Khuyến mãi mạnh vẫn không kích nổi sức mua
Đã sang quý 4 nhưng thị trường vẫn ảm đạm, sức mua rất thấp. Thậm chí ngay cả trong "Tháng khuyến mãi" vừa qua do TP.HCM tổ chức, tình hình cũng không khá hơn là bao.
Đủ "chiêu" vẫn ế
Tổng kết "Tháng khuyến mãi" vừa qua, nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng bởi sức mua quá yếu. Dù doanh thu mà Saigon Co.op đạt được trong tháng này đạt hơn 1.700 tỉ đồng, tăng 20% so cùng kỳ năm trước, nhưng theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, mức tăng này vẫn thấp hơn so với hồi năm 2011 (tăng 30% so cùng kỳ 2010). Đáng nói là chỉ các mặt hàng có khuyến mãi đậm mới tiêu thụ tốt.
Với Công ty Vissan, Tổng giám đốc Văn Đức Mười cho biết, so với cùng kỳ, sức mua không tăng. Còn Công ty Vĩnh Thành Đạt thông tin doanh số thua xa cùng kỳ năm 2011. Thậm chí, tại hệ thống Saigon Food, theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc, doanh số bán hàng trong "Tháng khuyến mãi" giảm so với tháng trước và giảm so với cùng kỳ năm 2011. Ông Trần Bá Dũng, Phó giám đốc quản lý kinh doanh Công ty may túi xách Hương Mai, cũng xác nhận sức mua trong "Tháng khuyến mãi" của công ty đã giảm 30-50% so với cùng kỳ năm trước.
Về nguyên nhân, bà Lâm phân tích: “Không chỉ doanh nghiệp khó khăn mà người tiêu dùng cũng đang rất khó khăn. Ngoài xăng dầu thì nhiều mặt hàng thiết yếu như y tế, giáo dục… cũng tăng giá mạnh, trong khi đồng lương thì eo hẹp nên người dân phải thắt chặt chi tiêu, chỉ chi cho những nhu cầu thực sự cần thiết. Thực trạng này khiến sức mua trên thị trường yếu đi”.
Đồng quan điểm này, ông Văn Đức Mười nhận định: “Cơ bản nhất là do túi tiền của người tiêu dùng eo hẹp nên doanh nghiệp dù có khuyến mãi mạnh cũng không có tác dụng gì nhiều. Tình hình này khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng”.
Các doanh nghiệp thời trang may mặc, hàng công nghệ, mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, ô tô, xe máy… cũng thừa nhận đang “ế thê thảm" khi có ngành sức mua giảm đến hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các chủ doanh nghiệp đều buồn bã thừa nhận dù họ đã vùng vẫy hết sức, tung hết “chiêu” nhưng vẫn không kích được sức mua.
Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc quan hệ công chúng Công ty cổ phần thực phẩm Nutifood, cho biết công ty đang chuẩn bị đưa ra chương trình khuyến mãi, giảm giá đến 30% nhưng vẫn rất lo lắng về sức tiêu thụ của thị trường.
Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu khiến các doanh nghiệp khó tiêu thụ hàng
E dè chuẩn bị hàng tết
Bà Lê Thị Thanh Lâm nhận định, do gần đây thời tiết thất thường, mưa gió liên tục nên người tiêu dùng càng lo lắng, thắt chặt chi tiêu hơn nữa. Vì thế, dự báo trong 2 tháng tới thị trường cũng không sáng sủa hơn, chỉ hy vọng vào dịp cận Tết Nguyên đán.
Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp cho biết họ cũng đang rối bời trong việc tính toán chuẩn bị hàng tết. Theo ông Trần Hữu Đức, thông thường, những năm trước, từ tháng 10, sức mua đã bắt đầu tăng đến Tết Nguyên đán, nhưng năm nay thị trường chưa có dấu hiệu sáng sủa nên các doanh nghiệp còn e dè, phải nghe ngóng tình hình.
Ông Văn Đức Mười cũng cho biết, mùa Tết các năm trước, lượng hàng chuẩn bị năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước 20-25%. Năm nay, theo kế hoạch, Vissan sẽ chuẩn bị lượng hàng tết chỉ cao hơn 10% so với tết năm trước và “chủ yếu là để dự phòng chứ không chắc tiêu thụ hết”.