Kiện đòi bồi thường 1,2 tỷ trong vụ sữa Danlait
Người bị kiện là ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là đội QLTT số 12.
Câu chuyện về “sữa dê Danlait” của Cty Mạnh Cầm đã khiến dư luận quan tâm trong suốt thời gian dài từ đầu năm 2013. Sự việc tưởng chừng đã khép lại sau khi có kết quả và kết luận của các cơ quan chức năng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Nhưng giờ đây, “sữa dê Danlait” lại tiếp tục được “hâm nóng” dư luận. Khác với vấn đề nguồn gốc, chất lượng như trước đây, Cty Mạnh Cầm đã chính thức gửi đơn khởi kiện vụ án hành chính lên tòa hành chính – TAND TP Hà Nội.
Người khởi kiện là Cty Mạnh Cầm còn người bị kiện là ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội. Đồng thời, đội QLTT số 12 cũng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Cty Mạnh Cầm đã kiện Quyết định hành chính số 0165977 ngày 14-5 do ông Vương Trí Dũng ký ban hành, nội dung xử phạt dựa theo biên bản vi phạm hành chính số 0177299 do đội QLTT số 12 lập ngày 13-5.
Theo đó, Cty Mạnh Cầm vi phạm lỗi hành chính về ghi nhãn phụ đã được xử lý theo quyết định xử phạt nhưng ông Dũng lại ghi thêm việc “chuyển 190 tờ phiếu xuất kho của Cty Mạnh Cầm đến Chi cục thuế quận Thanh Xuân để xử lý theo quy định”. Nội dung này không hề có trong biên bản vi phạm hành chính.
Trao đổi với PV, ông Đặng Quang Mạnh, GĐ Cty Mạnh Cầm, cho rằng, ông Dũng đã cố tình cho nội dung trên vào trong quyết định nhằm “o ép” và “trù dập” DN. Bởi bản chất 190 tờ phiếu xuất kho không nằm trong nội dung kiểm tra theo quyết định kiểm tra số 0236235 của đội QLTT số 12, không thuộc đối tượng tạm giữ theo quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính số 0123674 ngày 25-2 của đội QLTT số 12. Mặt khác, 190 tờ phiếu xuất kho này cũng không phải là tài liệu, chứng cứ chứng minh cho hành vi vi phạm hành chính theo nội dung trong biên bản vi phạm hành chính số 0177299 ngày 13-5 của đội QLTT số 12.
Liên quan đến vụ việc, luật sư Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cũng nhận định, việc đội QLTT số 12 “tự ý” lấy mẫu đi kiểm nghiệm là việc làm ngoài nội dung trong quyết định kiểm tra, là chưa đúng với quy định của pháp luật. Đặc biệt là khi chưa có kết quả kiểm tra về chất lượng sản phẩm, lực lượng QLTT lại thông tin với báo chí, truyền hình rằng sản phẩm có thể không đạt chất lượng. Điều đó không nên làm bởi nó sẽ gây thiệt hại trực tiếp cho DN cũng như khiến cho dư luận xôn xao và bất ổn. “Đáng lẽ, QLTT chỉ nên phát biểu những điều đó sau khi có kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Như vậy mới thực sự công tâm và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho cả DN lẫn người tiêu dùng”, ông Anh Tuấn phân tích thêm.
Đồng quan điểm, thạc sỹ Nguyễn Thị Sinh, chuyên gia luật và là GĐ Trung tâm thương hiệu – chất lượng, cho rằng, mấu chốt mà dư luận quan tâm nhất trong vụ việc “sữa dê Danlait” chính là chất lượng sản phẩm. Nhưng lạ là, dù đã có kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia từ giữa tháng 3 nhưng phải gần 2 tháng sau, lực lượng QLTT mới chính thức kết luận về vi phạm.
Chính sự chậm trễ này của QLTT Hà Nội đã gây bất lợi cho DN. Hàng hóa của Cty bị đội QLTT số 12 thu giữ về để trong kho bảo quản trong điều kiện không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng bị mốc ẩm, rách, nát bao bì khiến cho DN khi nhận hàng về không thể mua bán được gì. Mặt khác, còn khoảng 400 lon “sữa dê Danlait” trong kho của đội QLTT số 12 vẫn chưa được trả lại DN. “Chính những điều này là nguyên nhân khiến cho Cty Mạnh Cầm quyết định khởi kiện hành chính đối với QLTT bởi DN gần nửa năm qua không hoạt động được, ảnh hưởng uy tín thương hiệu Cty trầm trọng và đứng trước bờ vực phá sản”, bà Sinh khẳng định.
PV sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ kiện trên.