Kiếm bạc lẻ bên ngoài vũ trường

Ngọc Ánh,
Chia sẻ

Vũ trường H. trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1-TP.HCM), 11h khuya dập dìu người ra vào nườm nượp, bà cụ tóc bạc trắng như cước vẫn ngồi bên cạnh cửa mời chào khách mua kẹo.

Cụ Nguyễn Thị Chát năm nay 64 tuổi đã bán thuốc lá ở cổng vũ trường này đã 23 năm. Ngày nào cũng vậy khi thành phố lên đèn là cụ Chát đã lịch kịch mang những túi hàng tới cổng vũ trường để bán tới lúc vũ trường thưa bóng khách mới trở về nhà. Cụ chỉ bán thuốc lá và kẹo singum, những thứ mà theo cụ là “dân đi chơi vũ trường cần”.

Kiếm bạc lẻ mưu sinh

Quê ở Quãng Nam, theo chồng vào Sài Gòn để nuôi 5 đứa con. Những ngày đặt chân tới Sài Gòn cụ Chát đã gắn bó với góc đường này “trước kia đây là rạp chiếu bóng, tui bán nước ở đây, sau này chuyển thành vũ trường tui lại xin người ta cho ở lại. Vậy là đã hơn mấy chục năm bán ở đây rồi đó” cụ  nhớ lại. Bây giờ con cái đã lớn hết, chồng đã mất nhưng tối nào cụ cũng có mặt nơi đây tới tận 2-3h sáng. Sau khi xong việc cụ lại bắt xe ôm trở về nhà của con trên đường Đoàn Văn Bơ (quận 4). 

Kiếm bạc lẻ bên ngoài vũ trường  1
Sạp kẹo của cụ Cụ Nguyễn Thị Chát.


Một vài thanh niên mặt non choẹt bước xuống từ một chiếc taxi, cụ Chát lại mời “thuốc lá, singum không cậu ơi” tiếng mời nghe đã khàn lại, cậu thanh niên đi lướt ngang không thèm nhìn bà cụ, còn buông lời đùa cợt và cười lên khoái trá rồi đi thẳng vào vũ trường. Cụ cười gượng gạo: “Bán ở đây gặp nhiều trường hợp vậy lắm. Có người chỉ bằng tuổi con cháu mình nhưng đôi lúc quát mình như con nít. Phải biết chấp nhận chứ biết làm sao”. 

Mấy chục năm bán ở đây cụ đã có nhiều khách quen của mình. “Có nhiều người là khách quen của tui, lúc nào tới đây chơi cũng mua hàng cho và chẳng bao giờ lấy lại tiền thừa. Họ bảo chút tiền lẻ không đáng gì, nhưng có khi số tiền lẻ đó lại bằng một buổi mình bán đó nhé” cụ Chát chia sẻ. 

Gần đây, cụ mắc bệnh tiểu đường bác sĩ dặn không được thức khuya nhưng cụ không thể nghỉ bán một ngày bởi nỗi lo miếng cơm manh áo chưa thể nguôi. 2h sáng trời Sài Gòn lạnh hơn, cụ Chát mặc thêm chiếc áo đã cũ màu, mấy người đàn ông bước ra lảo đảo. Tiếng mời chào của cụ bị át đi trong tiếng cười nói rôm rả. 2h30 cụ Chát lụi cụi sắp những bao thuốc vào cái bao bố trở về nhà giữa đêm khuya khoắt trên chiếc xe ôm quen thuộc.

Những ước mơ giản dị

Cũng bán cạnh vũ trường này nhưng anh Lê Tâm quê ở Quãng Ngãi lại không có chỗ bán dễ dàng như cụ Chát. Để được bán mực khô ở đây anh phải làm thân với mấy người bảo vệ và quản lí của vũ trường bằng cách lân la nói chuyện nhiều và “thỉnh thoảng không lấy tiền mực” anh Tâm chia sẻ. Nhờ vậy anh được bán ở nơi này gần 13 năm nay. 

Mọi người ở đây quen gọi anh là cu Mực. Đêm nào cũng vậy sau khi đạp chiếc xe cũ kĩ bán khắp nơi, khoảng 12h đêm anh lại tới vũ trường này để bán. “Mùi mực nướng thơm cũng hấp dẫn những người đi chơi khuya bụng đã bắt đầu đói lắm”, anh Tâm hóm hỉnh nói. Chính vì vậy mỗi đêm anh bán ở đây cũng khá đắt khách. 

Kiếm bạc lẻ bên ngoài vũ trường  2
Anh cu Mực bên xe hàng rong của mình.

Hiện tại vợ và con anh Tâm đang ở Vũng Tàu, lâu lâu anh bắt xe về thăm vợ con một hôm rồi lại tất tả lên đi bán. Cũng như cụ Chát anh Tâm thường rời vũ trường lúc 2-3h sáng, có đôi khi tới 4h sáng vì hôm đó vẫn còn bán được.

Sài Gòn càng ngày thức càng khuya, mười mấy năm bán hàng rong anh Tâm nhận ra điều đó và càng ngày càng phải thức khuya hơn với những vị khách của mình. Trở về căn gác trọ chật hẹp cùng mấy người bạn bán rong sau một ngày mệt mỏi, anh Tâm luôn mơ về một ngày mua được chiếc xe máy đi bàn hàng cho đỡ cực và rồi đưa được vợ con lên thành phố sống cùng.
Chia sẻ