Không khí tại thủ đô Hà Nội và vùng lân cận ô nhiễm nặng
Lúc 8 giờ ngày 15/1, Hà Nội và các vùng lân cận bị bao phủ bởi lớp sương mù dày tạo thành những hạt mưa nhỏ li ti, gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp khiến ô nhiễm bụi mịn ở mức cao.
Ngày 15/1, các ứng dụng quan trắc cho thấy chất lượng không khí ở Hà Nội và các vùng lân cận ô nhiễm nặng, nhiều điểm ở mức đỏ (có hại), một số điểm lên mức tím (rất có hại-đa số mọi người đều bị ảnh hưởng), thậm chí có điểm ở mức nâu (nguy hiểm-tất cả mọi người có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe).
Theo các chuyên gia, chất lượng không khí ở miền Bắc đang trong giai đoạn ô nhiễm nhất trong năm. Giá trị của thông số bụi mịn PM2.5 thường cao hơn trong thời gian đêm và sáng, nhất là khi sương mù dày khiến các chất ô nhiễm bị nén xuống tầng thấp.
Lúc 8 giờ ngày 15/1, Hà Nội và các vùng lân cận bị bao phủ bởi lớp sương mù dày tạo thành những hạt mưa nhỏ li ti, gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp khiến ô nhiễm bụi mịn ở mức cao.
Ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận, trong số 32 điểm quan trắc ở miền Bắc, có 7 điểm màu cam - ảnh hưởng không tốt cho nhóm người nhạy cảm; 5 điểm màu đỏ - những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, tập trung ở Bắc Ninh, Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Đặc biệt, có 2 điểm quan trắc màu tím ở Bắc Ninh là Ủy ban Nhân dân huyện Yên Phong, Khu công nghiệp Quế Võ (thành phố Bắc Ninh).
Theo ghi nhận của ứng dụng AirVisual (sản phẩm của Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí, có trụ sở chính tại Thụy Sỹ), hầu hết các điểm quan trắc ở Hà Nội và vùng lân cận có màu đỏ. Đặc biệt, có 7 điểm màu tím - cảnh báo đa số mọi người đều bị ảnh hưởng sức khỏe gồm 6 điểm ở Hà Nội là Ủy ban Nhân dân phường Tây Mỗ (Nam Từ Liêm), UBND phường Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai), Trường Mầm non Kim Liên (Đống Đa), Tô Ngọc Vân (Tây Hồ), trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm, Happy House Garden (Hoàn Kiếm) và Ủy ban Nhân dân huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Thậm chí, Hà Nội có 2 điểm màu nâu ở Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm) và Thành Công (Ba Đình).
Theo thang bảng đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) của ứng dụng AirVisual, trong số 96 thành phố của nhiều quốc gia trên thế giới được quan trắc, Hà Nội đứng thứ 3 với chỉ số AQI ở mức 191 (màu đỏ).
Ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố, do Công ty Cổ phần Tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), ghi nhận rất nhiều điểm màu đỏ; đặc biệt, có tới 17 điểm màu tím, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và Bắc Ninh. Thậm chí có 2 điểm ô nhiễm lên tới mức cao nhất là màu nâu tại Trung tâm Sao Mai (Thanh Xuân-Hà Nội) và Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn-Bắc Ninh).
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Ở những thời điểm, những nơi chất lượng không khí xấu, mọi người nên thay đổi thói quen sinh hoạt, thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế (khẩu trang-khử khuẩn-khoảng cách-không tập trung đông người-khai báo y tế), đóng cửa sổ, hút bụi thường xuyên, hạn chế hoạt động ngoài trời./.