Kiến ba khoang lan rộng ở Huế
Sau thời gian tạm lắng, gần một tuần nay chung cư Hương Sơ (TP Huế) lại rộ lên tình trạng kiến ba khoang tấn công dân và lan rộng nhiều khu vực khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Kiến ba khoang khiến hàng trăm người dân xứ Huế bị viêm da tiếp xúc, gây mẩn ngứa, phòng rộp da, lở loét trên cơ thể.
Ông Trần Văn Lân 54 tuổi, chủ căn hộ 401-G5, khu chung cư Hương Sơ, cho biết, hiện tại đây có rất nhiều người dân bị kiến đốt lần 2 - 3. Mức độ xuất hiện kiến ba khoang giảm so với lần trước nhưng cũng đủ khiến người dân đảo lộn cuộc sống.
Chị Trần Thị Thành, chủ căn hộ 305 -G3, có con 8 tháng tuổi bị kiến ba khoang đốt gây lở loét ở khu vực gần hậu môn đã hơn một tuần nay.
Chị Thành cho biết, từ ngày bị kiến đốt, bé cứ khóc vì ngứa rát. Mẹ phải ở nhà chăm sóc, bỏ dở nhiều công việc mưu sinh. “Có mua thuốc về bôi nhưng vết thương vẫn chưa khỏi. Chừ không biết làm răng?”, chị Thành phân trần.
Số liệu thống kê của Trung tâm phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện ở khu chung cư Hương Sơ đã có 127 người dân bị kiến ba khoang đốt, trong đó có nhiều người bị kiến đốt lần thứ ba.
Một em bé bị kiến ba khoang đốt gây viêm da trên mặt. Ảnh: Đăng Nguyên.
Theo Thạc sĩ bác sĩ Hoàng Văn Hội, Giám đốc Trung tâm phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng tỉnh Thừa Thiên - Huế, tình trạng kiến ba khoang cũng xuất hiện tại một số nơi trên địa bàn Thừa Thiên - Huế như: khu ký túc xá sinh viên Trường Bia - ĐH Huế, khu tập thể công nhân nhà máy Scavi (huyện Phong Điền) và ký túc xá thuộc Trung tâm giáo dục quốc phòng ĐH Huế (đóng tại thị trấn Phú Bài, thị xã Hương Thủy). Số lượng người mắc bệnh gần 100.
“Ngay sau khi có thông tin kiến ba khoang xuất hiện, chúng tôi đã cử đoàn bác sĩ đến khảo sát và phun hóa chất xử lý môi trường xung quanh, cấp phát thuốc điều trị miễn phí. Qua thời gian theo dõi, hiện mật độ kiến ba khoang xuất hiện đã giảm, số người mắc bệnh mới cũng giảm hẳn”, bác sĩ Hội cho biết.
Cũng theo bác sĩ Hội, tại mỗi điểm xuất hiện kiến, cơ quan chức năng địa phương đã tổ chức nhiều đoẹt truyền thông tuyên truyền người dân giữ vệ sinh nơi ở và xung quanh nhằm hạn chế lượng kiến ba khoang xuất hiện, gây bệnh.
“Trước mắt, những người bị kiến ba khoang đốt nên đến tại các trụ sở y tế để khám, điều trị. Trường hợp bị kiến bám (hoặc tiết dịch độc) trên da, người dân nên rửa ngay bằng xà phòng chỗ tiếp xúc, sau đó đến khám nhanh tại trạm y tế gần nhất để bác sĩ tư vấn dùng thuốcđiều trị. Tuyệt đối không tự mua thuốc ở ngoài về điệu trị, nhằm tránh tình trạng vết thương thêm nghiêm trọng”, bác sĩ Hội khuyến cáo.
Thời gian qua, ngoài Huế, kiến ba khoang cũng xuất hiện tấn công khu dân cư ở TP HCM. Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ Colleoptera (cánh cứng), lớp Insecta (côn trùng), ngành động vật.
Về mặt hình thái học của loại côn trùng này rất đặc biệt: thân mình thon, dài như hạt thóc (dài 1-1,2cm, ngang 2-3mm), nhiều màu sắc khác nhau, nhìn giống con kiến; do đó, người ta hay gọi với nhiều tên gọi khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong...
Trong cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin (C24H43O9N) với độc tính gấp 12-15 lần nọc độc rắn hổ mang. Độc tố này có tính xuyên thấm qua da, là độc chất tự nhiên có hiệu lực như chất chống ung thư và virus.