Không ngờ phim Sex Education giúp tôi dạy cho con trai 1 bài học đắt giá: Quá khứ không thể thay đổi nhưng tương lai chắc chắn tốt đẹp hơn!
Bộ phim đã khiến tôi nghĩ khác đi về cách nuôi dạy con.
Tôi có một cậu con trai đang học lớp 12, chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Từ bé, con vốn hiền lành, ít nói, sống nội tâm hơn bạn bè cùng trang lứa.
Những năm cấp 2, con từng có một khoảng thời gian rất khó khăn. Hồi lớp 7, con bị bạn bè trong lớp tẩy chay chỉ vì tính cách nhút nhát, không khéo mồm khéo miệng như những đứa trẻ hoạt bát khác. Bạn bè đùa ác, có khi lôi con ra làm trò cười, có khi xì xào sau lưng. Khi ấy, dù vợ chồng tôi có động viên thế nào, con cũng thu mình lại. Tự ti, nhút nhát, ngại giao tiếp. Và rồi, chính con cũng tự đồng ý rằng mình là một "đứa lập dị".
Ngay cả bây giờ, khi mọi thứ đã qua, con vẫn luôn sợ kết bạn, vẫn rụt rè trong những sự kiện của trường lớp. Con vẫn hay nói với tôi: "Con không thích mấy chỗ đông người đâu bố".
Tôi nghe mà xót xa. Dù con đã cố gắng rất nhiều, nhưng quá khứ vẫn như một cái bóng đè nặng trong lòng con. Sắp tới con sẽ đi học đại học, rồi đi làm. Thực lòng tôi rất sợ, nếu con cứ như vậy thì sao mà thích ứng được với xã hội ngoài kia.
Có những đêm, tôi nằm suy nghĩ, thương con mà mất ngủ. Và rồi tình cờ làm sao, khi lướt mạng xã hội, tôi lại đọc được những bài review về bộ phim Sex Education và tò mò xem thử. Nhiều tình huống của bộ phim khiến tôi ngỡ ngàng vì rất đời, phản ánh đúng cuộc sống thực.

Nhân vật Otis Milburn
Cũng có nhiều câu nói khiến tôi phải suy nghĩ và rồi, tôi xem đến một phân đoạn, khi nhân vật tên Otis nói 1 câu mà tôi cho rằng rất hay:
"You need to own your narrative, not let it control you". (Bạn cần làm chủ câu chuyện của mình, chứ đừng để nó kiểm soát bạn).
Tôi ngồi lặng đi một lúc lâu.
Chính xác. Con trai tôi đã để những câu chuyện cũ – những tổn thương, những lời chê bai ngày trước – kiểm soát cách con nhìn nhận bản thân. Nếu không giúp con thay đổi, con sẽ mãi là tù nhân của chính những vết thương đó.
Hôm sau, tôi quyết định đưa con đi dạo, chỉ hai bố con, không điện thoại, không bài vở.
Khi ngồi ở băng ghế đá công viên, tôi bắt đầu bằng một câu chuyện của chính mình – về những ngày hồi nhỏ tôi từng bị điểm kém trong kỳ thi chuyển cấp, từng bị bạn bè coi thường, từng nghĩ mình "không bao giờ khá lên được", "mình học xong sẽ xin vào xưởng may, xưởng mộc nào đó làm",...
Tôi kể cho con nghe rằng: "Cái sai lớn nhất của bố ngày đó không phải là điểm kém, mà là bố tin rằng mình kém thật. Suốt một thời gian dài, bố sống trong cái nhãn mác đó, không dám thử sức, không dám tin mình có thể khác".
Rồi tôi nói với con: "Những gì đã xảy ra trong quá khứ, con không thay đổi được. Nhưng con có quyền quyết định cách con nhìn về nó. Con có thể coi nó như vết thương, để nó kéo con xuống. Hoặc con có thể coi nó như bài học, như động lực để mình đi tiếp."
Tôi nhấn mạnh: "Con không phải là cậu bé bị bạn bè tẩy chay năm lớp 7. Con là người đang nỗ lực từng ngày, đang dám đứng dậy, đang đi thi, đang cố gắng sống tốt hơn. Con mới là người viết tiếp câu chuyện đời mình".
Buổi tối hôm đó, tôi thấy con im lặng rất lâu. Nhưng khác với những lần cúi gằm mặt trước đây, lần này ánh mắt con bình thản hơn, vững vàng hơn. Tôi biết, con đã bắt đầu hiểu: Mình có quyền làm chủ câu chuyện của chính mình.
Làm bố, tôi hiểu rằng: Tôi không thể nào xoá sạch những gì từng làm con tổn thương. Nhưng tôi có thể đồng hành, nhắc cho con nhớ rằng: Quá khứ chỉ là một phần của hành trình, không phải là tất cả. Chúng ta không thể thay đổi nơi mình bắt đầu, nhưng chúng ta luôn có thể chọn cách mình tiếp tục bước đi.
Nếu một câu nói từ Otis trong phim Sex Education cũng có thể khiến tôi nghĩ khác đi về cách nuôi dạy con, thì tôi tin rằng: Đôi khi, trưởng thành không chỉ là những thành tích, mà là biết đối diện với những vết thương cũ bằng lòng can đảm và sự bao dung với chính mình.