Không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận
Cho tới nay, bệnh dại vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Hàng năm, thế giới ghi nhận trung bình 60.000 ca tử vong do dại. Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2021 trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, năm 2022 cả nước ghi nhận 70 ca tử vong và 3 tháng đầu năm 2023 đã có 23 ca tử vong do bệnh dại. Tại Đồng Nai, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2 ca tử vong do bệnh dại tại huyện Trảng Bom và huyện Thống Nhất, nhiều trường hợp bị chó dại hoặc nghi dại cắn, cào tại huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch và một số địa phương khác.
Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn nhưng không tiêm phòng vaccine, tự ý chữa bệnh bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.
Không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận
Đây là nội dung được Sở Y tế Đồng Nai đưa ra trong công văn 3855/SYT-NV về việc tăng cường công tác phòng, chống dại trên địa bàn tỉnh ngày 28 tháng 7 năm 2023.
Trên thực tế, hiện nay vẫn còn rất nhiều người cho rằng nhìn vào vết cắn hoặc dùng đồng xu cà lên vết cắn có thể biết được có phải chó dại cắn hay không, sau đó nhờ thầy lang bốc thuốc nam và sắc uống nếu bị chó dại cắn. Có những người khác lại dùng các loại lá, đất sét… đắp lên vết cắn vì cho rằng làm vậy có thể chữa bệnh dại. Đây là các biện pháp chữa bệnh dại chưa được Bộ Y tế công nhận, chưa có cơ sở khoa học để khẳng định hiệu quả chữa bệnh của các biện pháp này. Khi áp dụng các biện pháp này chữa bệnh dại, không những không mang lại hiệu quả mà còn làm vết thương dễ bị nhiễm trùng.
Cho tới nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người nhiễm virus dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì gần như 100% là tử vong. Do đó, người dân không nên nghe theo những lời đồn không có căn cứ, những phương thuốc không có cơ sở khoa học trên để rồi tiền mất tật mang.
Cần tiêm phòng vaccine dại kịp thời khi bị động vật cào/cắn/liếm
Khi không may bị chó, mèo hoặc động vật hoang dã cắn/cào, cần phải rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị động vật cào/cắn.
Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 45-70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.
Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Một số người dân xử trí vết thương chưa đúng khi bị chó cắn như dùng tay nặn máu (lấy nọc chó), việc làm này sẽ khiến vết thương bị dập dẫn tới nhiễm trùng vết thương, nặn máu cũng không loại bỏ được virus dại vì virus dại không di chuyển theo đường máu mà di chuyển dọc theo các dây thần kinh tới tủy sống và não bộ.
Tiếp theo, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới giúp ngăn ngừa không bị bệnh dại. Một số người cho rằng: "tiêm phòng dại làm giảm trí nhớ", "tiêm phòng dại khiến trẻ em còi cọc, chậm lớn",… là hoàn toàn sai. Vaccine phòng bệnh dại hiện nay thuộc nhóm vaccine bất hoạt, nghĩa là virus chứa trong vaccine hoàn toàn không có khả năng gây bệnh, vì thế đây là một loại vaccine an toàn cho tất cả mọi người.
Đặc biệt cần nhớ, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Ngoài ra, để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; đưa chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.