Không khác gì Singapore, Hong Kong và Nhật Bản, các siêu thị Úc cũng đang "cháy" giấy vệ sinh, lý giải của chuyên gia khiến mọi người giật mình
Đây là những cách lý giải khác từ các chuyên gia cho tình trạng "cháy hàng" giấy vệ sinh ở một số quốc gia hiện nay.
Lời tâm sự của phóng viên:
Hôm qua, cũng như mọi ngày, tôi đi siêu thị mua vài món đồ nhưng giật mình nhận ra không còn 1 cuộn giấy vệ sinh nào trên kệ. Đó là điều mà tôi chưa từng thấy trước đây. Tôi vẫn luôn nghĩ mình là một người lý trí nhưng trong trường hợp này, nó vẫn khiến tôi phát hoảng.
Khi tôi đến một siêu thị khác, nơi có nhiều nhà cung cấp hơn, cảnh tượng cũng không khác. Nhân viên siêu thị còn "giấu" 3 bịch phía sau quầy. Nhưng không phải mình cô ấy làm thế, những lo ngại liên quan đến virus corona đã khiến cả nước rơi vào tình trạng "cháy hàng" giấy vệ sinh. Khi tôi đi ra khỏi siêu thị với 36 cuộn giấy vệ sinh, tôi tự hỏi: Tại sao người Úc lại đổ xô đi mua giấy vệ sinh hơn thay vì các nhu yếu phẩm khác, chẳng hạn như thực phẩm? Và tại sao chúng ta lại có tâm lý bắt buộc phải dự trữ khi nhìn thấy kệ hàng trống?
Và đây là lý giải của các chuyên gia bán lẻ cho "hiện tượng kỳ lạ" này.
Tại sao các siêu thị đều "cháy hàng" giấy vệ sinh?
Gary Mortimer, một chuyên gia bán lẻ và giáo sư tại Trường đại học công nghệ Queensland (QUT), nói rằng có 2 lý do chính khiến các siêu thị không còn giấy vệ sinh.
Các siêu thị có xu hướng không để hàng tồn kho quá lâu. Hay nói cách khác, họ không muốn tốn nhiều diện tích kho dự trữ cho những loại hàng hóa có kích thước lớn như giấy vệ sinh.
"Họ thường dùng phương án giao hàng mỗi ngày, với số lượng vừa đủ bán trong thời gian nhất định", ông Mortimer nói. "Chúng ta đều biết giấy vệ sinh có trọng lượng nhẹ nhưng cồng kềnh, điều đó có nghĩa là các siêu thị chỉ có thể chứa 100-250 bịch trên một kệ bày hàng hóa. Chỉ cần chục người mua thêm mỗi người 1 bịch thì chẳng mấy chốc mà hết hàng. Kết quả, kệ trống là điều đương nhiên".
Còn bà Jana Bowden, phó giáo sư ngành tiếp thị tại Đại học Macquarie nói: "Tôi nghĩ rằng giấy vệ sinh là cần thiết và thật khó để tưởng tượng cuộc sống khi không có mặt hàng này. Đó chính là khía cạnh tâm lý".
"Một khía cạnh khác là mức độ sợ hãi gây ra bởi những câu chuyện trên các phương tiện truyền thông về những gì đang xảy ra ở các quốc gia khác, chẳng hạn như ở Singapore, Hong Kong và Nhật Bản. Có rất nhiều tin tức và báo cáo về tình trạng thiếu giấy vệ sinh ở các quốc gia đó. Người tiêu dùng đang theo dõi những gì đang xảy ra trên khắp thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19".
Thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội Nhật Bản cho rằng giấy vệ sinh Nhật Bản được sản xuất từ chất liệu Trung Quốc. Nhưng do tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc đang diễn biến phức tạp nên người Nhật sợ sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất giấy vệ sinh, nghiêm trọng hơn là họ sợ sẽ không có giấy sử dụng trong thời gian sắp tới.
Tâm lý bầy đàn
Một nguyên nhân khác của "khủng hoảng giấy vệ sinh" có thể được giải thích bằng tâm lý đám đông. Khi chúng ta thấy những người khác làm điều gì đó, chúng ta cảm thấy mình cũng nên làm điều đó. Các nhà tâm lý học gọi đó là "hành vi bầy đàn". Ví dụ như việc nhân viên siêu thị "giấu" giấy vệ sinh cho mình phía sau quầy.
"Nếu bạn thấy ai đó mua thứ gì đó, và bạn không mua, nhưng đến khi nó hết sạch, bạn có thể cảm thấy hối hận vì lúc trước không mua", tiến sĩ Bowden nói. "Chúng ta đã thấy rất rõ điều đó khi khẩu trang "cháy hàng" và điều tương tự cũng xảy ra với giấy vệ sinh. Đó là tâm lý lo sợ nếu mình không mua nó ngay bây giờ, mình sẽ bỏ lỡ cơ hội để có được sản phẩm đó".
"Mặc dù khó thực hiện nhưng bạn cần suy nghĩ về việc mua hàng của mình sao cho hợp lý", tiến sĩ Mortimer nói. "Nếu bạn thường dùng 4 cuộn giấy vệ sinh 1 tuần, bạn có thể mua 8 cuộn, vì nó dùng được trong vòng 2 tuần. Bạn không cần phải mua tới 64 cuộn. Nếu bạn có một chút lo lắng về việc hết hàng, hãy lên mạng đặt hàng, siêu thị sẽ giao sản phẩm đến tận nhà của bạn. Nói thì dễ hơn làm, nhưng cố gắng đừng để rơi vào cái bẫy của "nỗi sợ bị bỏ lỡ". Các nhà sản xuất cũng trấn an chúng ta có thể yên tâm rằng việc cung cấp giấy vệ sinh sẽ ổn định", ông giải thích.
Không cần quá lo lắng về nguồn cung
Các chuyên gia cho biết hầu hết giấy vệ sinh của Úc được sản xuất tại Nam Úc và nếu không phải là để tích trữ, người dân Úc sẽ không gặp vấn đề gì. Đó là thông điệp từ Tiến sĩ Bowden.
"Từ góc độ cung cấp, nó hoàn toàn phi lý", bà nói. "Về mặt kỹ thuật, chúng ta có nguồn cung rất tốt. Chúng ta có một nhà sản xuất lớn của Úc có trụ sở tại Nam Úc".
Và trong khi đã có những động thái để đặt giới hạn cho việc mua hàng ở siêu thị, thì vấn đề chủ yếu là "người mua có tâm lý hoảng loạn" - không phải là vấn đề với nguồn cung.
(Nguồn: ABC News)