Kiểm soát thu nhập có thể là hành vi bạo lực gia đình
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đưa ra là cần thiết, khi quy định việc kiểm soát tài chính cũng là một dạng bạo lực về kinh tế.
Trong các vấn đề bạo lực gia đình, bạo lực tài chính không thường được đề cập và thảo luận, nhưng có thể diễn ra hết sức phức tạp. Theo Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định mới đây, việc cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ hay kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính cũng là hành vi bạo lực gia đình.
Tiền ai nấy giữ, mỗi người tự quản chi tiêu cá nhân là cách gia đình anh Đạt (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã thực hiện suốt nhiều năm nay. Khi chưa đủ tự tin kiểm soát chi tiêu, vợ chồng tự giữ tiền còn tốt hơn là một người giữ cho cả hai.
"Bản thân mình cũng là người chi tiêu khá mạnh tay nên vài trăm nghìn một ngày là gò bó. Tiền lương của hai vợ chồng thì của ai người nấy giữ, ai tự cảm thấy mức lương của mình chi được cho khoản nào thì sẽ đảm nhận khoản đó", anh Nguyễn Tiến Đạt, quận Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Họ không được cầm, chi tiêu khoản tiền mà họ kiếm ra thì đó cũng là một dạng bạo lực tinh thần. Nếu người vợ không biết nhường nhịn, muốn giành phần thắng nhiều hơn thì sẽ khiến người chồng cảm thấy yếu thế, không thấy phù hợp với người vợ đó nữa", chị Trần Thu Trang, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho hay.
Trên thực tế, không có một câu trả lời chính xác cho câu hỏi ai là người nên giữ vai trò nhạy cảm này trong gia đình. Với anh Tú (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), điều quan trọng nhất không phải ai là người giữ tiền, mà là cách giữ sao cho hợp lý vì không một ông chồng hay bà vợ nào muốn mình đi làm cật lực để kiếm tiền, sau đó phải xin người bạn đời của mình từng đồng.
"Ai cầm tiền thì người ấy có quyền là vấn đề mấu chốt tạo ra xung đột trong hôn nhân. Có những người chồng gặp phải người vợ tiêu hoang quá, họ không muốn đưa tiền cho vợ khiến người vợ cảm thấy không đúng. Tất cả khoản chi tiêu trên 5 triệu đồng, vợ tôi luôn chia sẻ cho tôi, hai vợ chồng cùng bàn thảo để đưa ra quyết định", anh Hoàng Anh Tú, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết.
Các chuyên gia tâm lý thường ví việc bắt đầu xây dựng một tổ ấm cũng giống như mở một doanh nghiệp. Dự thảo luật đưa ra là cần thiết, khi quy định việc kiểm soát tài chính cũng là một dạng bạo lực về kinh tế mà xưa nay ta chưa từng để tâm.
Dự kiến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2023. Một trong những điểm mới so với luật ban hành trước đó là người gây ra bạo lực gia đình sẽ phải lao động công ích theo nhu cầu của cộng đồng.