Khủng hoảng bất động sản 'phá tan' cuộc sống tầng lớp trung lưu Trung Quốc
Những người tiến vào tầng lớp trung lưu Trung Quốc nhờ lĩnh vực bất động sản giờ đây đang phải chật vật kiếm sống vì cuộc suy thoái kéo dài.
Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Ivy Zhang (30 tuổi) đã gia nhập một trong những công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc vào năm 2016, khi thị trường bất động sản của nước này đang như diều gặp gió.
Ngày nào Zhang cũng làm việc đến 11h đêm và được điều chuyển đến thành phố lớn hơn sau khi được công ty vinh danh là "nhân viên bán hàng xuất sắc".
Trong những khoảng thời gian rảnh rỗi ít ỏi, Zhang thường tự thưởng cho mình các gói spa trị giá 550 USD (14 triệu đồng). "Tài khoản ngân hàng chỉ là một dãy số và tôi không bao giờ phải bận tâm về nó", cô chia sẻ.
Mọi người khi đó đều muốn có những gì Zhang và các đồng nghiệp của cô đang bán. Sở hữu bất động sản là điều cần thiết đến mức nó thường là điều kiện tiên quyết để kết hôn. Giá thị trường dường như không bao giờ giảm, vì vậy các chung cư được xem là công cụ lưu trữ tài sản, bảo hiểm và tiết kiệm hưu trí.
Theo Bloomberg Economics, bất động sản Trung Quốc có thời điểm chiếm khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội nước này. Thậm chí một số ước tính còn cao hơn.
Tuy nhiên, những ngày tháng tuyệt vời đó không kéo dài. Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo rằng "nhà để ở, không để đầu cơ" nhưng cho đến năm 2021, lượng nhà được bán vẫn nhanh hơn so với khả năng xây dựng và các nhà phát triển vay nợ chồng chất để tìm kiếm sự mở rộng.
Khi chính phủ đột ngột siết chặt việc vay mượn, mọi thứ sụp đổ. Nhiều người mua nhà mòn mỏi chờ đợi vì việc xây dựng bị đình trệ, châm ngòi cho các cuộc biểu tình giận dữ trên khắp đất nước.
Các nhà phát triển bao gồm Country Garden hay gã khổng lồ China Evergrande Group đều vỡ nợ trái phiếu để lại những khu đất bỏ hoang và các công trình công cộng dang dở.
Giấc mộng trung lưu tan tành
Và cả một thế hệ trẻ tuổi, những người cho rằng họ đã tìm được con đường thăng tiến để gia nhập tầng lớp trung lưu giàu có của Trung Quốc, giờ đây cuộc sống của họ bị đảo lộn. Những gì tưởng như là một sự nghiệp bền vững lâu dài hóa ra chỉ là một khoảnh khắc như bong bóng.
Sự suy thoái đã khiến khoảng 500.000 người rời khỏi lĩnh vực bất động sản trong ba năm tính đến năm 2023, theo Ke Yan Zhi Ku, một nhóm nghiên cứu bất động sản. Con số đó không bao gồm những người lao động trong các ngành liên quan như xây dựng và marketing.
Ivy Zhang cho biết, cô đã giúp Country Garden bán gần 1 tỷ nhân dân tệ (hơn 3.500 tỷ đồng) giá trị căn hộ, giờ đây phải chuyển sang bán thực phẩm chức năng trên mạng xã hội để trang trải chi phí sinh hoạt. Thu nhập của Zhang chẳng thấm vào đâu, khác biệt xa so với thời điểm cô kiếm được số tiền tương đương 83.000 USD (hơn 2 tỷ đồng) một năm.
Vợ chồng Zhang đã hoãn việc sinh con, và cô thường phải lùng sục trên mạng những ưu đãi giảm giá, tự nấu bữa ăn và giảm thiểu giao tiếp xã hội để cắt giảm chi phí.
"Cuộc sống như trước chỉ còn là giấc mơ", Zhang nói. "Nếu trước đây tôi chi 3.000 nhân dân tệ (hơn 10 triệu đồng), thì bây giờ tôi đang cố gắng xem liệu mình có thể cắt giảm xuống 2.000 không. Rồi dần dần có thể tôi sẽ cắt giảm xuống 1.000. Miễn là tôi có thể sống sót".
Charlie Zeng, một cựu nhân viên ưu tú của tập đoàn bất động sản China Vanke, từng kiếm được mức lương hơn 250.000 USD (6,3 tỷ đồng) trong một năm tốt, đã dành cả năm qua để tìm việc.
Trong thời điểm tuyệt vọng nhất, Zeng tình nguyện giảm lương 90%. Sau 70 cuộc phỏng vấn, anh nhận được một vài lời đề nghị, nhưng cuối cùng tất cả đều bị hủy bỏ.
"Ngành này không có tương lai", Zeng bị quan về thị trường bất động sản. "Ngành này dường như đã bị bỏ rơi".
Doanh số bán căn hộ và bất động sản thương mại ở Trung Quốc trong năm nay dự kiến sẽ giảm 45% kể từ năm 2021, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Doanh số bán nhà mới của 100 công ty bất động sản lớn nhất nước này đã giảm khoảng 45% trong tháng 4, so với một năm trước đó. Ngay cả China Vanke - từng được coi là người chắc chắn sống sót nhờ sự hậu thuẫn của nhà nước - cũng đang phải chịu áp lực, với việc xếp hạng tín dụng bị giảm mạnh.
Tín hiệu lạc quan
Thị trưởng ảm đảm bắt đầu xuất hiện những tín hiệu lạc quan. Một số chính quyền địa phương đã nới lỏng các biện pháp kiềm chế đầu cơ, hủy bỏ các hạn chế mua nhà ở một số thành phố lớn.
Chính phủ Trung Quốc đã xác định hai trụ cột cho chính sách nhà ở mới được khởi động: xây dựng nhà ở giá rẻ và cải tạo các khu vực nội thành xuống cấp. Ngân hàng trung ương nước này đang cung cấp nguồn vốn giá rẻ cho các nỗ lực này thông qua cái được gọi là chương trình cho vay bổ sung thế chấp, với khoảng 3.400 tỷ nhân dân tệ tính đến cuối tháng 1/2024.
John Lam, nhà phân tích của UBS Group AG, một trong những chuyên gia đầu tiên trên Phố Wall cảnh báo về Evergrande và hiện là một trong số ít nhà phân tích có cái nhìn tích cực về bất động sản Trung Quốc, nhận định đà giảm giá nhà có thể chậm lại ngay từ đầu năm tới nếu các chương trình cải tạo này diễn ra suôn sẻ.
Cổ phiếu của các nhà phát triển Trung Quốc tăng mạnh vào ngày 16/5 sau thông tin nước này đang xem xét kế hoạch cho chính quyền địa phương mua lại những căn nhà chưa bán được.
"Sự thay đổi trong mô hình tăng trưởng của ngành bất động sản có thể giúp thúc đẩy phục hồi và giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất việc làm", Maggie Hu, trợ lý giáo sư tại Đại học Trung Văn Hong Kong, cho hay.