Không phạt người đội mũ bảo hiểm “rởm”!
“Chất lượng MBH rởm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Không có chuyện phạt người đội MBH rởm kém chất lượng giống y hệt MBH. Sản xuất, tiêu thụ MBH giả thì phải bị phạt theo quy định”.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết xung quanh việc xử phạt đối với việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH rởm.
Thật giả khó phân biệt
Trước đó, 4 Bộ KHCN, Công Thương, Công an và GTVT đã ký Thông tư liên tịch về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi mô tô, xe máy.
Trong đó, có quy định người đi đường khi đội mũ không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ bị xử phạt như đối với hành vi không đội MBH hoặc đội mũ mà không cài quai đúng quy cách.
Tại dự thảo Nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Bộ GTVT, mức phạt cho hành vi trên là 100.000-200.000 đồng, dự kiến việc xử phạt sẽ được thực hiện khi Thông tư liên tịch trên có hiệu lực từ ngày 15/4.
Tuy nhiên, ngay khi thông tư vừa được ban hành thì đã gặp phải sự phản ứng dữ dội từ phía người dân.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, để người dân phải sống cùng hàng giả và dùng hàng giả là sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Ngoài các loại mũ thời trang không phải MBH thì hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại mũ có kiểu dáng và các bộ phận giống hệt MBH mà khi mua người dân rất khó phát hiện.
“Nếu mua và đội mũ này (mũ giống hệt MBH – PV) khi lực lượng chức năng kiểm tra bị phạt thì thật bất công cho người dân, nhất là khi hàng nhái, hàng giả MBH vẫn được bày bán thách thức lực lượng chức năng”, anh Hùng nói.
Đại tá Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an) cũng cho rằng, lực lượng công an không thể lập một biên bản vi phạm mà không có điều khoản.
Trong khi, chỉ có Chính phủ mới được quy định hành vi vi phạm và chế tài xử phạt.
Bên cạnh đó, Luật Hình sự có quy định xử lý hành vi làm hàng giả, hàng nhái và lực lượng QLTT phải làm việc này. Lực lượng công an không thể rải quân làm hết được.
“Quy định về MHB không đúng tiêu chuẩn chất lượng 4 Bộ cần ngồi lại với nhau để bàn bạc kỹ. Vì trước năm 2008, MBH nhập khẩu về rất đẹp nhưng lại không có tem chứng nhận hợp quy theo quy định mới, vậy cần tính như thế nào?”, Đại tá Trần Sơn Hà phân vân
Không phạt mũ rởm giống MBH
Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự- Hành chính (Bộ Tư pháp) băn khoăn: Để người tham gia giao thông phân biệt MBH thế nào là thật giả rất khó.
Không phải cứ mua MBH đắt tiền là đảm bảo chất lượng và ngược lại. Thậm chí, đặt vấn đề xử lý mũ phải có đủ kết cấu ba phần cũng là phức tạp.
Còn ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN nhận định, quy định tại Thông tư liên tịch vừa ký kết giữa bốn Bộ chỉ phù hợp với các loại MBH được mua từ nay trở đi.
Bởi, MBH được hiểu theo quy định mới này là MBH có dán tem hợp quy.
Nhưng, trên thực tế hiện có hơn 30 triệu người đi mô tô, xe máy, trong đó chiếm đến hơn 90% là đội MBH, xuất xứ nhiều nơi, bao gồm cả mũ nhập khẩu ở giai đoạn trước chưa có quy định MBH phải dán tem hợp quy.
Rồi, hàng loạt MBH từ các nước đưa sang viện trợ cũng không có tem nhưng mũ rất dày, đẹp.
Vì vậy, nếu quy định xử phạt thì phải có lộ trình giải quyết hết số MBH này, không thể bảo người dân vứt hết MBH đang đội đi, dù nó đảm bảo chất lượng.
Trước ý kiến của các bên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, quy định xử phạt người đội MBH không đủ 3 bộ phận gồm vỏ, lớp đệm hấp thụ xung động và quai đeo là bổ sung.
Tuy nhiên, người dân đội MBH không cần chứng minh mũ phải có tem hợp quy, cứ có 3 lớp như Nghị định quy định là được.
“Khi phạt người dân không có chuyện phạt người đội MBH rởm kém chất lượng giống y hệt MBH (có đầu đủ 3 lớp - PV). Còn sản xuất hàng giả, tiêu thụ hàng giả thì phải bị phạt theo quy định”, Bộ trưởng GTVT cho biết.