Kiểm tra học kỳ lớp 1 - 2: Phụ huynh lo, trường rơi thế khó
Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về việc kiểm tra trực tiếp lớp 1, lớp 2 cuối kỳ, trường hợp bất khả kháng mới kiểm tra trực tuyến khiến nhiều phụ huynh, nhà trường lo lắng. Trong khi đó, lãnh đạo Bộ khẳng định, bài kiểm tra nhằm đánh giá chất lượng dạy học, tránh hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp”.
Gây áp lực cho trẻ?
Chị Nguyễn Thùy Dương, có con học lớp 1, Trường Tiểu học Đại Từ, quận Hoàng Mai (Hà Nội), nói rằng, chị ủng hộ phương án kiểm tra cuối kỳ trực tuyến. Nếu kiểm tra trực tiếp, các con phải đến trường ôn tập sau đó mới kiểm tra, trong khi dịch COVID-19 đang gia tăng khiến gia đình không yên tâm. Từ đầu năm học đến nay, học sinh học trực tuyến, vì vậy cũng nên kiểm tra trực tuyến và đánh giá nhẹ nhàng, không nên gây áp lực cho con.
Tương tự, chị Trần Thị Thủy, có con học lớp 1, Trường Tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội), cũng bày tỏ băn khoăn khi hơn 3 tháng qua con học trực tuyến, nếu đến trường kiểm tra học kỳ trực tiếp, trẻ sẽ gặp áp lực. “Hằng ngày, giáo viên vẫn yêu cầu học sinh quay video gửi nội dung bài đọc, chụp bài tập viết, làm Toán qua phần mềm Azota để giáo viên chấm. Do đó, nếu kiểm tra cuối kỳ theo phương thức này cũng thuận lợi và đảm bảo an toàn cho học sinh”, chị Thủy nói.
Trong khi đó, các trường Tiểu học tại Hà Nội cho biết, họ đang mắc kẹt giữa phương án kiểm tra của Bộ GD&ĐT và mong muốn của phụ huynh nên sẽ chờ thêm hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội. Nhiều trường dự định trong ít ngày tới sẽ lấy ý kiến phụ huynh về phương án kiểm tra.
Bà Bùi Thị Minh Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội), cho rằng, phương án kiểm tra trực tuyến khả thi hơn. Với kiểm tra trực tuyến, trường sẽ chia học sinh theo từng nhóm nhỏ. Đề kiểm tra cơ bản, nhẹ nhàng nhằm nắm bắt xem sau một học kỳ, học sinh có đạt mục tiêu hay không. “Nếu Bộ GD&ĐT yêu cầu kiểm tra trực tiếp, bất khả kháng mới kiểm tra trực tuyến (bất khả kháng là nhóm học sinh nhỏ thuộc diện phong tỏa, F1, F2…), các trường sẽ rất khó khăn để thuyết phục phụ huynh. Hiện nay, như quận Đống Đa, học sinh lớp 12 cũng đã phải dừng tới trường, thử hỏi làm sao lớp 1 có thể đi học để kiểm tra trực tiếp?”, bà Thu băn khoăn.
Theo bà Thu, dù học trực tuyến nhưng các trường vẫn phải giải bài toán đảm bảo chất lượng cho học sinh lớp 1. Sau khi học sinh đi học, các trường phải kéo dài thời gian học trực tiếp để học sinh thiếu, hổng kiến thức ở đâu thì bổ sung ở đó, trước khi lên lớp 2, các em phải được kiểm tra lại kiến thức, kỹ năng, đảm bảo đạt mục tiêu của chương trình.
Bà Nguyễn Thúy Hằng, người sáng lập hệ thống Archimedes Academy School, cho rằng nếu Hà Nội yêu cầu kiểm tra trực tiếp, trường sẽ xin ý kiến phụ huynh, tuy nhiên kiểm tra trực tuyến sẽ thuận lợi cho cả cô và trò. Học sinh lớp 1 học trực tuyến ban đầu rất khó khăn nhưng sau một thời gian nỗ lực đến nay các con đã quen với thao tác máy tính.
Đại diện Trường Nguyễn Siêu, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, trường dự định tổ chức kiểm tra học kỳ I đối với học sinh lớp 1- 2 vào cuối tháng 12 bằng hình thức trực tuyến.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho biết, trường đang nghe ngóng thông tin từ cả phía Sở GD&ĐT lẫn phụ huynh học sinh.
Kiểm soát chất lượng dạy học
Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD&ĐT, ông Thái Văn Tài, nói rằng, địa phương phải đánh giá tình hình diễn biến dịch, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo, xây dựng kế hoạch thực hiện và họp phổ biến đến phụ huynh học sinh về phương án kiểm tra, sau đó mới triển khai.
“Việc tổ chức bài kiểm tra cuối kỳ và cuối năm đối với lớp 1 - 2 chỉ thực hiện ở 2 môn Toán và Tiếng Việt để khẳng định chất lượng dạy học thực chất, giúp nhà trường phối hợp với gia đình điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với học sinh nên cần được kiểm soát và tăng trách nhiệm quản lý các cấp. Nếu không, sẽ phổ biến hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp”, ông Tài nói.
Theo ông Tài, văn bản hướng dẫn cho cả nước nên Hà Nội và TPHCM có những điều kiện khác, thuận lợi hơn về nhiều mặt nên linh hoạt và có nhiều cách thực hiện kiểm tra cuối năm phù hợp thực tế.