký một chương trình học có trả phí thì tôi khuyên các bạn nên hỏi người dạy hoặc người tư vấn câu hỏi này: 'Khóa học này có cam kết đầu ra không?' Hoặc 'Sau khi học xong khóa học này tôi sẽ đạt được những gì?'. Nếu họ trả lời là có cam kết thì các bạn đừng nên đăng ký học, vì họ đang cố gắng lừa bạn đóng tiền vào đó.
Sau những nỗ lực, kỷ lục gia trí nhớ Dương Anh Vũ đã đạt được thành tích khiến nhiều người ngưỡng mộ
Tại sao tôi lại nói như thế: Đạo đức của một người đi dạy không cho phép họ cam kết đầu ra đối với người học, vì học tập là vấn đề của người đi học, người thầy không học được thay cho học trò, cho nên người thầy hứa đầu ra, cam kết sau khi học xong sẽ được A, B, C là không có căn cứ và rất vô lý. Một người dạy học chỉ có thể hứa và cam kết sẽ dạy hết lòng, dạy hết kiến thức họ có cho học trò… chứ họ không thể cam kết đầu ra... Từ giây phút đó tôi bắt đầu tự thân vận động và tìm cách chinh phục môn tiếng Anh theo lối riêng của mình...
Tài năng của con người được định hình dưới 2 dạng, nếu không phải bẩm sinh hoặc đột biến do tác động ngoại cảnh thì muốn sở hữu được tài năng, bản thân bạn phải nỗ lực phấn đấu và tiếp cận đúng phương pháp. Tài năng sẽ luôn đi kèm với tố chất, một người có tố chất ở bất cứ lĩnh vực nào thì sẽ cảm thấy rất thích thú những kiến thức của lĩnh vực đó, nói đúng hơn là học không biết chán, kiến thức sẽ được nạp nào bộ nhớ một cách rất tự nhiên. Ngược lại, nếu bạn không có tố chất thì bạn sẽ thấy sợ hãi và chán ghét môn học đó. Trạng thái dễ nhận thấy nhất chính là cứ đụng đến là áp lực, học trước quên sau. Tôi hiểu điều này, vì thượng đế tạo ra tôi không hề có bất cứ tài năng hay tố chất nào liên quan đến học tập, đó chính là lý do mà dưới thời phổ thông, năm nào tôi cũng xếp loại yếu và phải thi lại. Tôi sinh ra là để làm thợ hớt tóc, hoặc xe ôm công nghệ… chứ không phải để trở thành một người làm khoa học.
Nguồn: FBNV