KHÔNG TĂNG HỌC PHÍ NĂM HỌC 2023 - 2024 (*): Cú sốc lớn cho trường đại học
Như Báo Người Lao Động đã thông tin trên số báo ra ngày 11-8, tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP (ngày 27-8-2021), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận sẽ chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định 81 và không tăng học phí năm học 2023 - 2024.
Việc không tăng học phí trong năm học mới được cho là tạo ra một cú sốc lớn với nhiều trường đại học (ĐH), bởi từ nhiều năm nay, nguồn thu từ học phí vẫn chiếm một tỉ lệ áp đảo trong nguồn thu hằng năm của các trường.
Báo cáo của nhiều trường ĐH cho thấy trong tổng thu hằng năm, nguồn thu từ học phí chiếm trên 70%. Trong đề án tuyển sinh năm 2023 của ĐH Bách khoa Hà Nội, tổng thu năm 2021 của đơn vị này là 1.050,6 tỉ đồng. Trong đó, thu từ học phí là 776,6 tỉ đồng, chiếm gần 74%; còn lại là thu từ ngân sách 122,8 tỉ đồng, thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 12,5 tỉ đồng và các nguồn khác 138,7 tỉ đồng. Tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, trong năm 2021, tổng doanh thu của trường khoảng 920 tỉ đồng, trong đó thu học phí 856,6 tỉ đồng, chiếm 92%. Cũng trong năm 2021, thu học phí của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là 836,2 tỉ đồng, chiếm 77%; thu học phí của Trường ĐH Ngoại thương đạt 488 tỉ đồng, chiếm 70%...
Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học năm học 2023 - 2024
GS Trần Cảnh, nguyên thành viên Hội đồng quốc gia Giáo dục, nhìn nhận khi nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước bị cắt, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ không có hoặc rất ít thì các trường chỉ có thể sống nhờ vào học phí của người học. Theo GS Trần Cảnh, đang có sự hiểu lầm rằng tự chủ ĐH đi liền với tự túc nên khi các trường được tự chủ thì bị nhà nước cắt ngân sách đầu tư. Khi đó, các trường buộc phải tăng học phí bởi nếu không tăng mà vẫn phải tiếp tục đầu tư, việc nâng cao chất lượng đào tạo là thử thách cho các trường.
Ông Cảnh cho biết ở nước ngoài, ngoài học phí, nguồn thu của các trường ĐH có thể đến từ kết quả nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ; đầu tư từ ngân sách, tài trợ, hiến tặng. Còn ở Việt Nam, các trường ĐH chưa tạo ra được nguồn thu nào đáng kể ngoài học phí của người học, trong đó có hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ. Nguyên nhân một phần từ việc trước đây khi còn nhận ngân sách nhà nước, không ít trường ỷ lại, không đầu tư, tập trung cho mục đích nghiên cứu khoa học. Nay khi không còn được cấp ngân sách thì chới với, không có nguồn thu nào ngoài học phí.
Dù vậy, GS Trần Cảnh cũng nêu thực tế ngân sách nhà nước dành cho giáo dục ĐH rất thấp so với nhiều nước. Chẳng hạn, ở Mỹ, nhà nước cung cấp ngân sách khoảng 50% cho các trường công, ngoài ra còn hỗ trợ ngân sách cho các chương trình mới, nghiên cứu, sáng tạo... Do đó, với việc không tăng học phí, nhà nước nên tăng đầu tư cho giáo dục ĐH, giảm gánh nặng cho các trường, cho sinh viên và gia đình. Ngược lại, các trường cũng phải xây dựng kế hoạch hoạt động và nguồn tài chính lâu dài cho trường.
Nhiều trường công bố không tăng học phí
Trong đề án tuyển sinh năm học 2023 - 2024 được nhiều trường ĐH công bố đều dự kiến tăng mức học phí từ 10%-20% theo Nghị định 81 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí. Tuy nhiên, nhiều trường ở Hà Nội đã thông báo điều chỉnh không tăng học phí sau ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Trong số này có Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội... Theo công bố mới nhất của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, mức học phí dao động từ 1.200.000 - 1.450.000 đồng/tháng thay vì mức 1.410.000 - 1.640.000 đồng/tháng như trong đề án trước đó.
Trường ĐH Mở Hà Nội cũng vừa họp bàn về phương án điều chỉnh học phí năm học 2023 - 2024, thống nhất theo hướng không tăng như Chính phủ yêu cầu.
Y.Anh
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-8