'Không cần luyện chữ đẹp, con tôi viết xấu vẫn có thể thành công'
Nhiều phụ huynh bày tỏ quan điểm, trẻ viết chữ xấu vẫn có thể thành công như thường, việc đổ xô đến các trung tâm luyện chữ đẹp chỉ đang “đốt tiền”.
Suốt mấy tháng nay, kể từ ngày cậu con trai út - Anh Khôi vào lớp 1, chị Nguyễn Thị Yến (39 tuổi, Long Biên, Hà Nội) thường xuyên nhận được tin nhắn phàn nàn của cô giáo chủ nhiệm về việc con viết chữ như gà bới.
Cô giáo trao đổi, Anh Khôi có chữ xấu nhất lớp nên rất khó khăn trong quá trình chấm bài, trong khi các bạn ai cũng viết đẹp, rõ ràng. Thậm chí, giáo viên còn khuyên phụ huynh cho con đi luyện chữ để cải thiện.
Không giống như số đông phụ huynh khác sốt sắng tìm lớp luyện chữ cho con, chị Yến cho rằng, con mới vào lớp 1, viết xấu chút là điều bình thường. Chỉ cần con đọc thông, tính giỏi, chữ xấu hay đẹp không quan trọng.
“Tại sao lại phải bắt con phung phí thời gian vào việc luyện chữ, khi chúng đã có quá nhiều thứ phải học. Chữ đẹp liệu có giúp con sau này có cơm ngon, áo đẹp hay không?”, chị Yến nói.
Theo nữ phụ huynh, viết chữ đẹp đã không còn phù hợp với xu thế hiện đại, khi con người ta chủ yếu làm việc trên các thiết bị số, không còn cầm bút nắn nót như trước kia. Chưa kể người chữ đẹp đa phần viết rất chậm, mất nhiều thời gian. Nếu ra ngoài xã hội mà cứ chậm chạp, viết mãi mới xong thì càng không được.
“Đợi con lớn hơn một chút, tôi sẽ cho đi học cách gõ máy tính nhanh. Từ quá trình làm việc của bản thân, tôi thấy đó mới là những kỹ năng cần thiết ở thời đại 4.0. Ngoài ra, con cần học thêm Toán để rèn luyện khả năng tập trung, tư duy logic. Còn việc luyện chữ đẹp thì... miễn” , nữ phụ huynh cho biết.
Ở một hoàn cảnh khác, chị Đồng Thu Huệ (46 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) được đồng nghiệp cùng cơ quan rủ cho cậu con trai đang học lớp 5 đến trung tâm luyện chữ đẹp để "thành công hơn".
“ Đồng nghiệp tôi nói, giờ nhiều trẻ được bố mẹ cho học tiền tiểu học nên viết chữ rất đẹp. Chữ các con mình vẫn còn xấu, dễ bị người khác đánh giá. Cần cho đến các trung tâm, để giáo viên rèn nết, rèn chí, rèn tâm, giúp con phát triển toàn diện và thành công hơn”, chị Huệ kể. Sau đó chị từ chối lời ngỏ của đồng nghiệp.
Chị thừa nhận, cho con trai mình viết chữ xấu so với các bạn đồng trang lứa, nhưng suốt 4 năm qua, con đều đạt học sinh giỏi, kết quả học tập cũng thường đứng top của lớp.
“Như vậy chưa đủ thành công hay sao. Còn muốn con toàn diện đến mức nào nữa” , nữ phụ huynh cho rằng, đồng nghiệp của mình giống nhiều phụ huynh khác, chỉ đang vin vào câu nói “nét chữ nết người” để lý luận về việc tại sao phải cho con đi luyện chữ đẹp.
Đưa ra minh chứng cụ thể, chị Huệ nhắc về người em trai ruột, hiện đang là kỹ sư công nghệ thông tin tại tập đoàn lớn.
Theo cô Đào Thị Bình, giáo viên trường Tiểu học Tân Phong (Thái Bình), chữ viết không phải thước đo nhân cách. Không phải ai chăm chỉ luyện chữ sau này cũng trở thành công dân gương mẫu, cẩn thận, chu đáo và không phải ai viết xấu cũng là người cẩu thả, thiếu kiên trì. Thành công đến từ sự cố gắng nỗ lực, ý chí phấn đấu ở cả hành trình dài.
“Tuy nhiên, phụ huynh cũng không nên xem thường việc luyện chữ đẹp, bởi những lợi ích nó đem lại là không thể phủ nhận. Hãy coi đây là hoạt động ngoại khoá, khuyến khích với những trẻ có năng khiếu. Nếu trẻ đã viết rõ ràng, đủ nét, cha mẹ không nên mất thời gian cho con đi luyện chữ đẹp, nếu con không muốn” , cô Bình nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Th.S Nguyễn Thị Mai Anh, Phó viện trưởng Viện Tâm lý học Nhân văn cho rằng, xuyên suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam cũng như các nước phát triển như Anh, Mỹ, Nga, Pháp vẫn coi trọng việc viết chữ, xem đây là cơ sở giữ gìn nền văn hóa của dân tộc.
Câu nói "nét chữ, nết người" rất đúng với tiến trình dạy chữ cho trẻ. Tập viết chữ đẹp mang lại nhiều lợi ích: rèn đức tính kiên trì, cẩn thận, tỉ mỉ. Ngoài ra, tập trung chăm chút từng nét chữ không chỉ thể hiện sự coi trọng người đọc, mà còn làm nên nét đẹp văn hóa trong giao tiếp bằng ý văn.
Nữ chuyên gia cho rằng phụ huynh không nên bắt ép trẻ luyện chữ quá đẹp, theo kiểu "rồng bay phượng múa", cũng đừng vì thành tích mà sẵn sàng bỏ những khoản tiền lớn để con đến trung tâm luyện sớm tối, gây ra những bất cập về sức khỏe, kinh tế của cá nhân trẻ và gia đình. Cha mẹ có thể đồng hành cùng con trong việc rèn luyện từng nét chữ, bằng việc tham khảo các cơ sở khoa học, tiêu chuẩn chữ viết theo độ tuổi đã được Bộ GD&ĐT công bố.