Không phải gà hay bò, đây mới là loại thịt nên ăn nhiều hơn vào mùa hè để bồi bổ sức khỏe và giải nhiệt
Vào mùa hè nắng nóng, khi chọn thịt ngoài việc tập trung vào chất dinh dưỡng thì tính giải nhiệt, tăng cường miễn dịch cũng cần được quan tâm.
Tại sao nên ăn thịt vịt nhiều hơn vào mùa hè?
Trong các loại thịt chúng ta thường ăn, nhắc tới sự bổ dưỡng không thể bỏ qua thịt bò, tốt cho sức khỏe và cân nặng thì thịt gà luôn trong danh sách, còn thịt heo là phổ biến nhất. Tuy nhiên, có một loại thịt bổ dưỡng hơn gà, giàu protein chẳng kém bò nhưng giá thành lại rẻ hơn rất nhiều. Đặc biệt, nó chẳng hề xa lạ mà còn rất phù hợp với thời tiết nắng nóng mùa hè, đó là thịt vịt.
Thời tiết nóng bức mùa hè khiến cơ thể con người thường xuyên đổ mồ hôi, tiêu hao nhiều năng lượng hơn các mùa khác. Việc bổ sung protein rất quan trọng nhưng cũng vì nắng nóng mà vị giác suy giảm, chán ăn. Những món như thịt bò, thịt cừu, thịt gà… dễ gây nóng trong người còn thịt lợn thì lại quá quen nên dễ ngán.
Trong khi đó, thịt vịt giàu protein, hàm lượng chất béo cũng không quá cao trong khi có tính giải nhiệt, kích thích vị giác. Mùa hè cũng cần tập trung hơn cho hệ miễn dịch mà thịt vịt lại có các thành phần quan trọng để tăng cường miễn dịch như: giàu protein, chứa hơn 10 loại axit amin cần thiết, vitamin B, omega-3 và omega-6, photpho, selen, sắt… Trong y học cổ truyền, thịt vịt được tận dụng để bồi bổ, giải nhiệt bởi có tính bình, đi vào tỳ, vị, phế, thận, có tác dụng tư âm dưỡng vị, lợi thủy tiêu thũng, giải độc và thanh nhiệt.
Ngoài ra, mùa hè cũng là thời điểm thịt vịt nhiều nên dễ mua, giá rẻ hơn. Khi chế biến thịt vịt cũng có đa dạng món kết hợp với rau củ quả mùa hè để tạo hương vị đặc trưng, kích thích vị giác ngày nắng nóng.
Những lợi ích sức khỏe, làm đẹp nổi bật của thịt vịt
Bên cạnh nguồn dinh dưỡng dồi dào và tác dụng giải nhiệt, tăng cường miễn dịch, ăn thịt vịt còn mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho sức khỏe và làm đẹp khác. Nổi bật như:
- Tốt cho tim mạch: Thịt vịt giàu kali, selen, hàm lượng natri vừa phải nên rất tốt cho hoạt động của trái tim,ổn định huyết áp. Nó còn cung cấp một lượng nhỏ omega-3 và axit béo omega-6 góp phần làm cho trái tim khỏe. Đặc biệt, thịt vịt rất giàu vitamin B12 và sắt - là những thành phần giúp tái tạo hồng cầu, hemoglobin trong cơ thể.
- Cải thiện tiêu hóa: Hàm lượng chất niacin, còn gọi là vitamin B3 trong thịt vịt giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động bình thường. Chất niacin sẽ giúp đường tiêu hóa hấp thụ carbohydrate, protein và chất béo. Chất này còn có tác dụng loại bỏ các chất khí tích tụ trong dạ dày ruột, giúp ngăn ngừa chứng đầy hơi khó tiêu cho bạn.
- Bồi bổ não bộ: Thịt vịt có chứa đa dạng các loại vitamin nhóm B và đặc biệt chứa nhiều vitamin B3 (niacin). Nhóm vitamin này rất quan trọng đối với cơ thể bởi các chức năng như chuyển đổi thực phẩm đi vào cơ thể thành năng lượng và đóng vai trò trong chức năng nhận thức của não bộ. Axit pantothenic trong nó cũng tốt cho sự tập trung, ngăn ngừa stress.
- Bổ thận, tăng cường sinh lý: Trong Y học cổ truyền, thịt vịt còn được dùng như bài thuốc dưỡng thận, tăng cường sinh lý cho cả nam và nữ. Bởi vì nó giúp bổ dương, bổ máu, giàu protein, tăng cường sắt và kẽm. Chưa kể, ăn thịt vịt còn giúp điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh.
- Tốt cho xương và da: Loại thịt này giàu canxi và photpho hơn nhiều người tưởng, nên tốt cho xương. Ngoài ra, protein của thịt vịt chủ yếu là protein sarcoplasmic và myosin chứa xen kẽ collagen, gelatin... nên rất bổ cho xương và làm đẹp da.
- Hỗ trợ giảm cân, giảm rụng tóc: Ăn thịt vịt vừa phải có thể hỗ trợ giảm cân nhờ vitamin B6 (pyridoxine) tăng cường quá trình chuyển hóa carbohydrate, protein và chất béo trong cơ thể. Vitamin riboflavin hay còn gọi vitamin B2 trong thịt vịt cũng có thể làm giảm rụng tóc.
Một số lưu ý khi ăn thịt vịt
Dù ngon và tốt nhưng thịt vịt cũng có và lưu ý khi ăn và không phải ai cũng nên thưởng thức nó thường xuyên. Những người tiêu hóa kém, đang mắc bệnh dạ dày chỉ nên ăn ít. Người bị bệnh gout, bệnh thận, đang ho thì không nên ăn. Người khỏe mạnh cũng không nên ăn quá nhiều, nhất là các món vịt chế biến nhiều dầu mỡ hay hun khói, nướng than.
Phần cổ vịt, da vịt và phao câu vịt được cho là không nên ăn hoặc hạn chế hết mức có thể. Ngoài ra, do thịt vịt có tính lạnh nên không ăn thịt vịt với thịt ba ba, thịt rùa. Cũng không nên ăn thịt vịt chung với các loại quả có tính nóng, như mận, xoài hay mít… Không nên cho tỏi vào chế biến cùng thịt vịt kẻo mất hương vị, thậm chí ngộ độc. Khi chọn vịt, hãy chọn thịt tươi sống là tốt nhất, có nguồn gốc uy tín và sơ chế kỹ, ăn chín uống sôi để bảo vệ sức khỏe.
Nguồn và ảnh: Sohu, ETtoday