Kiếm 74 triệu/tháng, sẵn gần 2 tỷ tiết kiệm vẫn chẳng biết chi tiêu thế nào cho hợp lý
Nhiều người cho rằng cách chi tiêu và tiết kiệm của gia đình này đang rất khéo rồi nhưng người trong cuộc vẫn còn nhiều lấn cấn.
Dù thu nhập cao hay chỉ đang ở mức “bình bình”, nếu đã đặt mục tiêu tiết kiệm, có lẽ chúng ta đều có chung một nỗi băn khoăn: “Không biết mình chi tiêu, tiết kiệm như thế đã ổn, đã tối ưu chưa nhỉ?”
Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, một cặp vợ chồng đang nuôi 2 con sinh đôi 1 tuổi đã đặt ra thắc mắc như trên. Với mức thu nhập 74 triệu, họ vẫn đang không tự tin với cách phân bổ chi tiêu chỉ gói gọn trong 39 triệu đồng, như hiện tại.
Mỗi tháng tiết kiệm 35 triệu, tiết kiệm được gần 2 tỷ vẫn “đau đầu” tìm cách tối ưu chi tiêu
Theo chia sẻ của cô vợ, có những tháng, gia đình cô cũng không tiêu hết khoản tiền 39 triệu đồng, vẫn còn dư khoảng 500k.
Nhờ có sự hỗ trợ của ông bà trong việc trông con và chi phí ăn uống, các khoản chi của gia đình 2 người lớn - 2 trẻ nhỏ này có thể tóm tắt như sau:
- Chi phí cho gia đình (tiền ăn, điện nước, wifi, tiền sắm vật dụng thiết yếu như nước giặt, dầu gội, sữa tắm,...): 8 triệu/tháng.
- Chi phí nuôi 2 con (tiền bỉm, sữa, vitamin, quần áo, đồ chơi,...): 15 triệu/tháng.
- Tiền tiêu cá nhân của 2 vợ chồng: 6,5 triệu đồng/tháng.
- Tiền biếu bố mẹ: 2 triệu/tháng.
- Mua sắm quần áo cho 2 vợ chồng: 1 triệu/tháng.
- Tiền đóng bảo hiểm: 3 triệu/tháng.
- Hiếu hỷ: 1 triệu/tháng.
- Quỹ du lịch: 2 triệu/tháng.
Ngoài ra, tài sản hiện có của gia đình này là 3 cây vàng và 1,670 tỷ đồng; tổng giá trị quy ra thành tiền mặt khoảng 1,9 tỷ đồng.
Trình bày tình trạng thu - chi và tài sản của gia đình như vậy, cô vợ đặt ra 3 câu hỏi:
- Cách chi tiêu hiện tại đã tối ưu hay chưa?
- Nên làm gì để tiền sinh lời?
- Có nên mua ô tô hay không, dù nhu cầu sử dụng không nhiều (chỉ khi đưa con đi chơi mới cần tới ô tô)?
Trong phần bình luận của bài đăng, ngoài những comment khen ngợi cách quản lý chi tiêu, tiết kiệm của gia đình, có người ủng hộ cặp vợ chồng mua ô tô vì thu nhập ổn, cũng không nợ nần gì nên chi tiền mua xe để phục vụ cuộc sống là chính đáng. Có người lại khuyên nếu không thực sự có nhiều nhu cầu sử dụng ô tô thì không nên mua.
Còn về câu chuyện đầu tư gì cho sinh lời, người khuyên mua vàng, người bảo mua đất “là chắc ăn nhất”.
Có vốn nhưng chưa có kinh nghiệm, nên đầu tư thế nào?
Gửi tiết kiệm thì lãi chẳng bao nhiêu, muốn đầu tư nhưng lại lo lỗ vốn, từ có tiền lại thành “trắng tay” thì cũng dở. Đây là nỗi lo chung của những người “có chút vốn” nhưng hoàn toàn chẳng có chút kinh nghiệm đầu tư nào, giống như cô vợ trong câu chuyện phía trên.
Đành rằng không có kiến thức, đầu tư chứng khoán sẽ có rất nhiều rủi ro. Nhưng với những thị trường khác ở thời điểm này, như vàng hoặc BĐS, câu chuyện cũng không dễ hơn là mấy. Vì bản chất, vàng là kênh trú ẩn, không phải kênh đầu tư sinh lời. Còn BĐS, mua đi bán lại mà không có kiến thức, có khi không những không lãi mà còn lỗ đậm sâu.
Vậy cuối cùng, phải làm thế nào mới hợp lý? Có lẽ sẽ không thể có một đáp án chung cho câu hỏi này, vì mỗi người có một một mục tiêu, một nền tảng tài chính khác nhau khi bắt đầu đầu tư. Vậy nên, phương án tối ưu nhất, an toàn nhất nếu có, chính: Đầu tư với số vốn nhỏ, vừa thăm dò thị trường, vừa trau dồi kinh nghiệm.
Đương nhiên, phương án này sẽ không khả thi với việc đầu tư BĐS, mà chỉ hữu ích với thị trường chứng khoán. “Xé” nhỏ vốn, rót vốn dần dần là phương án an toàn, vì giả như có lỗ, khoản lỗ ấy cũng không ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, cũng như không tạo thêm nợ nần.
Nói chung, mới mon men đầu tư, điều quan trọng nhất phải nhớ chỉ có 3 từ: “Đừng tất tay”.
Mua ô tô có chắc là thiết thực?
Đương nhiên, nhu cầu đi lại thì ai cũng có, đặc biệt là những gia đình đang nuôi con nhỏ. Nhưng không phải lúc nào việc mua ô tô cũng là thiết thực. Để không hối hận, trước khi mua ô tô, phải cân nhắc kỹ 3 điều này!
1 - Ô tô là một loại tiêu sản
Một chiếc ô tô lăn bánh từ gara ra mặt đường là đã mất ngay giá trị, bạn sẽ không thể bán nó với giá tương đương hoặc cao hơn giá mua, trừ khi là dòng xe sang phiên bản giới hạn. Ô tô chỉ là phương tiện giúp che nắng che mưa, mang lại sự thuận tiện hơn trong việc di chuyển. Không có nhiều tiền hay quá dư dả, đừng nghĩ tới việc mua xe cho oai.
2 - Tính toán rõ ràng chi phí nuôi xe
Có tiền mua xe là một chuyện, có tiền nuôi xe hay không lại là chuyện khác. Câu hỏi quan trọng mà bạn phải trả lời trong trường hợp này: Chi phí nuôi xe (bao gồm tiền thuê chỗ để xe, xăng xe, chi phí đăng kiểm, bảo dưỡng định kỳ, phí bảo hiểm) tính theo tháng sẽ khoảng bao nhiêu tiền? Con số này liệu có ảnh hưởng tới các khoản chi tiêu cơ bản, khoản tiết kiệm/đầu tư khác của gia đình hay không?
3 - Tìm kiếm các phương án thay thế
Hay nói cách khác là nếu không móc tiền túi ra mua ô tô, thì những lúc cần di chuyển bằng ô tô, có dễ thuê taxi/đặt xe công nghệ hay không? Nếu sinh sống ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, việc đặt xe công nghệ rất đơn giản, điều này ai cũng biết. Nhưng nếu ở những tỉnh nhỏ, chưa có dịch vụ đặt xe công nghệ, thì liệu thuê taxi có dễ không? Gọi một cái là có xe ngay hay phải đặt trước?
Tất cả những câu hỏi này, chỉ có bạn mới trả lời được, vì còn phụ thuộc vào nhu cầu và địa điểm sống. Gia đình có con nhỏ, giả sử con ốm cần đi viện mà không đặt được xe hoặc phải đợi đặt xe lâu quá thì cũng bất tiện thật.
Cuối cùng, lựa chọn hay quyết định nào cũng đều có ưu - nhược điểm. Mua ô tô cũng không phải là ngoại lệ. Cách duy nhất để không phải hối hận sau khi mua ô tô chính là bàn bạc cùng nhau thật kỹ.