Không dám yêu vì sợ chàng đòi 'gần gũi'

,
Chia sẻ

Được bạn bè giới thiệu một anh kỹ sư tin học, trông rất chững chạc, nghiêm túc, Nhung cũng cảm tình và tính chuyện xa hơn. Thế nhưng cô nói chia tay ngay khi có cảm giác chàng muốn "chuyện ấy" trong một lần hẹn.

Thật ra, không phải tự nhiên cô đâm cảnh giác với "phe kia" như vậy. Cách đây vài năm, Nhung đã yêu một người tên Quang tha thiết. Thế nhưng sau vài tháng, người ấy cứ nhất định đòi "chuyện ấy". Khi Nhung dứt khoát từ chối, Quang tỏ ra bực bội. Sau nhiều lần cứ kẻ đòi, người chối, rồi giận dỗi, rồi làm lành, Nhung thấy Quang có vẻ lảng đi và dần dần tránh gặp mặt cô. Chuyện tình bắt đầu rất ngọt ngào của họ kết thúc mà không có tiếng chia tay.

Sau chuyện này, Nhung bớt tin đàn ông đi. Hơn năm sau, cô lại gặp và yêu một chàng trai dân xây dựng. Chàng khá chu đáo, tế nhị và tỏ ý muốn tiến tới hôn nhân chứ không phải chỉ yêu cho có. Mọi việc rất tốt đẹp cho đến khi Nhung lại nhận ra ham muốn đi quá giới hạn của người yêu. Lần này, Nhung cũng cương quyết từ chối và nói chấm dứt khi hai người đã tính tới chuyện cưới xin.

Còn với anh chàng kỹ sư thứ ba này, Nhung không cho cơ hội để giải thích gì hết, kể cả qua điện thoại. Cô thầm nghĩ: "Hóa ra đàn ông ai cũng thế, chỉ chăm chăm để có được thân xác mình thôi".
 
Nhiều chàng trai luôn đòi hỏi người yêu phải "cho" mình trọn vẹn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Đoàn Thị Hương, Trung tâm tham vấn tâm lý SHARE (101 Giang Văn Minh, Hà Nội), thực tế có khá nhiều cô gái ngại yêu vì bị đòi hỏi quan hệ tình dục. Thường đó là những người do ảnh hưởng từ nền giáo dục nghiêm khắc của gia đình, do đọc nhiều tin tức kể về vấn đề lạm dụng, xâm hại, lừa đảo trong tình yêu... nên đâm ra cảnh giác quá. Họ thận trọng tới mức mỗi khi thấy có người khác giới để ý đến mình hoặc người yêu có một chút hành vi thân mật là nghĩ ngay anh ta đang chuẩn bị giở trò rồi đánh giá đó là người xấu.

Cũng có những cô gái gặp "sở khanh" thực sự, bị người yêu ra "tối hậu thư" là nếu không "cho" sẽ chấm dứt hoặc dù không đưa ra điều kiện bằng lời, nhưng sau mỗi lần đòi hỏi không được lại tỏ ra giận dỗi hoặc lặn mất tăm một thời gian, có kẻ còn tỏ ra vô cùng khổ sở để bạn gái áy náy, thương xót... Và nhiều cô gái dù lúc đầu rất cương quyết nhưng vẫn bị kiểu "khổ nhục kế" này làm lung lay tinh thần.

Cũng có người từng bị người yêu có ý lạm dụng, xâm hại thực sự nên bị tổn thương và có ấn tượng rất xấu về việc này. Như trường hợp của Hoài, Hòa Bình là ví dụ.

Cách đây vài năm, là cô sinh viên xinh đẹp, Hoài nằm trong "tầm ngắm" của rất nhiều chàng trai. Rồi cô tình cờ gặp và phải lòng anh trai của một người bạn ở Hà Nội. Trong men say tình yêu, Hoài thấy chàng rất tốt, tâm lý, tinh tế và vô cùng yêu mình. Một lần, người yêu đưa Hoài về nhà trong lúc... không có ai nhà vì mọi người đều đi nghỉ mát. Hoài không mảy may nghi ngờ cho đến khi chàng đưa cô vào phòng riêng và ép cô làm "chuyện đó". Hoài đã cố sức chống cự và thoát khỏi nhà nhưng sau lần ấy, cô nhìn đàn ông thấy ai cũng không an toàn. Đến tận bây giờ cô vẫn chưa dám yêu dù có nhiều người ngỏ ý.

Theo chuyên gia tâm lý Hương, lý do nam giới hay đòi hỏi "chuyện ấy" khi yêu có rất nhiều. Trước hết, nhu cầu tình dục tự nhiên ở người nam thường bộc lộ sớm và mạnh mẽ hơn ở nữ. Những hành vi âu yếm kích thích cộng với điều kiện môi trường, hoàn cảnh khi hai người gần gũi nhau (thường là những nơi thiếu ánh sáng, vắng người qua lại; trong phòng kín...) cũng khơi gợi ham muốn ở họ. Đôi khi, các chàng trai "muốn" lại do bị tác động bởi chất kích thích (rượu, bia...) hoặc lời thách đố từ bạn bè, người quen... Không những thế, nhiều anh còn coi việc quan hệ chứng tỏ nam tính hay quan niệm nam giới chả mất gì hoặc người nữ sẽ thuộc về mình nếu bị trói buộc bởi "sự đã rồi”...

Bà Hương cũng cho rằng, việc hai người yêu nhau có hành vi âu yếm, thể hiện tình cảm là bình thường, xuất phát từ nhu cầu tự nhiên. Trong nhiều trường hợp, phái mạnh thường chủ động đòi hỏi sinh lý, song điều đó không đồng nghĩa là anh ta xấu và bắt buộc phe kia phải đáp ứng.

Theo bà, tốt nhất, khi yêu, cả hai nên trao đổi thật cởi mở về những vấn đề liên quan đến quan hệ tình dục trước hôn nhân, đưa ra nhu cầu, mong muốn của mình, đồng thời thoả thuận về giới hạn, hình thức âu yếm cho phù hợp với nhu cầu, mong muốn, điều kiện thực tế... của cả hai.

Một điều quan trọng là, nếu hành vi thân mật chỉ đáp ứng nhu cầu của một người nhưng làm người kia không thoải mái thì nó không được coi là lành mạnh. Nếu cả hai bạn đều đã chia sẻ quan niệm của mình về điều này mà vẫn lo ngại đôi khi không kiểm soát được cảm xúc thì cần quan tâm đến thời gian, địa điểm gần gũi, tránh những điều kiện thuận lợi cho "chuyện ấy" xảy ra.

Một vấn đề nữa là cả bạn nam và nữ cùng cần tìm hiểu về kiến thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, tình dục để tránh những điều không mong muốn khác như: có thai ngoài ý muốn, nhiễm bệnh lây truyền tình dục...

Có một số gợi ý để bạn nữ đánh giá sự đòi hỏi của bạn trai là do nhu cầu tự nhiên hay một sự lạm dụng: Bằng cảm nhận của mình, qua tìm hiểu tính cách, lối sống cũng như sự nghiêm túc trong tình cảm của người ấy dành cho mình, qua quan sát xem anh ấy có quan tâm đến nhu cầu, cảm giác của mình hay không...

Theo Minh Thùy
Vnexpress
Chia sẻ