Không có thưởng Tết nhưng tiền vẫn phải tiêu, dân văn phòng ngậm ngùi tính toán trong thiếu thốn

Vân Anh,
Chia sẻ

Cùng lắng nghe tâm sự của những dân văn phòng trong năm đón Tết với tình hình tài chính eo hẹp.

Tết buồn vì không có lương thưởng cuối năm

Tết đang đến rất gần, việc chuẩn bị tài chính để đón Tết hẳn là nỗi lo của rất nhiều người. Một năm kinh tế đầy biến động, Tết sẽ càng khó khăn hơn nếu dân văn phòng không có khoản phụ gia tăng cuối năm như thưởng Tết hoặc lương tháng 13.

Hùng (27 tuổi, Hà Nội) đã nghỉ công việc ở một doanh nghiệp startup sau 4 tháng bị nợ lương. Dù còn nhiều tiếc nuối vì phải từ bỏ công việc yêu thích, đồng nghiệp ổn nhưng anh không thể trụ tiếp vì quỹ tiết kiệm đã cạn kiệt. Hùng nhận thấy, với tình hình kinh doanh ảm đạm, dẫn đến quỹ lương thưởng eo hẹp thì doanh nghiệp không có khả năng chi trả thưởng Tết.

“Mình bắt đầu nghỉ việc từ tháng 11. Cuối năm, mình có nhiều khoản phải chi tiêu nên không thể tiếp tục làm việc không lương. Cũng vì thế, mình đã nộp đơn xin nghỉ sau khi tìm được cơ hội ở công ty mới. Bị nợ lương, không có lương tháng 13 và thưởng Tết nên mình không có lý do nào để ở lại”, Hùng nói.

Hùng cho biết thêm, dù có bị nợ lương nhưng anh chỉ chọn nhảy việc khi đã tìm được cơ hội mới. Bởi anh cho rằng, quyết định gia nhập thị trường vào cuối năm tương đối mạo hiểm. Do phần lớn doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng ở đầu năm, chứ không có nhu cầu mở rộng quy mô vào giai đoạn này. Nếu muốn nhảy việc mà bạn chưa tìm được việc mới thì cần có công việc freelancer như một phương án dự phòng.

Không có thưởng Tết nhưng tiền vẫn phải tiêu, dân văn phòng ngậm ngùi tính toán trong thiếu thốn- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Một trường hợp khác, Ngọc Quỳnh (25 tuổi, TP. HCM) bắt đầu đi làm chính thức vào tháng 10 sau khoảng thời gian dài đằng đẵng tìm việc. Cô cho biết năm nay mình sẽ không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào từ công ty như thưởng Tết hoặc lương tháng 13. Được biết, trong năm ngoái, tiền thưởng tháng 13 của Ngọc Quỳnh là 12 triệu - một khoản tiền đủ để cô trang trải cho những đợt chi tiêu trong dịp cuối năm.

Không những không có tiền thưởng Tết mà quãng thời gian thất nghiệp kéo dài cũng khiến Quỳnh tiêu hết sạch khoản tiền tiết kiệm đang có. Ngọc Quỳnh đón Tết với số dư tài khoản ngân hàng 54 triệu đồng, trong khi có biết bao khoản chi trước và trong dịp Tết đang đợi chờ cô nàng.

“Có thể nói, 2024 là năm mà tình hình tài chính cá nhân của mình xuống đáy nhất”, Quỳnh tâm sự.

Cũng đón Tết trong tâm trạng lo lắng vì không có tiền thưởng cuối năm là Phan Linh (23 tuổi, Hà Nội). Mới ra trường nhưng đã nhảy việc được 3 lần trong năm, nên quỹ tiết kiệm của cô không được là bao nhiêu. Tiền tiêu Tết năm nay chỉ giới hạn trong lương hàng tháng và trích thêm một chút tiền để tiết kiệm.

“Tết năm nay, mình dự định trích tiền tiết kiệm để tiêu Tết. Những khoản chi cho Tết sẽ hạn chế hơn, không dám tiêu xài phung phí nữa”, Phan Linh tâm sự.

Thay đổi thế nào để không phải vay nợ tiêu Tết?

Phan Linh tâm sự, dù tài khoản ngân hàng chỉ vỏn vẹn vài triệu nhưng cô quyết không để mình phải vay nợ để chi tiêu Tết. Cô có quan điểm trong chuyện tiêu Tết như sau: “Chỉ cần mua những thứ thật cần thiết, không cần rườm rà và phô trương là được”.

Phan Linh cho hay: “Mình thường chia thu nhập thành 2 khoản là chi tiêu và tiết kiệm hàng tháng. Hàng tháng, mình để dành được vài triệu nên sau Tết thì cuộc sống vẫn ổn định. Còn về chi tiêu Tết năm nay, mình cắt bỏ tối đa mua sắm cho bản thân, đồng thời dành 5 triệu để biếu bố mẹ. Mình nghĩ với những người lương thấp thì dự trù ngân sách cho tiêu Tết càng cụ thể càng tốt. Điều quan trọng là bạn nên sẵn sàng hạ thấp mức sống để chi tiêu đúng với số tiền mình đang có”.

Không có thưởng Tết nhưng tiền vẫn phải tiêu, dân văn phòng ngậm ngùi tính toán trong thiếu thốn- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Không nhận được thưởng Tết nên Hùng cho biết: Để có một cái Tết gói gọn trong lương 1 tháng, anh đã lên kế hoạch để dùng số tiền này. Đầu tiên, anh viết ra những khoản quan trọng nhất phải chi, đó là biếu bố mẹ, mua chút quà bánh Tết, tiền mừng tuổi người thân. Sau đó, anh phát hiện nếu dùng tiền lương cho những khoản chi quan trọng thì sẽ không còn dành được quá nhiều tiền để sắm sửa cho bản thân.

“Chi phí mua sắm quần áo và dành cho những cuộc vui cá nhân cần được thu hẹp lại. Dù Tết là dịp để nghỉ ngơi nhưng cũng phụ thuộc vào khả năng tài chính của mình. Mình bớt tiêu thì sau Tết cũng bớt áp lực cho bản thân. Mình là nam giới nên nhu cầu chi tiêu cũng đơn giản. Miễn là Tết năm nay còn về được với người thân, có một công việc ổn định là mình thấy vui rồi”, Hùng nói.

Đón Tết khi còn nhiều khó khăn tài chính nhưng Ngọc Quỳnh vẫn tìm được cách động viên bản thân rằng dù sao mình cũng có công việc. Thiếu thốn tiền nong, cô chọn dè sẻn chi tiêu, để đón một cái Tết đủ đầy nhưng vẫn tiết kiệm.

“Năm nay mình dự định dành 10 triệu tiêu Tết thôi. Số tiền này bao gồm 7 triệu biếu người thân, 2 triệu để phụ mẹ mua sắm thực phẩm và 1 triệu dự phòng. Năm nay mình không mua quần áo mới. Bên cạnh đó, mình cũng đề nghị đi ăn với bạn bè ở những quán bình dân, có mức giá vừa phải chứ không chi tiêu thoáng tay như mùa Tết năm ngoái nữa”, Ngọc Quỳnh thổ lộ.

Chia sẻ