Kiểu ăn đang được quan tâm nhiều trên mạng xã hội: Ăn thực phẩm không qua chế biến
Đó chính là ăn thô! Đơn giản trong chế biến, tiện lợi khi lựa chọn thực phẩm, chế độ ăn này hiện rất được lòng chị em phụ nữ.
Nhiều năm trở lại đây, ăn thô trở thành trào lưu được nhiều người tìm đến. Phần lớn chị em phụ nữ tìm đến ăn thô vì tin vào những công dụng mà chế độ ăn này đem lại. Nhiều người coi chế độ ăn này chính là cách chữa lành cho mình từ cơ thể đến tâm trí...
Thế nên, chỉ trong thời gian ngắn, làng ăn thô trên mạng xã hội Facebook đã thu hút 205.400 thành viên tham gia. Ăn thô là gì? Ăn thô có tác động thế nào tới sức khỏe? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!
Ăn thô là gì?
Chế độ ăn thô đã xuất hiện từ cuối những năm 1800. Trong những năm gần đây, chế độ ăn này dần phổ biến trở lại. Theo những người thuộc chủ nghĩa ăn thô, ăn thô là ăn thực phẩm có nguồn gốc thực vật như trái cây, rau củ quả, hạt tươi sống, chưa qua đun nấu bằng nhiệt.
Ăn thô cũng có nhiều trường phái và quan điểm khác nhau, có người đề cao vai trò của rau xanh, hạt. Nhiều người lại đề cao vai trò của trái cây.
Theo Medicalnewstoday, chế độ ăn thô kết hợp thuần chay bao gồm các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, thô và chưa qua chế biến. Chế độ ăn này loại trừ các sản phẩm động vật, chẳng hạn như thịt, các sản phẩm từ sữa và thực phẩm cần nấu chín.
Ăn thô: Bạn sẽ ăn gì và không ăn gì?
Ăn thô được coi là một kiểu ăn của chế độ ăn thuần chay. Chế độ ăn thuần chay không bao gồm bất kỳ sản phẩm động vật nào, chẳng hạn như sữa, phô mai, trứng, thịt, cá. Chế độ ăn thuần chay thô có nghĩa là bạn cũng không cần hâm nóng, nấu hoặc chế biến thực phẩm để ăn.
Thay vì nấu ăn, một người có thể chuẩn bị thức ăn theo những cách khác, chẳng hạn như uống nước ép trái cây, ăn rau quả trộn, ngâm, ăn hạt nảy mầm, khử nước trước khi uống...
Ăn thô: Tại sao không đun nấu thức ăn?
Theo Healthline, những người ủng hộ chế độ ăn thô cho rằng, thức ăn bị đun nấu là thực phẩm chết, mất đi những enzyme cho quá trình phát triển, tiêu hóa thức ăn và nuôi dưỡng cơ thể.
Enzyme là tên gọi chúng của các protein xúc tác được tạo ra trong tế bào sinh vật. Có sự sống, sẽ có enzym. Cây nảy mầm, đâm chồi, ra hoa nhờ enzyme tác động. Cơ thể con người phát triển, duy trì được sự khỏe mạnh cũng nhờ enzyme. Nhưng enzyme trong cơ thể có hạn và chúng cũng có tương tác qua lại lẫn nhau.
Ví dụ như một đêm bạn uống rượu say, dùng một lượng lớn enzym để phân giải cồn, thì hôm sau dạ dày cạn kiệt không còn nhiều enzyme để tiêu hóa thức ăn. Chúng ta có thể nạp thêm enzym từ thực phẩm, nhưng khi dùng nhiệt và nấu chín thức ăn, đồng thời cũng giết luôn enzym có trong loại thực phẩm đó. Enzyme là có hạn. Khi cơ thể sử dụng hết enzyme, đồng nghĩa với sự sống cũng kết thúc.
Mặc dù vậy không có nghiên cứu khoa học để hỗ trợ tuyên bố này. Một số nhà khoa học cho rằng mục đích chính của các enzyme trong thực phẩm là để nuôi dưỡng sự phát triển của thực vật - chứ không phải để giúp con người tiêu hóa chúng.
Hơn nữa, cơ thể con người sản xuất các enzyme cần thiết để tiêu hóa thức ăn. Cơ thể hấp thụ và tái tiết ra một số enzyme, khiến việc tiêu hóa thức ăn không thể dẫn đến thiếu hụt enzyme. Ngoài ra, khoa học cũng chưa chứng minh được tác dụng phụ nào đối với sức khỏe của việc ăn thực phẩm nấu chín có enzyme biến tính.
Có nên áp dụng chế độ ăn thô?
Những người theo chế độ ăn thô cho rằng, đây là phương pháp ăn uống mang lại sức khoẻ toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Ăn thô đã và đang được ứng dụng vào những phương pháp chữa lành tự nhiên, giúp cơ thể có nguồn nguyên liệu để tự tái tạo lại tế bào, dọn dẹp rác thải.
Nhiều người theo trường phái ăn thô cho rằng đây là cách chữa dứt điểm và gốc rễ của hầu hết những loại bệnh tật hiện tại như tiểu đường, huyết áp, gan nhiễm mỡ, rối loạn lipid máu... Với chị em yêu thích làn da đẹp tự nhiên, ăn thô giúp khắc phục những vấn đề về da như nám, đồi mồi, tàn nhang, mụn...
Thậm chí, người ta còn khuyên bạn, nếu muốn biết được bản thân có thể khỏe mạnh và trẻ trung đến mức nào, hãy thực hành ăn thô.
Trong khi đó, Medicalnewstoday nhận định, chế độ ăn thuần chay thô bao gồm nhiều trái cây tươi, rau và các loại hạt, rất bổ dưỡng. Chúng có vai trò lớn nhất trong việc cải thiện sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, ăn thô có thể hỗ trợ giảm cân. Một nghiên cứu chỉ ra rằng trong hơn 3,7 năm, những người theo chế độ ăn thuần chay thô đã giảm được 9,9 - 12kg. Tuy nhiên, khoảng 14 - 25% số người tham gia nghiên cứu trở nên nhẹ cân.
Thừa cân và béo phì có thể làm tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch. Duy trì chế độ ăn thô có thể giúp một người giảm cân và giảm nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe này. Trong khi đó, nghiên cứu năm 2009 cho thấy, ăn thô gần như giảm một nửa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
CDC cũng từng đưa ra khuyến nghị, những thay đổi về chế độ ăn uống có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của một người. Chúng bao gồm việc tăng cường ăn trái cây và rau không chứa tinh bột, giảm thực phẩm chế biến, chất béo chuyển hóa có trong thực phẩm nướng và chiên.
Trong khi làng ăn thô không đề cập đến rủi ro của chế độ ăn này, các nhà khoa học cho rằng vẫn còn nhiều bất cập nếu bạn áp dụng dài lâu.
Theo Healthline, chế độ ăn thô chứa ít calo, nhiều đường tự nhiên có thể gây ra một vấn đề như thiếu vitamin và khoáng chất, thiếu đạm, vitamin B12, vitamin D, sắt, canxi, selen, kẽm.
Đây là nguyên nhân gây ra các tình trạng như vàng da, viêm lưỡi, loét miệng, sâu răng, cáu gắt, trầm cảm, mất trí nhớ, xương yếu, kinh nguyệt không đều, ngộ độc thực phẩm...
Tóm lại
Không ai có thể phủ nhận rằng chế độ ăn thô là chế độ ăn bổ dưỡng với nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, rất tốt cho sức khoẻ. Ăn những thực phẩm này có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch.
Tuy nhiên, nếu không cẩn thận lên kế hoạch, bạn có thể không nhận được tất cả lượng calo hoặc chất dinh dưỡng cần thiết. Nhất là với chị em phụ nữ, một số tình trạng sức khỏe có liên quan đến chế độ ăn thô như chu kỳ kinh nguyệt không đều, tỷ lệ gãy xương... sẽ gia tăng.
Từ góc độ chuyên gia, bác sĩ dinh dưỡng Vũ Đại Dương (làm việc tại TPHCM) cho biết thêm, anh chưa từng nghe nói đến chế độ ăn khoa học nào mà chỉ ăn rau củ quả sống. Tốt hơn hết, một người theo chế độ ăn thô nên đảm bảo cơ thể luôn nhận đủ calo và chất dinh dưỡng cần thiết mỗi ngày. Các nhà khoa học không coi chế độ ăn thô là một chế độ ăn lâu dài, an toàn cho sức khoẻ. Do đó, trước khi áp dụng, bạn cần cân nhắc nếu quyết định ăn thô dài lâu.