'Không phải do bìa to, giấy đẹp mà giá SGK tăng phi mã thế được!'

Hoàng Thanh,
Chia sẻ

Đa số phụ huynh đều cho rằng, việc mỗi năm phải mua một bộ sách giáo khoa mới với mức giá tăng cao là lãng phí, gây áp lực lớn cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Sách giáo khoa (SGK) tăng giá gấp 2-3 lần khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Họ cho rằng điều quan trọng hơn cả là chất lượng kiến thức được truyền tải của SGK chứ không phải do bìa to, giấy đẹp mà giá tăng “phi mã” được.

Chị Nguyễn Thu Trà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giá sách tăng cao, ngoài sách chính phụ huynh còn phải mua thêm cho con sách bài tập để con làm bài trực tiếp vào sách (thay vì làm vào vở) gây tốn kém.

“Với những gia đình có đủ điều kiện hoặc ít khó khăn thì việc thêm một chút để mua SGK mới cho con học là chuyện bình thường. Tuy nhiên, với những gia đình lao động nghèo, thu nhập bấp bênh, việc bỏ cả triệu bạc để mua SGK, đồ dùng học tập cũng như nộp các khoản đầu năm như đồng phục, bảo hiểm… là cả một nỗi lo lớn.

Tôi cho rằng SGK thì quan trọng là nội dung bên trong thế nào chứ không phải cứ in dày, in to, giấy đẹp rồi tăng giá phi mã... dẫn tới gánh nặng lại đổ lên đầu phụ huynh”, chị Trà cho hay.

'Không phải do bìa to, giấy đẹp mà giá SGK tăng phi mã thế được!' - Ảnh 1.

Sách giáo khoa tăng giá trở thành áp lực với phụ huynh. (ảnh minh họa)

Thầy giáo Nguyễn Trung Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (Yên Bái) cho biết giá sách tăng sẽ khiến phụ huynh vùng cao, thu nhập thấp vô cùng áp lực.

Tại trường THCS Lý Tự Trọng năm học 2021-2022, nhà trường giúp học sinh mua SGK mới nhưng tiền mua SGK phụ huynh cũng không trả hết được 1 lần như vùng xuôi mà nhà trường phải đứng ra xin công ty sách cho khất nợ, thu mãi đến hết học kỳ mới trả được.

Thầy Dũng lý giải, có những gia đình không thuộc hộ nghèo mà việc thu tiền sách đã khó khăn, còn gia đình thuộc hộ nghèo thì nhà trường phải đợi đến tháng 12 nhà nước chi trợ cấp rồi thống nhất với phụ huynh dùng tiền đó trả tiền SGK.

“Phụ huynh học sinh trên địa bàn của tôi chủ yếu làm nông, làm rừng nên kinh tế rất khó khăn, đa số là học sinh thuộc diện nghèo.

Vì thế, mua hộ SGK cho học sinh nhưng để thu được tiền SGK trả cho công ty sách cũng là cả vấn đề. Tôi cho rằng SGK tăng giá có lẽ không phải việc quá khó khăn với những học sinh ở thành phố nhưng đối học sinh vùng cao thì tôi kiến nghị nếu có thể thì giảm được 50% giá thành sách, coi như hỗ trợ học sinh nghèo thì tốt quá, phụ huynh cũng không còn quá áp lực.

Ngoài ra, với các trường tại Mù Cang Chải có chủ yếu học sinh học bán trú và nội trú, nếu là học nội trú thì 1 phòng ở có 3 học sinh cùng lớp, tôi kiến nghị trong trường hợp này 3 học sinh 1 phòng có thể học chung 1 bộ sách để tiết kiệm tiền mua sách có được không?

Vì rõ ràng các em học cùng lớp, ăn ngủ cùng nhau thì việc dùng chung SGK sẽ có nhiều thuận lợi thay vì yêu cầu mỗi học sinh phải mua một bộ SGK khi kinh tế gia đình các em quá khó khăn”, thầy Dũng nói.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã lý giải về nguyên nhân việc giá SGK tăng gấp 2-3 lần so với trước. Theo đó, các loại SGK mới được biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Các quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành sách là các doanh nghiệp hoàn toàn tự đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo rốt ráo để giá SGK giảm 10-15% so với năm ngoái, trong khi giá vật liệu, nhiên liệu tăng.

Kiến nghị đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá 

Theo Bộ GD&ĐT, thực tế, giá các bộ sách mới của NXB GDVN những năm qua thường thấp hơn giá của các NXB khác trên thị trường.

Đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, Bộ GD&ĐT đã tham mưu, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ các em về chi phí mua SGK, đồ dùng học tập.

Ngoài các chế độ chính sách chung, hàng năm, Bộ GD&ĐT đều phối hợp, đề nghị các địa phương quan tâm, có chính sách đặc thù hỗ trợ SGK cho học sinh thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo...

Theo Bộ GD&ĐT, việc triển khai đổi mới sách giáo khoa phổ thông thực hiện quy định của Nghị quyết 88 đã thu hút được đông đảo đội ngũ trí thức, nhà giáo, chuyên gia giỏi tham gia; vì được nhiều NXB tham gia nên việc in ấn, phát hành diễn ra trong môi trường cạnh tranh theo đúng Luật Cạnh tranh năm 2018. Không còn độc quyền trong xuất bản SGK như trước đây.

Tuy nhiên, cơ chế kê khai giá như hiện nay sẽ có thể dẫn đến hiện tượng mức giá cao, thấp khác nhau tạo tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh. Trong khi đó, SGK thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh. Việc này gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn nên Nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá.

Bộ GD&ĐT đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định.

Bộ Tài chính đang rà soát tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá, trong đó sẽ tiếp tục đánh giá, báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung SGK vào danh mục Nhà nước định giá.


Chia sẻ