Khu vực cấm trẻ em ngày càng nhiều ở Hàn Quốc, sắp tới lại phổ biến cả nơi cấm teen và các cặp đôi
Theo nữ chính trị gia Yong Hye-in, hiện tượng này chứng tỏ xã hội Hàn Quốc đang ngày càng bị chia rẽ.
Khi chính trị gia Hàn Quốc Yong Hye-in sinh con trai, cô đã sớm biết rõ về các khu vực cấm trẻ em trên khắp thủ đô. Nhưng phải sau khi người mẹ mới sinh đang mệt mỏi cố gắng mạo hiểm đi uống cà phê tại một quán cà phê địa phương, cô chợt nhận ra rằng các khu vực kiểu này phổ biến tới mức nào.
Cô trở về nhà trong nước mắt. Cô kể: "Tôi ra ngoài lần đầu tiên sau khi sinh con. Quán cà phê đầu tiên tôi đến là khu vực cấm trẻ em. Lúc đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc thế giới không còn chấp nhận những người đang nuôi con như tôi nữa".
Số lượng khu vực cấm trẻ em ở Hàn Quốc đã bùng nổ trong thập kỷ qua, với số liệu mới nhất từ Viện nghiên cứu Jeju đưa tổng số khu vực trên toàn quốc lên tới 542.
Đây là những không gian mà trẻ em bị cấm vào, do đó sẽ cản trở cả cha mẹ đi cùng. Tất nhiên đây không tính những địa điểm chỉ dành cho người lớn, như quán bar, hộp đêm hoặc sòng bạc. Nhiều nơi là cơ sở tư nhân, bao gồm các quán cà phê và nhà hàng.
Nhưng một số tòa nhà công cộng cũng có khu vực cấm trẻ em, bao gồm cả Thư viện Quốc gia Hàn Quốc và cơ quan của cô Yong, tòa Quốc hội Hàn Quốc. Những lý do có thể rất đa dạng.
Một số quán cà phê và nhà hàng lo lắng rằng trẻ em sẽ gây phiền toái cho những khách hàng khác, trong khi những nơi khác cho rằng đó là vì sự an toàn hoặc ngăn ngừa thiệt hại về tài sản. Trước đây, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm pháp lý về những thương tích mà trẻ em gặp phải tại cơ sở của họ.
Một số lại cho rằng đó là sự phản đối những bậc cha mẹ trẻ không kiểm soát hoặc kỷ luật con cái một cách thỏa đáng.
Để báo hiệu nơi là khu vực cấm trẻ em, một số doanh nghiệp sử dụng biển hiệu, trong khi những doanh nghiệp khác chỉ yêu cầu nhân viên thông báo cho phụ huynh nếu họ xuất hiện.
Yong Hye-in, người đại diện một đảng nhỏ tên Đảng Thu nhập Cơ bản, cho rằng các khu vực này không chỉ trừng phạt cha mẹ mà còn cản trở khả năng học cách cư xử và tương tác ở không gian công cộng của trẻ em.
Cô nhận định: "Trẻ em về bản chất là chưa trưởng thành và đang cần học cách sống với mọi người cũng như học cách cư xử đúng, nhưng tôi nghĩ chúng đang bị tước đi những cơ hội đó. Xã hội Hàn Quốc phải trở thành một Hàn Quốc có trẻ em chứ không phải một Hàn Quốc không có trẻ em".
Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, trung bình với mỗi phụ nữ chỉ có 0,78 trẻ em được sinh ra. Nhiều phụ nữ nói rằng họ đang từ chối những kỳ vọng của việc trở thành một bà mẹ nội trợ, thay vào đó chọn tập trung vào sự nghiệp, giáo dục hoặc các công việc kinh doanh khác.
Áp lực chi phí sinh hoạt cũng được coi là một yếu tố.
Yong Hye-in nói: "Vấn đề không chỉ đơn giản là khu vực cấm trẻ em mà còn là một nền văn hóa không chào đón người chăm trẻ và một nền văn hóa trong đó người chăm sóc và trẻ em bị tẩy chay trong xã hội. Trong nền văn hóa này, việc không có con là điều tự nhiên và hợp lý".
Tuy nhiên, các khu vực cấm trẻ em vẫn được ưa chuộng, khi cuộc khảo sát của Hankook Research năm 2022 với 1.000 người cho thấy 73% số người được hỏi ủng hộ việc áp dụng các khu vực này.
Alex, hiện đang có một con, cho biết anh hiểu cả những người ủng hộ và phản đối.
Anh nói: "Những người ủng hộ khu vực cấm trẻ em muốn tận hưởng một không gian không có trẻ em, bất kể họ có con hay không. Chúng tôi cũng muốn có những giây phút vui vẻ ở quán cà phê với bạn bè, người quen, nhưng nếu không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa con đi cùng thì thực sự rất khó khăn và chúng tôi lo lắng sẽ gây rắc rối cho những người xung quanh".
Young Rim Kim, cũng là một phụ huynh, cho biết cô hiểu "ở một mức độ nào đó" lý do tại sao các doanh nghiệp và khách hàng coi trẻ em là mối phiền toái.
Cô nói: "Tôi nghĩ vì tỷ lệ sinh thấp nên giờ đây người ta tập trung nhiều hơn vào các gia đình chưa kết hôn và tiêu chuẩn dành cho trẻ em dường như ngày càng cao hơn. Họ chỉ muốn những đứa trẻ ngoan ngoãn như búp bê".
Sắp tới sẽ là các khu vực cấm trẻ vị thành niên và các cặp đôi
Yong cho biết lý tưởng nhất là cô muốn cấm tất cả các khu vực cấm trẻ em, nhưng thừa nhận điều đó là không thể. Hiện tại, cô đang chú ý tới các tòa nhà công cộng, bao gồm cả tòa nhà quốc hội, nơi không cho phép bất kỳ ai ngoài các thành viên quốc hội và nhân viên được ủy quyền. Tức là cô không thể cho con bú tại cơ quan.
Đây là một vấn đề đã được tranh luận sôi nổi trên khắp thế giới trong vài năm qua, bao gồm cả ở Úc, nơi thượng nghị sĩ đảng Xanh Larissa Waters trở thành người phụ nữ đầu tiên cho con bú tại quốc hội vào năm 2017.
Yong đã đề xuất dự luật cho phép các bà mẹ cho con bú trong tòa nhà quốc hội tới 24 tháng, nhưng dự luật này đã bị đình trệ.
"Khi tôi nói chuyện với những bà mẹ đang đi làm xung quanh mình, họ thường lo lắng về những khó khăn gặp phải khi cân bằng giữa công việc và nuôi dạy con cái cũng như cách các công ty nhìn nhận họ vì đang nuôi một đứa trẻ và liệu họ có thực sự có thể tiếp tục đi làm không", cô nói.
Đối với các doanh nghiệp tư nhân, Yong cho biết chính phủ nên xem xét cách giảm thiểu những lo ngại về an toàn và tài sản. Đầu năm nay, chính quyền đảo du lịch Jeju đã đề xuất lệnh cấm các khu vực cấm trẻ em. Sắc lệnh sau đó được điều chỉnh thành ngăn chặn sự "phổ biến" của chúng.
Trong khi vấn đề khu vực cấm trẻ em đã thu hút sự chú ý trong năm qua, một loạt khu vực khác cũng được chú ý, bao gồm khu vực cấm học tập, khu vực cấm thiếu niên và khu vực cấm cặp đôi.
Một quán cà phê năm nay tuyên bố mình là "khu vực cấm người cao tuổi", ngay lập tức thu hút phản ứng dữ dội sau khi những bức ảnh xuất hiện trên mạng xã hội.
Đối với Yong, sự xuất hiện của những khu vực như vậy chứng tỏ xã hội Hàn Quốc đang trở nên chia rẽ hơn.
Cô nói: "Có một câu tục ngữ châu Phi nói rằng phải mất cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ. Nhưng thực tế, trong xã hội Hàn Quốc, làng xã, cộng đồng đều đang sụp đổ".