Kpop bị gọi là vô nhân đạo
Cựu thần tượng DPR IAN kể về khoảng thời gian luyện tập khắc nghiệt, lặp đi lặp lại để có suất ra mắt trong nhóm nhạc. Anh nói ngành công nghiệp Kpop có những quy trình vô nhân đạo, không được là chính mình.
Ca sĩ kiêm rapper người Australia gốc Hàn DPR IAN (còn được gọi là Christian Yu ) là người đồng sáng lập nhóm Dream Perfect Regime. Trước đó, anh được biết đến là thành viên nhóm nhạc Kpop thế hệ thứ ba C-Clown's Rome. Nhóm nhạc này quảng bá từ năm 2012 đến 2015, tan rã khi mỗi người theo đuổi con đường của riêng mình.
Chia sẻ trên SBS The Feel, anh gọi ngành công nghiệp Kpop là "vô nhân đạo" với những lịch trình đào tạo "rất nghiêm ngặt".
“Thức dậy lúc 5h sáng giờ, đến phòng tập. Luyện tập, luyện tập, luyện tập. Nếu đến muộn một phút, bạn phải quỳ trên sàn và phải ngồi ở góc. Bạn về nhà từ 1-3h sáng sau đó lặp lại lịch trình này trong suốt tuần. Thời điểm hiện tại có vẻ đã tốt hơn nhiều, đó là những gì tôi nghe được, nhưng quay trở lại năm 2000, đó là thời kỳ đỉnh cao của câu hỏi, 'Bạn có hợp đồng nô lệ không?'”.
“Hợp đồng nô lệ kéo dài 7-8 năm với một công ty làm khổ tôi mỗi ngày. Không phải là tiền mà là cách công ty đối xử tàn bạo với nhóm. Chúng tôi không được đối xử như con người, có thành viên bị đánh đến gãy xương sườn”.
DPR IAN giải thích hầu hết thực tập sinh đều không biết rõ mình đang dấn thân vào điều gì và phải chịu đựng lối sống “vô nhân đạo”.
“Tất cả họ đều không biết đâu, cả tôi cũng vậy. Chúng tôi thực sự chưa hiểu sự khủng khiếp và khắc nghiệt thế nào vì không ai nói điều này. Trong đầu khi đó chỉ mơ ước trở thành thần tượng , được thành công nhưng thực tế trái ngược. Có hàng trăm nhóm như vậy tồn tại”.
Cựu thần tượng mô tả trải nghiệm sống của mình với chứng DID (rối loạn phân ly) và ngành công nghiệp Kpop khiến tình trạng trở nên trầm trọng thêm.
“Giống như việc thức dậy trong cơ thể mới, tâm trí mới, những sở thích mới, sống trong nhân dạng khác với chính bạn trước đây. Tôi đâu có quyền lựa chọn. Tôi sống với nhân cách khác, khi quay lại là mình, tôi không hiểu những gì tôi đã làm, tôi là ai”.
Theo anh, trở thành thần tượng đã dạy anh những điều không nên làm. “Không có chương trình độc lập nào dành cho nghệ sĩ vì chúng tôi phải tuân theo hệ thống để thành công hoặc đạt được điều đó. Nhưng tôi muốn phá vỡ điều này. Tôi chỉ muốn cho mọi người thấy rằng bạn có thể rất chân thành với những gì bạn đang làm nghệ thuật và vẫn có khán giả”.