Khuyến cáo chăm sóc bệnh nhân "hậu COVID-19"
Theo một số chuyên gia, thời gian gần đây, tại nước ta bắt đầu xuất hiện những F0 phải tái khám vì gặp phải những vấn đề về sức khoẻ sau khi khỏi bệnh.
Người bệnh mắc COVID-19 sau khi được điều trị khỏi có thể có các triệu chứng kéo dài vài tuần, thậm chí vài tháng.
Song song với việc điều trị các ca mắc COVID-19, một số cơ sở y tế ở nước ta đã tiếp nhận những người bệnh, dù được công nhận khỏi bệnh, nhưng vẫn có các triệu chứng kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng, tạm gọi là hội chứng "hậu COVID-19".
ThS.BS Trần Hải Ninh, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Có những nghiên cứu trên thế giới chỉ ra sau khi nhiễm COVID-19 18 tháng, bệnh nhân vẫn còn các triệu chứng. Triệu chứng thường gặp là mệt mỏi kéo dài, đau đầu, đau người, khó ngủ, căng thẳng tinh thần, đau tức ngực, khó thở khi vận động mạnh. Các khuyến cáo hiện nay chủ yếu là điều trị hỗ trợ, điều trị triệu chứng, chưa có điều trị đặc hiệu về triệu chứng hậu COVID-19.
Sau quá trình điều trị căng thẳng, các triệu chứng kéo dài cộng với tinh thần mệt mỏi có thể dẫn tới suy nhược cơ thể. Theo các bác sĩ, chế độ dinh dưỡng lúc này là vô cùng quan trọng, người nhà cần lưu ý chăm sóc F0 "hậu COVID-19" và chăm sóc dựa theo hướng dẫn phân nhóm đối tượng cụ thể.
ThS.BS Trần Hải Ninh cho biết thêm: Những bệnh nhân đã thở máy lâu ngày, nằm tại ICU thì không thể sử dụng chế độ dinh dưỡng bình thường được, mà lúc này phải là dinh dưỡng nuôi hồi phục bệnh nhân sau giai đoạn nhiễm bệnh nặng. Lúc này, bệnh nhân đã khoẻ hơn, ăn uống có cảm giác hơn thì dinh dưỡng rất quan trọng. Nhóm thứ hai là những bệnh nhân khi nhiễm đã có triệu chứng nhẹ thì giai đoạn này dinh dưỡng có thể tương tự như giai đoạn bình thường, chú ý bổ sung các vitamin, vi chất dinh dưỡng…
Sau khi đã khỏi bệnh, có thể hiểu là cơ thể người bệnh đã tự sản sinh ra kháng thể. Nhưng khi các triệu chứng kéo dài, mối lo tái nhiễm cũng thường trực ở không ít bệnh nhân. Lúc này, một câu hỏi đáng quan tâm nữa được đặt ra là liệu bệnh nhân "hậu COVID-19" có cần tiêm vaccine ngừa bệnh nữa hay không?
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay: "Theo Tổ chức y tế khuyến cáo, trong vòng 6 tháng thì chưa cần phải tiêm vaccine. Có các nghiên cứu cho thấy các trường hợp nhiễm, sau đó tiêm vaccine thì tỷ lệ kháng thể sinh ra rất là cao cho nên sau đó thì chúng ta có thể tiêm vaccine".
Trong quá trình hồi phục, các chuyên gia khuyến cáo việc đồng hành cùng người bệnh vô cùng quan trọng, đặc biệt khi người bệnh phải trải qua một thời gian dài cách ly hoặc tự cách ly. Nếu các triệu chứng "hậu COVID-19" kéo dài, gây ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống sinh hoạt và tinh thần, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có điều trị "hậu COVID-19" để được thăm khám và xử trí kịp thời.