Kinh dị hiện tượng người tự bốc cháy thành tro nhưng đồ vật xung quanh vẫn nguyên vẹn, y học "đau đầu" vì không thể lý giải loại bệnh gì

Minh Võ,
Chia sẻ

Tuy hiện tượng này được phát hiện từ năm 1641, nhưng tính đến bây giờ, con người vẫn không tài nào lý giải được đây là bệnh hay là "sự trừng phạt" của một lời nguyền nào đó.

Vào tháng 9/2017, ông John Nolan 70 tuổi đang đi trên đường phố London (Anh) thì cơ thể đột nhiên bốc cháy dữ dội. Mọi người xung quanh liền dập lửa và đưa ông tới bệnh viện nhưng John vẫn qua đời vì bỏng nặng. Lúc này, các bác sĩ và giới khoa học đã liên kết sự kiện này với những trường hợp tự bốc cháy tương tự trong lịch sử, được gọi là quá trình đốt cháy tự phát ở người (SHC).

Những trường hợp người tự bốc cháy bí ẩn

Bí ẩn này bắt đầu từ năm 1641, bác sĩ Thomas Bartholin (1616-1680) người Đan Mạch đã mô tả cái chết của nạn nhân Polonus Vorstius trong cuốn sách lịch sử Anatomicarum Rariorum chuyên mô tả các hiện tượng y học chưa được giải đáp. Đây được coi là trường hợp đầu tiên về hiện tượng tự bốc cháy ở con người.

Kinh dị hiện tượng người tự bốc cháy thành tro nhưng xung quanh vẫn nguyên vẹn, y học "đau đầu" vì không thể lý giải loại bệnh gì - Ảnh 1.

Cơ thể người tự bốc cháy - một trong những hiện tượng chưa có lời giải chính xác.

Cụ thể, Polonus là một hiệp sĩ người Ý có sức khỏe bình thường, nhưng trong lúc đang ở nhà riêng tại Milan vào năm 1470, ông đã uống một ít rượu mạnh và bắt đầu nôn ra lửa trước khi bốc cháy toàn thân. Nhưng kỳ lạ là xung quanh ông không có nguồn nhiệt nào làm cơ thể bắt lửa được cả.

Tại Pháp cũng từng ghi nhận một trường hợp SHC vào năm 1725, khi một chủ nhà trọ ở Paris bị đánh thức bởi mùi khói và phát hiện vợ mình – cô Nicole Millet, đã biến thành tro trong khi đang ngủ trên một chiếc giường rơm mà không hề có ngọn lửa nào xung quanh. Tất cả những gì còn sót lại chỉ là hộp sọ, một vài mảnh xương lưng và chân dưới. Các vật dụng bằng gỗ xung quanh cô không bị hư hại chút nào.

Vì không thể lý giải tại sao Nicole tự bốc cháy nên mọi người đã kết tội người chồng cố ý giết vợ. May thay, anh ấy đã kháng cáo và được thẩm phán đồng ý về sự đốt cháy tự nhiên ở con người. Một phần người chồng được minh oan cũng nhờ bác sĩ phẫu thuật Claude-Nicolas Le Cat, lúc sự việc diễn ra thì ông ấy đang ở đó. Cái chết của Nicole sau đó được tuyên bố là "một chuyến viếng thăm của Chúa".

Sau này, những trường hợp tự bốc cháy bỗng trở nên phổ biến hơn ở thế kỷ 16, sau khi tác giả nổi tiếng người Anh Charles Dickens sử dụng nó để làm ý tưởng cho vụ án mạng trong cuốn tiểu thuyết Bleak House. Khi các nhà phê bình văn học chê bai Charles vì đưa yếu tố "giả tưởng" vào, ông đã giải thích dựa trên các cơ sở nghiên cứu vì tính đến lúc đó đã có 30 người bị SHC.

Kinh dị hiện tượng người tự bốc cháy thành tro nhưng xung quanh vẫn nguyên vẹn, y học "đau đầu" vì không thể lý giải loại bệnh gì - Ảnh 2.

Hiện trường của một vụ án tự bốc cháy, đồ vật xung quanh dường như không tổn hại gì.

Đến thế kỷ 18, những báo cáo có thẩm quyền và đáng tin hơn về hiện tượng SHC đã xuất hiện trên mặt báo. Tạp chí London Journal of Phisology của Anh đã công bố trường hợp của nữ bá tước Cornelia Bandi 62 tuổi khiến nhiều người không khỏi hoang mang.

Theo đó, vào năm 1731, sau khi ăn tối thì Cornelia có tâm trạng không tốt nên trở lại phòng ngủ để nghỉ ngơi. Đến sáng thì người giúp việc đã phát hiện bà chủ đã biến thành một vũng than hồng, cơ thể bị thiêu rụi đến mức chỉ còn một phần đầu và tứ chi. Trong phòng lúc này có một mùi khói dầu khó chịu, cửa sổ thì đọng lại một loại chất lỏng màu vàng tanh hôi như mùi động vật chết.

Năm 1986, người ta phát hiện xác chết của cựu lính cứu hỏa George Mott trong nhà tại Crown Point (Mỹ). Tất cả những gì còn lại của ông chỉ là hộp sọ, chân và những mảnh xương sườn rải rác. Ai nhìn vào cũng không thể lý giải tại sao ông ấy lại bị bốc cháy đáng sợ như vậy.

Điểm chung của những nạn nhân xấu số

Theo Ancient Origins, trong vòng 400 năm qua thế giới đã ghi nhận hơn 200 trường hợp con người bị bốc cháy tới chết, không có dấu hiệu từ tác động bên ngoài. 

Sau này, chủ đề về SHC đã được đăng tải trên tạp chí Y học Anh năm 1938, trong đó trích dẫn một cuốn sách xuất bản vào năm 1823 mang tên Medical Jurisprudence. Theo đó, các chuyên gia đã liệt kê một vài điểm chung của những trường hợp bị SHC như:

- Đa phần các nạn nhân đều là phụ nữ lớn tuổi và mắc chứng nghiện rượu mãn tính.

- Toàn bộ cơ thể đều cháy sạch, chỉ còn sót lại xương và tứ chi.

- Vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại cho những vật thể xung quanh.

- Họ tự bốc cháy một cách tự nhiên mà không có gì tác động vào.

- Hầu như những trường hợp SHC chỉ được phát hiện sau khi sự cố xảy ra, tính đến nay vẫn chưa có ai trực tiếp chứng kiến sự việc này.

"Hiệu ứng sợi bấc" - giả thuyết khả thi nhất mà y học phỏng đoán

Khi loại bệnh lạ thế giới SHC xảy ra nhiều hơn, các chuyên gia đã khẳng địch chắc nịch rằng: Những nạn nhân chết không phải do hỏa hoạn ở môi trường xung quanh, mà bản thân họ đã trở thành nhiên liệu và tự bốc cháy. Còn người xưa thì đồn rằng đây là sự trừng phạt của Chúa cho những kẻ nghiện rượu.

Tuy nhiên sau đó, nhà hóa học vĩ đại người Đức Liebig đã làm nhiều thí nghiệm nhằm bác bỏ luận điểm SHC bắt nguồn từ rượu. Ông đã tiêm một lượng lớn cồn vào chuột và làm đủ mọi cách xúc tác để nó tự bốc cháy. Kết quả cho thấy, ngay cả khi trong người đang có nồng độ cồn hơn 70%, con chuột vẫn không dễ bị bắt lửa hơn so với ban đầu.

Kinh dị hiện tượng người tự bốc cháy thành tro nhưng xung quanh vẫn nguyên vẹn, y học "đau đầu" vì không thể lý giải loại bệnh gì - Ảnh 4.

Dù có bao nhiêu giả thuyết về SHC nhưng vẫn chưa thể giải đáp chính xác hiện tượng này.

Tính đến ngày nay, lý thuyết giải thích SHC được giới khoa học chấp thuận nhiều nhất được gọi là "hiệu ứng sợi bấc". Cụ thể, cơ thể con người lúc này sẽ giống như một ngọn nến có một sợi bấc ở bên trong, bên ngoài thì bao phủ bởi một lớp sáp làm từ axit béo dễ cháy. Lửa đốt cháy bấc và sáp béo giữ cho nó cháy liên tục.

Xét về cơ thể người, chất béo trong người đóng vai trò là chất dễ cháy, trong khi áo quần và tóc của nạn nhân là bấc. Khi có sự tác động về nhiệt độ, áo quần sẽ cháy trước và giải phóng lớp mỡ dưới da, khiến chất béo bị tan chảy và tự bắt lửa. Chúng hoạt động như một chất sáp để giữ cho bấc cháy, việc này sẽ xảy ra liên tục miễn là nhiên liệu vẫn còn đó.

Những người ủng hộ giả thuyết này đều cho biết, đây là câu trả lời cho câu hỏi tại sao thi thể của nạn nhân bị thiêu rụi gần hết nhưng hầu như môi trường xung quanh không bị tổn hại.

Bí ẩn vẫn mãi là bí ẩn

Tuy "hiệu ứng sợi bấc" là giả thuyết khả thi nhất nhưng lại không hoàn toàn thuyết phục. Nó không thể giải thích đầy đủ lý do tại sao các nạn nhân vẫn bất động trong quá trình đốt, cũng như không giải thích được tại sao đồ vật xung quanh thường không hề hấn gì khi gặp đám cháy.

Kinh dị hiện tượng người tự bốc cháy thành tro nhưng xung quanh vẫn nguyên vẹn, y học "đau đầu" vì không thể lý giải loại bệnh gì - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, những trường hợp bị SHC luôn xảy ra ở trong nhà là nhiều, khi nạn nhân ở một mình và ở gần các nguồn nhiệt. Hiện tại thế giới chưa ghi nhận tình trạng động vật tự nhiên bốc cháy, nên dường như SHC chỉ xảy ra ở con người.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khẳng định cơ thể con người phải đạt đến nhiệt độ khoảng 3000 độ F (1648 độ C) mới cháy thành tro hoàn toàn, nhưng chỉ với một ngọn lửa tự phát thì không thể nào đủ sức cháy mạnh như vậy. Chính vì vậy, hiện tượng SHC vẫn còn là một ẩn số không lời giải đáp.

T/H

Chia sẻ