Không chỉ thái giám, cung nữ cũng phải 'tịnh thân' trước khi nhập cung: Quy trình tàn khốc như cực hình, càng xinh đẹp càng bị ép làm điều này
Hoàng hậu và phi tần lo sợ những cung nữ ôm giấc mộng "hóa thành phượng hoàng" nên đã nghĩ ra nhiều cách để khiến nhóm hạ nhân này không thể mang long thai.
Tư tưởng trọng nam khinh nữ trong xã hội phong kiến vô cùng nặng nề. Kẻ giàu người nghèo, ai cũng mơ ước mình được sinh ra trong hoàng cung, xuất thân danh gia vọng tộc, để được sống giàu sang, hưởng vinh hoa phú quý.
Cho nên thời bấy giờ, rất nhiều thiếu nữ mơ ước được vào cung trở thành người “đầu ấp tay gối” bên cạnh Hoàng đế và vương thân quý tộc, hoặc ít nhất cũng làm cung nữ để được sống trong cung cấm nguy nga. Tuy nhiên, nhập cung không phải là chuyện dễ dàng.
Chúng ta đều biết, thái giám thời xưa phải “tịnh thân” (cắt bỏ bộ phận sinh dục) trước khi vào cung. Theo nhiều thông tin, một bộ phận cung nữ cũng phải trải qua quá trình này.
Ai cũng biết ngày xưa Hoàng đế có tam cung lục viện, nhiều thê thiếp. Nhưng trong hậu cung không thể chỉ có nữ giới, dù sao cũng có ít nhiều công việc nặng nhọc cần nam giới đảm nhiệm. Cho nên lúc này cần đến thái giám. Họ dâng hiến cả cuộc đời cho hoàng cung, không thể có hạnh phúc, không kết hôn, đương nhiên con cái cũng không có.
Hoàng đế sợ những người đàn ông khác vào cung dan díu với các phi tần. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thái giám phải tịnh thân.
Đồng thời, Hoàng hậu và phi tần đương nhiên cũng lo sợ những cung nữ vào cung ôm giấc mộng “hóa thành phượng hoàng bên cạnh Hoàng đế chân mệnh thiên tử”.
Chỉ cần cung nữ nào xinh đẹp và tỏ ra sự thông minh đầy tâm cơ, Hoàng đế bị mê hoặc cũng là chuyện có thể xảy ra. Nếu những cung nữ đó may mắn mang long thai thì xem như một bước lên mây, trở thành phi tần của Hoàng đế, là một phần trong hậu cung rộng lớn. Cho nên sự tồn tại của cung nữ xinh đẹp và thông minh uy hiếp địa vị của các phi tần. Nhiều thê thiếp hơn thì đương nhiên độ canh tranh cũng cao hơn. Do đó, bớt đi một người, cũng là cách để mang lại cho mình thêm một cơ hội.
Trong xã hội phong kiến, địa vị của phụ nữ rất thấp, thậm chí còn không bằng cả thái giám. Nên việc cung nữ có cơ hội tiếp xúc với Hoàng đế là chuyện cực kỳ hiếm hoi, ngay cả gặp mặt còn khó khăn, chứ đừng nói đến việc quyến rũ Hoàng thượng. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ.
Một số cung nữ đầy tham vọng sẽ tìm đủ mọi cách gần gũi với Hoàng đế hoặc các Hoàng tử. Bởi lẽ số kiếp của cung nữ dù muốn dù không cũng phải ở trong cung suốt đời, chết đi thì vùi mình dưới giếng, không được thờ phụng, cũng không có tình yêu. Do đó, liều mạng một phen, may mắn thì trở thành phi tử, không thì cũng đành chấp nhận số phận đọa đày.
Vì vậy, để ngăn chặn điều này xảy ra, những cung nữ nào bộc lộ dã tâm quá rõ ràng hoặc nhan sắc hơn người sẽ bị "thiến" trước khi vào cung với cách thức rất tàn khốc.
Vào thời nhà Đường, trong cung có một nơi đặc biệt dành cho cung nữ tịnh thân. Ban đầu, các cung nữ phải cho uống một bát thuốc sắc, tác dụng của thứ thuốc dạng nước này là giảm đau, đương nhiên là không thể hiệu nghiệm bằng thuốc gây tê thời nay.
Sau đó sẽ có người lấy ra một vật giống như móc câu và đưa vào cơ thể các cung nữ để phá hủy tử cung của họ. Vậy là từ đó, cung nữ không thể mang thai. Quá trình tịnh thân dành cho cung nữ cực kỳ đau đớn và tàn nhẫn, thậm chí còn khủng khiếp hơn cả thái giám khi bị cắt đi “của quý”. Kỹ thuật y học lúc bấy giờ chưa phát triển, kết quả là rất nhiều cung nữ đã bỏ mạng.
Vào thời nhà Tống, quy trình tịnh thân của cung nữ không cực đoan như thời nhà Đường, nhưng đau đớn là chuyện không thể tránh khỏi. Các cung nữ thời Tống khi tịnh thân liên tục dùng búa nhỏ đập vào bụng để “sa tử cung” và mất khả năng sinh sản.
Chúng ta đều biết cuối thời nhà Thanh, thái giám là nhóm hạ nhân không thể thiếu trong hoàng cung, cung nữ không còn trải qua quá trình tịnh thân. Nhưng điều này không có nghĩa là địa vị của người phụ nữ đã được cải thiện.
Khi xem các bộ phim cổ trang cung đình của Trung Quốc, nhiều người có thể nghĩ cuộc sống trong cung rất thú vị. Nhưng trên thực tế, cuộc sống nơi cung cấm lại khác một trời một vực như trong tưởng tượng. Người đứng trên cao có quyền sinh sát, kẻ hạ nhân chỉ biết “gọi dạ bảo vâng”, sai một li cũng có thể đẩy chính mình vào hiểm họa khôn lường.
Nguồn: Sohu