Không có ngày "đèn đỏ": buồn nhiều hơn vui

Lê Hường,
Chia sẻ

Qua tuổi dậy thì mà chưa có kinh nguyệt hoặc đang có bỗng dưng "biến mất" thì chị em cần nghĩ ngay đến dấu hiệu vô kinh để kịp thời chữa trị.

Trưởng thành vẫn chưa dậy thì
 
Nhìn các bạn gái cùng trang lứa mỗi khi đi siêu thị xách cả bịch tư trang chuẩn bị ngày "đèn đỏ", Hồng Quyên (ở thành phố Hải Dương) cảm thấy chạnh lòng. Đã ngoài 20 tuổi nhưng Quyên chưa một lần có được cảm giác "làm con gái" tuyệt vời thế nào. Đến bệnh viện Phụ sản để xác định rõ nguyên nhân, bác sĩ giải thích Quyên bị teo buồng trứng bẩm sinh nên không có chu kỳ kinh nguyệt.
 
Khác với Hồng Quyên, chị Thanh Vân ở Hà Đông, Hà Nội bỗng dưng bị mất kinh dù đang ở độ tuổi sinh sản. Cũng như các bạn gái bình thường khác, bước sang tuổi 13 chị đã có chu kỳ kinh và vẫn đều đặn hàng tháng. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó chị bỗng thấy tắt kinh và tới tận bây giờ vẫn chưa thấy có kinh trở lại. 
 
Khi nào được coi là bị vô kinh?
 
Vô kinh là hiện tượng người phụ nữ ở độ tuổi sinh sản nhưng lại không thấy kinh nguyệt trong một thời gian nhất định: có thể là đã đến tuổi trưởng thành nhưng chưa thấy kinh lần nào hoặc đã từng có kinh nhưng vì nguyên nhân nào đó bị mất kinh 3 - 6 tháng.
 
 
Như trường hợp của Hồng Quyên gọi là vô kinh nguyên phát. Tức là những người phụ nữ hoặc là không có tử cung, không có âm đạo, màng trinh không thủng, teo tuyến yên bẩm sinh, teo buồng trứng bẩm sinh, rối loạn hoạt động enzym bẩm sinh của tuyến sinh dục nữ… nên dù đã qua tuổi dậy thì vẫn chưa được dậy thì.
 
Còn trường hợp của chị Thanh Vân là dạng vô kinh thứ phát tức là trước đó đã có kinh nguyệt nhưng vì lý do nào đó mà mất kinh. Có nhiều nguyên dẫn đến vô kinh thứ phát như dính buồng tử cung (sau nạo thai, do lao sinh dục), suy sớm buồng trứng, mãn kinh sớm, khối u buồng trứng, rối loạn hoạt động tuyến vỏ thượng thận, tuyến giáp, vú tiết sữa liên tục...
 
Ảnh hưởng lớn thiên chức làm mẹ
 
Kinh nguyệt là dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy bạn gái đã bước vào tuổi dậy thì và có khả năng sinh sản. Nhiều bạn gái không có chu kỳ kinh nguyệt thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thiên chức làm mẹ.
 
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trưởng phòng khám sản phụ khoa, Trung tâm Y tế lao động Thái Hà cho biết: Bình thường khi đến tuổi dậy thì, bạn gái sẽ có hiện tượng kinh nguyệt. Hiện tượng này có thể xảy ra sớm hoặc muộn tuỳ từng người. Tuy nhiên, nếu đến 16 tuổi mà bạn gái chưa thấy có kinh hoặc đang có kinh nguyệt tự nhiên thấy kinh không xuất hiện nữa thì cần nghĩ đến hiện tượng vô kinh. 
 
Nhìn chung, mỗi phụ nữ bị vô kinh đều có nguyên nhân riêng và có khi do nhiều nguyên nhân cùng lúc. Có những nguyên nhân không có khả năng điều trị. Nhưng cũng có nhiều nguyên nhân có thể chữa trị được quan trọng là chọn phương pháp điều trị thích hợp.
 
Vì thế khi bị vô kinh chị em nhất thiết phải được các bác sĩ chuyên khoa khám tìm hiểu rõ nguyên nhân, chọn phương pháp điều trị hợp lý chứ không thể nghe mách bảo, tự dùng thuốc sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe, nhất là sức khỏe sinh sản. Rối loạn kinh nguyệt mà điển hình là vô kinh chính là tín hiệu không thể thụ thai, dẫn đến hiếm muộn, thậm chí là vô sinh ở nữ giới.
 
Bác sĩ Dung cho biết thêm: Việc điều trị vô kinh không khó, quan trọng là chị em cần phải xác định chính xác nguyên nhân gây nên vô kinh. Ví dụ có những người không có kinh vẫn thường bị đau bụng theo chu kỳ thì đó có thể là do màng trinh không có lỗ, chỉ cần một thao tác nhẹ nhàng của bác sĩ chuyên khoa là giải quyết ngay được vấn đề.
 
Rất nhiều trường hợp chị em có thể khắc phục vô kinh bằng những biện pháp đơn giản là duy trì một lối sống lành mạnh, biết cân bằng và dung hòa giữa công việc, gia đình, chế độ nghỉ ngơi, giải trí và tập thể dục đều đặn, vừa sức mỗi ngày.
Chia sẻ