Không phải Gia Cát Lượng, nhân vật này mới là đệ nhất thần cơ diệu toán trong Tam Quốc
Trong Tam Quốc, nếu bàn tới ai xứng đáng với danh hiệu đệ nhất thần cơ diệu toán thì phải nhắc tới người này chứ không phải Gia Cát Lượng.
Nói về Tam Quốc Diễn Nghĩa, ai cũng cho rằng Gia Cát Lượng là đệ nhất thần cơ diệu toán. Tuy nhiên, nếu khẳng định Gia Cát Lượng là người đứng đầu Tam Quốc thì không phải, thời Tam Quốc đã có quá nhiều nhân tài, hơn nữa, thực tế ông chưa đối phó được với một mình Tư Mã Ý. Vì vậy, trên trang Sohu có ý kiến cho rằng một nhân vật khác mới xứng đáng với danh hiệu này.
Người này chính là Quản Lộ. Quản Lộ, tự Công Minh, là người quận Bình Nguyên nước Ngụy. Ông là người tinh thông bát quái, phán đâu trúng đó, khắp thiên hạ ai ai cũng bái phục. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, hồi thứ 69, tài năng của Quản Lộ được quan Thái sử Hứa Chi miêu tả chi tiết một vài câu chuyện về ông.
Khi Quản Lộ còn trẻ, bà lão hàng xóm bị mất trâu mới nhờ ông bói cho một quẻ. Quản Lộ nói: “Bên con sông nhỏ ở phía Bắc nhà của bà, có 7 người đang làm thịt con trâu của bà, sắp chín rồi! Bà mau mau đến, còn có thể tìm được chút da thịt”.
Bà lão theo lời của Quản Lộ vội vã đi tới nơi đó, quả thực thấy 7 người đang đun nước, trâu cũng mổ xong, da và thịt chưa kịp bỏ vào nồi. Bà lão liền kiện lên Thái thú ở nơi đó là Lưu Bân đề nghị bắt giữ 7 người này. Thái thú Lưu Bân hỏi bà lão: “Làm sao bà biết họ trộm trâu của bà?” Bà lão nói: “ Đó là Quản Lộ bói ra giúp tôi” .
Lưu Bân không tin, bèn mời Quản Lộ tới. Ông giấu cái túi đựng con dấu và lông gà rừng vào trong một chiếc hộp, và yêu cầu Quản Lộ đoán xem trong hộp có gì.
Quản Lộ nói: "Một cái bên trong thì vuông, bên ngoài thì tròn, nét chữ năm màu, có ngọc thủ tín, xuất tắc hữu chương. Đây là cái túi đựng một con dấu. Còn cái kia: mỏm núi đá cao, có con chim mình đỏ, cánh đen vàng, kêu báo bình minh, không còn nghi ngờ gì nữa, đó là lông gà rừng” .
Lưu Bân sửng sốt, liền tiếp đãi Quản Lộ như một vị thượng khách.
Xem tướng đoán mệnh
Có một lần Quản Lộ đến Ngụy đô – Lạc Dương, sau khi gặp được hai vị đại thần Hà Yên và Đặng Dương, cậu của Quản Lộ đã hỏi: “Cháu xem tướng mạo của Hà Yên, Đặng Dương như thế nào?”
Lộ nói: “Dáng đi đứng của Đặng, gân không bó được xương, mạch không giữ được thịt, đứng dậy loạng choạng, như không chân tay, gọi là tướng quỷ táo. Vẻ hỏi han của Hà, hồn không giữ được nhà, máu không còn tươi màu, tinh thần vật vờ, dáng như củi khô, gọi là tướng quỷ u. Nên quỷ táo bị gió bắt, quỷ u bị lửa thiêu, là điềm báo tự nhiên, không thể che được.” Hơn 10 ngày sau, nghe tin bọn Yến, Dương bị giết, cậu mới khâm phục.
Vào một ngày năm Chính Nguyên thứ 2 (năm 255 SCN), Quản Lộ đang ở trong nhà của người em Quản Thần uống trà. Huynh đệ hai người nói chuyện phiếm, người em hỏi ông rằng: “Em thấy đại tướng Tư Mã Chiêu đối xử với anh rất tốt, sau này anh có thể đại phú đại quý?”
Quản Lộ thở dài nói: “Chao ôi, Thiên Thượng ban cho ta tài trí, nhưng không cho trường thọ. E rằng tới 47,48 tuổi, không kịp đợi con trai, con gái dựng vợ, gả chồng, ta đã ra đi rồi!”
Quản Thần hỏi: “Tại sao lại như thế?”
Quản Lộ đáp: “Trên trán ta không có cốt trường thọ, mắt vô thần, mũi không thẳng, dưới chân không gót, lưng không dày, bụng không tròn. Đó đều là dấu hiệu của không trường thọ. Lại thêm bản mệnh của ta vào năm Dần, còn sanh vào đêm nguyệt thực. Thiên mệnh vận hành tự có quy luật, không thể tránh khỏi, chỉ là người ta không biết đạo lý đó mà thôi. Cả đời ta đã bói toán cho hàng trăm người, hầu như đều không sai đâu” . Đúng là tới tháng 2 âm lịch năm sau, Quản Lộ mất, hưởng thọ 48 tuổi.
Tào Tháo cũng kính phục
Có lần Tào Tháo đột nhiên phát bệnh nặng, thuốc thang thế nào cũng không bớt. Quản Lộ đến nơi được Tháo nhờ gieo quẻ để đoán bệnh. Một lát sau Lộ nói: “Ngài mắc phải ảo thuật của Tả Từ rồi, nhưng không có gì đáng ngại đâu”. Nghe xong, Tháo thở một hơi dài khoan khoái như vừa trút xong một gánh nặng.
Đoạn Tháo nhờ Lộ bói một quẻ để xem việc thiên hạ, Quản Lộ lại gieo quẻ rồi đoán: “Ba tám tung hoành, heo vàng gặp hổ. Định Quân hướng Nam, đả thương một chân”.
Tào Tháo lại hỏi về chuyện người thừa kế sau này của mình. Quản Lộ tiên đoán: “Sư tử trong cung, dẹp an thần vị. Vương đạo cách tân, tử tôn cực quý”. Tào Tháo bảo ông nói chi tiết hơn, Quản Lộ trả lời: “Mênh mông số trời, không thể báo trước, tự mình trải nghiệm”.
Sau đó khi đại tướng quân Hạ Hầu Uyên, huynh đệ trong tộc của Tào Tháo, chết trên đỉnh Định Quân, Tào Tháo ngộ ra lời Quản Lộ nói: “Ba tám tung hoành” cũng chính là Kiến An hai mươi bốn năm, “Heo vàng gặp hổ” năm đó cũng chính là tháng đầu tiên của Kỷ Hợi; “Định Quân hướng Nam” cũng chính là núi Định Quân ở phía Nam, “Đả thương một chân” cũng chính là tình cảm huynh đệ của Hạ và Tào. Sau đó, con trai của Tào Tháo – Tào Phi xưng đế, chính là “Sư tử trong cung, dẹp an thần vị” .
Quản Lộ - Đệ nhất thần cơ diệu toán trong Tam Quốc
Vậy Quản Lộ là ai? Theo “Tam Quốc Chí ”, Quản Lộ là một nhân vật thần cơ diệu toán vô cùng lợi hại. Lộ có dung mạo xấu xí, dáng vẻ chẳng nghiêm trang mà còn ham rượu, khi ăn uống nói năng thì không để ý thân phận, nên người đời phần nhiều thì yêu thích mà không kính trọng ông. Tính Lộ khoan dung, phần nhiều nhẫn nhịn, không chê người ghét mình, không khen người yêu mình, thường muốn lấy đức báo oán. Lộ hiếu thảo với cha mẹ, hết lòng với anh em, hòa thuận với bạn bè, đều lấy nhân hòa xử thế, trọn đời không có khiếm khuyết; kẻ sĩ dù thích hay không, cũng đều chịu phục ông.
Từ nhỏ Lộ đã yêu thích thiên văn, rất giỏi lý luận, được khen là có “dị tài”. Khi trưởng thành, Quản Lộ tinh thông Chu Dịch, thuật phong giác, chiêm tinh, âm dương, phong thủy, tướng thuật, thậm chí cả tiếng chim, trăm quẻ trăm trúng, kỹ năng tuyệt đỉnh, được hậu thế phong là Tổ sư của bói toán, xem tướng.
Ông đã để lại rất nhiều tác phẩm, trong đó có Chu Dịch Thông Linh Quyết, "Chu Dịch Thông Linh Yếu Quyết, Phá Táo Kinh, Chiêm Ki… Tam Quốc Chí – Phương Kĩ Truyện" đã xếp thuật bói toán của Quản Lộ ngang hàng với y thuật của Hoa Đà, thanh nhạc của Đỗ Quỳ, tướng thuật của Chu Kiến Bình, tướng mộng của Chu Tuyên. Qua thông tin trên đây, có thể thấy Quản Lộ thành danh nhờ tiên đoán và cũng xứng đáng là đệ nhất thần cơ diệu toán trong Tam Quốc.