Không bán hết thúng bánh rán, bà bầu nhất định không chịu lên bàn đẻ

Thế Long - Việt Linh,
Chia sẻ

Câu chuyện về người bán hàng rong với thúng bánh rán đến ngày sinh nở nhưng vì tiếc của nên nhân viên hộ sinh phải vận động lên bàn đẻ và “tiêu thụ” bánh giúp là một trong những ký ức khó quên của các nữ hộ sinh.

Ngày 27/2, nhân dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam, chúng tôi đã đến thăm các nhân viên y tế tại Bệnh viện Sản trung ương, chứng kiến công việc của họ để hiểu hơn về công việc thầm lặng hàng ngày vẫn diễn ra.

Đóng đủ vai diễn

Mặc dù hôm nay là ngày lễ đối với những người làm về y tế, nhưng các cán bộ nhân viên ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương vẫn luôn tất tưởi với những thiết bị máy móc, dụng cụ như một ngày làm việc rất dỗi bình thường. Chăm sóc, động viên các sản phụ, chăm các em bé mới ra đời, không khí vẫn tất bật, thậm chí cuối tuần còn bận rộn, luôn tay luôn chân hơn ngày thường. Các nữ hộ sinh trong màu áo xanh cứ "thoắt ẩn, thoắt hiện" bên các giường bệnh, rất khó có một khoảng thời gian để tiếp chuyện.

phụ sản
Hai nữ hộ sinh Loan (phải) và Hiền đang chia sẻ với PV

Tiếp xúc với PV tại phòng làm việc là nữ hộ sinh Lưu Thị Loan, lúc này chị vừa bận rộn sau một ca mổ đẻ và tỏ ra rất phấn khởi.

Khi được hỏi về niềm vui trong ngày đặc biệt của ngành y tế hôm nay, chị Loan chia sẻ: “Đối với cán bộ nhân viên y tế ở đây, ngày nào cũng như ngày nào…(cười), hôm nay có chút đặc biệt hơn, niềm vui của chúng tôi là mỗi ngày đón các em bé ra đời được trọn vẹn, an toàn. Sản phụ khỏe mạnh và hạnh phúc sau khi vượt cạn. Đấy là tất cả những món quà đối với chúng tôi…”, chị Loan vui vẻ nói.

Theo chị, công tác ở khoa sản thì các cán bộ, nhân viên y tế đều không có ngày nghỉ vì người đẻ và người cấp cứu đến bất cứ lúc nào nên tất cả các cán bộ y tế ở đây luôn túc trực để sẵn sàng vào ca mổ hay cấp cứu. Mỗi người túc trực ở đúng vị trí của mình, chỉ cần một khẩu “trục trặc” là ảnh hưởng đến quy trình khám, hộ sinh ở đây.

Sản phụ nuối tiếc thúng bánh rán chưa bán hết

Hơn 30 năm trong nghề thì có đến gần 2 chục năm làm việc trong các phòng đẻ, nữ hộ sinh đã tiếp xúc với biết bao cảm xúc, ám ảnh có, suy tư có, hồi hộp và buồn vui lẫn lộn cũng có.

phụ sản
Niềm vui của những người làm y tế 

Đó là ngoài những ca sinh đẻ an toàn trọn vẹn, lành lặn thì còn có những ca “khó đẻ” khiến cho các nhân viên y tế ở đây luôn phải đóng đủ các vai “diễn” như thật.

“Thực tế mà ai cũng phải chấp nhận là phần trăm rủi ro vẫn có thể xảy ra. Chẳng hạn như các bà mẹ có điều kiện siêu âm thường xuyên nhưng đứa con sinh ra không có hậu môn... Hay những bà mẹ không có điều kiện nên không đi siêu âm, đến ngày sinh con, bị cấp cứu mới đến bệnh viện. Lúc đó đứa trẻ sinh ra không lành lặn… mình sẽ là người đầu tiên nhìn mặt em bé đó, là người cảm nhận được nỗi đau của sản phụ lúc đó, phải bên cạnh họ như người thân, động viên họ vào khoảnh khắc đặc biệt nhất, đau đớn nhất của cuộc đời!”

Ngồi kế bên cạnh là một đồng nghiệp - nữ hộ sinh Đoàn Thị Thu Hiền cũng bày tỏ bao nỗi lòng khi nói đến những ca sinh đẻ “không bình thường”.

“Làm nghề, chúng tôi cũng như chúng tôi thôi, phải có một tình yêu với nghề, với trẻ nhỏ. Có những trường hợp cha mẹ của bé chỉ muốn bật dậy dứt bỏ ngay ‘cục nợ’ do bị dị tật. Họ không muốn ám ảnh sau này. Cũng có những trường hợp người mẹ chỉ yêu cầu cho nhìn mặt con rồi coi như quên đi tất cả. Ít lắm là những trường hợp hiếm muộn con, họ hy sinh tất cả để đón nhận đứa con dù không lành lặn… Những tình huống ấy chúng tôi đều phải đối mặt với sự thật trong những khoảnh khắc không như ý muốn, đồng cảm với sản phụ, với người nhà”.

“Thường thì các bà đẻ trong lúc vượt cạn sẽ đau đớn, kêu gào gọi mẹ, chửi chồng, các hộ sinh phải đóng một vai như người mẹ, có khi là chồng, vỗ về, xóa bóp… nói những câu chuyện làm cho họ quên đi cơn đau…"

phụ sản
Công việc diễn ra thường ngày của các cán bộ y tế

Rồi, chị Loan kể cho chúng tôi tình huống khi chị phải đi khắp khoa phòng ở bệnh viện để bán hết một thúng bánh rán thay cho bà bầu vì tiếc tiền.

“Tôi còn nhớ năm 1995, một chị bán bánh rán hàng rong. Do bất ngờ đau đẻ, khi vào bệnh viện chỉ có một mình (mãi sau đó mới có một cô bé 16 tuổi, cùng quê nhưng không họ hàng vào giúp) và chị ấy cứ kè kè thúng bánh rán bên cạnh. Mặc dù được các bác sỹ thăm khám, yêu cầu ở lại chuẩn bị để lên bàn đẻ nhưng bà bầu tội nghiệp vẫn nuối tiếc số bánh rán, chị ấy cứ nằng nặc đòi tranh thủ đi bán nốt. 

Lúc này tôi phải bảo bà cứ an tâm lên bàn đẻ, tôi sẽ bán hết cho, không phải lo. Sau đó tôi đem thúng bánh đi bán cho các nhân viên y tế và mọi người xung quanh. Hôm sau đầu giường nhân viên vẫn còn túi bánh rán treo lủng lẳng…”.  

Nói về công việc của những người công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bác sĩ Trần Diệu Linh (PGĐ Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh) chia sẻ, đối với các cán bộ nhân viên y tế, gần như họ không có khái niệm ngày nghỉ. Nơi đây chăm sóc, hồi sức kịp thời cho trẻ sơ sinh có nguy cơ cao, trẻ cần được chăm sóc đặc biệt.

Theo bác sĩ Linh, dịp nghỉ lễ càng kéo dài thì công việc của những người làm việc ở đây càng bận rộn. Đặc biệt vào các dịp Tết Nguyên đán, cán bộ nhân viên y tế không có chuyện đi chúc tết người thân, do nhiều người còn quan niệm đầu năm thì ngại và "kiêng" đi thăm khám.

Thông thường những ngày đầu tháng hoặc 13-14 (ngày rằm) nhiều bệnh nhân nặng phải cấp cứu cả mẹ lẫn con. Do quan niệm chọn ngày đẻ, giờ đẻ nên khi đến bệnh viện thì bệnh nhân đã nặng làm ảnh hưởng đến quy trình cũng như công tác điều trị…


Chia sẻ