Kiểm tra bài cũ đầu giờ: Học sinh hào hứng nhận "đơn đặt hàng"

Minh Anh – Hiếu Nguyễn,
Chia sẻ

Kiểm tra, đánh giá học sinh được nhiều giáo viên tích cực đổi mới trong những năm qua.

Nhiều thầy cô đã linh hoạt hình thức khiến học sinh thích thú và mang lại hiệu quả học tập cao.

Khảo bài mới lạ

Tiết học Ngữ văn tại lớp 10A4 Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1) sáng 19/9 được thầy Đỗ Đức Anh bắt đầu bằng hoạt động ôn tập kiến thức cũ. Thế nhưng, thay vì gọi học sinh lên bảng để kiểm tra với hình thức hỏi, đáp như thông thường, giáo viên lại có cách khảo bài mới lạ.

Cụ thể, thầy đã chuẩn bị 4 “đơn đặt hàng” cho học sinh với nội dung: Giới thiệu về các vị thần của Hy Lạp; giới thiệu về thần mưa; giới thiệu về thần trụ trời; giới thiệu về thần gió, rồi “đặt hàng” đến học sinh để có hồi đáp đầy đủ, trọn vẹn nhất về những gì các em biết.

Nhận được “đơn đặt hàng” từ thầy giáo, lớp 10A4 chia làm 4 nhóm thảo luận câu hỏi mình nhận được và nhanh chóng cử đại diện thuyết trình phần trả lời trước lớp.

Với cách khảo bài này, học sinh không còn “đơn độc” đứng trước lớp, phải đọc vanh vách, học thuộc lòng những kiến thức ở tiết học trước mà các em cùng nhau tìm kiếm thông tin rồi thảo luận để đưa ra phản hồi đầy đủ nhất có thể cho “đơn đặt hàng” thầy giáo đưa ra. Nhờ đó, việc bắt đầu 1 tiết học không còn là nỗi ám ảnh đối với học sinh.

Tương tự, ngày 20/9 tại lớp 7/1 Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1), trước khi bước vào dạy bài mới của tiết Lịch sử - Địa lý, cô Nguyễn Thị Kiều Phương tổ chức hoạt động “nhìn hình đoán tên địa danh”. Theo đó, dữ liệu liên quan đến bài học được chiếu lên màn hình, liên tục những cánh tay của học sinh giơ lên để xung phong trả lời. Hoạt động này chỉ gói gọn chừng 10 phút nhưng giúp trò hệ thống lại kiến thức đã học và tạo không khí vui vẻ trước khi bước vào bài học.

Liên quan đến nội dung này, cô Trần Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ), nhấn mạnh: Với mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, cũng như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về kiểm tra, đánh giá, giáo viên cần linh hoạt trong quá trình thực hiện.

Ở cấp tiểu học, học sinh đang trong quá trình xây dựng nền tảng căn bản cho việc học tập và phát triển kỹ năng liên quan đến ý thức chuẩn bị cho bài mới. Một số thầy cô không “kiểm tra miệng” đầu giờ với học sinh tiểu học, thay vào đó cho các em khởi động bằng bài hát, chơi trò chơi, tạo ra môi trường học tập thoải mái hơn và khám phá sự thú vị của kiến thức.

Kiểm tra bài cũ (nếu thực hiện) có thể chỉ thực hiện với em có tinh thần xung phong ở đầu giờ, hoặc giáo viên lồng ghép trong quá trình giảng dạy bài sẽ giúp cho học sinh tự tin trong học tập.

Thay đổi hình thức kiểm tra đầu giờ của giáo viên tạo cho nữ sinh Ngô Thùy Dương, học sinh lớp 7/1 Trường THCS Nguyễn Du và các bạn trong lớp cảm giác về một giờ học sôi động. Ai cũng muốn được phát biểu trả lời. “Em thấy hình thức này thú vị và sáng tạo. Bản thân không còn áp lực trả bài như trước đây. Bước vào bài học mới với tâm trạng thoải mái, em và các bạn tiếp thu tốt hơn”, Thùy Dương nói.

Còn Phạm Đăng Khoa, lớp 10A4, Trường THPT Bùi Thị Xuân cho hay, hình thức kiểm tra bài cũ của thầy cô các bộ môn phần nào nhẹ nhõm và không quá áp lực như những năm học THCS.

“Riêng với môn Ngữ văn, nếu như phương pháp trả bài cũ bằng cách gọi “bất chợt” lên trả lời luôn khiến em áp lực và sợ hãi, thì với cách kiểm tra mới đem lại cảm giác thoải mái, vui vẻ. Đặc biệt, phương pháp này giúp em và các bạn có thể ôn tập và cùng nhau đưa ra câu trả lời đầy đủ”, Khoa cho biết.

Kiểm tra bài cũ đầu giờ: Học sinh hào hứng nhận 'đơn đặt hàng' - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân đọc sách tại thư viện.

Nỗ lực mang lại giờ học hạnh phúc

“Bên cạnh ưu điểm giúp giáo viên đánh giá được việc học bài ở nhà của học sinh, kiểm tra đầu giờ thường mang cho học sinh cảm giác lo lắng, bất an khi bước vào giờ học. Trường hợp học sinh quên kiến thức cũ, tiết học sẽ bắt đầu rất nặng nề, gây áp lực cho cả thầy và trò. Phần kiến thức mới sau đó có thể được truyền tải không hiệu quả nữa”, cô Nguyễn Thu Hằng chia sẻ.

Cho rằng thời gian mở đầu tiết học rất quan trọng, cô Nguyễn Thu Hằng, giáo viên Trường THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho rằng: Theo định hướng của Chương trình GDPT 2018, giáo viên không nhất thiết phải kiểm tra đầu giờ, kiểm tra bài cũ đối với học sinh. Vì thời gian mở đầu tiết học đóng vai trò quan trọng trong việc khơi gợi hứng thú học tập trong cả tiết đó.

Còn theo thầy Đỗ Đức Anh, triển khai Chương trình GDPT 2018, mỗi giáo viên phải lấy trò làm trung tâm. Hình thức kiểm tra miệng đầu giờ như trước đây không mang lại hiệu quả thật sự. Vì vậy, với bài cũ, thầy cô phải có phương pháp để học sinh tự giác học bài chứ không phải vì kiểm tra bài cũ, các em mới học. Thầy Đức Anh cũng cho biết, đổi mới phương pháp kiểm tra, giáo viên không nhất thiết chuẩn bị hoạt động nào đó quá cầu kỳ. Chỉ cần có ý tưởng, một vài mẩu giấy, viên phấn hay từ khóa, giáo viên có thể kiểm tra bài cũ học sinh.

“Khi thầy cô không tạo ra sự căng thẳng trong tiết học và không còn dò bài theo kiểu “bất chợt” như trước, học sinh đón đợi giờ học nhiều hơn. Từ đó khoảng cách giữa thầy và trò sẽ không còn”, thầy Đức Anh chia sẻ.

Còn thầy Đặng Hữu Trí, Tổ trưởng Tổ Toán Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1), cho rằng, giáo viên đang dạy học theo mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc, giờ học hạnh phúc. Mỗi ngày đến lớp của học sinh phải là một ngày hào hứng, vui vẻ. Do đó, tại Trường THCS Nguyễn Du, ở tất cả môn học, nhà trường đều áp dụng việc khởi động trước giờ học.

Riêng môn Toán sẽ kiểm tra bằng hình thức giao học sinh thực hiện sản phẩm học tập ứng dụng kiến thức như thiết kế giác kế. Sau đó, học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm bên ngoài nhà trường với nhiệm vụ sử dụng sản phẩm của mình để đo chiều cao một số đồ vật...

“Đổi mới trong dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá được áp dụng từ lâu. Thực ra, việc giáo viên dò bài là để kiểm tra học sinh có ghi nhớ kiến thức hay không, từ đó có thể làm bài tập, sau này áp dụng vào cuộc sống. Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, giáo viên cần chuyển mình theo mục tiêu giáo dục mới, không nên áp dụng phương pháp cũ gây lo lắng cho học sinh”, thầy Trí nói.

Với kinh nghiệm của mình, cô Phan Ngọc Ánh, giáo viên Trường THPT Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội), cho rằng, kiểm tra đầu giờ nếu coi như một khâu khởi động cho bài học mới với nhiều hình thức phong phú sinh động (như tổ chức trò chơi, trả lời câu hỏi nhanh, dựng hoạt cảnh…), học sinh vừa hứng thú, vừa chủ động phát triển nhiều kỹ năng.

Tuy nhiên, kiểm tra không nhất thiết thực hiện đầu giờ mà có thể với bất cứ đơn vị kiến thức nào trong giờ học; hoặc dùng để củng cố lại nội dung bài học ở cuối tiết học. Cách thức tổ chức của giáo viên càng sáng tạo thì càng có ích cho học sinh.

Bởi vậy, ta không nên đặt câu hỏi: Kiểm tra đầu giờ có cần thiết không? Mà nên đặt câu hỏi: Cần có những cách thức kiểm tra nào phù hợp và hiệu quả với từng đối tượng học sinh. Kết quả đầu ra của kiến thức và kỹ năng luôn được đánh giá bằng khâu “kiểm tra - đánh giá” bởi vậy đổi mới khâu này là yêu cầu quan trọng với mỗi giáo viên.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho hay, theo tinh thần của Chương trình GDPT 2018 và Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, trường học đánh giá học sinh qua đánh giá thường xuyên và định kỳ. Trong đó, có môn đánh giá bằng nhận xét, môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số. Về hình thức, Thông tư 22 quy định rõ việc đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua hỏi đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập...

“Hiện vẫn còn tình trạng giáo viên có thói quen gọi học sinh trả bài, dò bài cũ ‘bất chợt’. Việc này xuất phát từ tâm lý dạy học nặng về truyền thụ kiến thức. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, kiểm tra bất ngờ, ‘bất chợt’ không phù hợp bởi mục đích không rõ ràng, nội dung nặng về nhớ kiến thức máy móc sẽ gây căng thẳng, áp lực với học sinh”, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết.
Chia sẻ