Không ai muốn Phạm Anh Khoa "vào đường cùng" nhưng đừng đòi hỏi sự cảm thông của dư luận!

LiLy,
Chia sẻ

Phạm Anh Khoa đã rất khó nhọc để nói ra lời xin lỗi nhưng lại không được ai chấp nhận. Công chúng thiếu rộng lượng hay Phạm Anh Khoa thiếu thành tâm?

Tối ngày 27/4, Phạm Anh Khoa trở thành cái tên nóng trên mạng xã hội sau khi bị nữ vũ công Phạm Lịch tố "gạ tình". Tuy nhiên, chỉ đến cuộc trò chuyện mang tính đối thoại về vấn đề quấy rối tình dục với trung tâm CSAGA - một tổ chức Phi chính phủ bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái - vào ngày 12/5, Phạm Anh Khoa mới là tâm điểm của chỉ trích.

Không ai muốn Phạm Anh Khoa vào đường cùng nhưng đừng đòi hỏi sự cảm thông của dư luận! - Ảnh 1.

Phạm Anh Khoa mới trở thành tâm điểm của chỉ trích sau cuộc trò chuyện mang tính đối thoại về vấn đề quấy rối tình dục với trung tâm CSAGA - một tổ chức Phi chính phủ bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái - vào ngày 12/5.

Cả làng giải trí đã im lặng trong suốt hai tuần lùm xùm không dứt. Nhưng khi cuộc đối thoại nói trên được phát đi, showbiz đã thôi im lặng. Hình ảnh Phạm Anh Khoa sau 40 phút đã xuống cấp nghiêm trọng trong mắt đồng nghiệp cũng như công chúng.

Cũng phải nói thêm là, trước khi stylist giấu danh tính lên tiếng tố cáo Phạm Anh Khoa và trước khi Phạm Anh Khoa có lời xin lỗi bị dư luận phỉ báng, Phạm Lịch mới là tâm điểm của những mũi dùi.

Không ai muốn Phạm Anh Khoa vào đường cùng nhưng đừng đòi hỏi sự cảm thông của dư luận! - Ảnh 2.

Trước khi stylist giấu danh tính lên tiếng tố cáo Phạm Anh Khoa và trước khi Phạm Anh Khoa có lời xin lỗi bị dư luận phỉ báng, Phạm Lịch mới là tâm điểm của những mũi dùi.

So với Phạm Anh Khoa, Phạm Lịch không có tầm ảnh hưởng. Dù là một vũ công kiêm biên đạo có tiếng, làm việc với nhiều show truyền hình và nhiều ngôi sao hạng A, Phạm Lịch vẫn chỉ là người đứng sau sân khấu. Một vũ công không thể có tên tuổi và độ phủ sóng như với một ca sĩ. Đó là lí do Phạm Lịch phải đối mặt với hai lực lượng: fan hâm mộ đông đảo của Phạm Anh Khoa và đồng nghiệp showbiz.

Đó cũng là lí do những dòng trạng thái tố cáo Phạm Anh Khoa trên trang cá nhân của Phạm Lịch chỉ nhận được sự ủng hộ của lác đác vài vũ công, lác đác vài nghệ sĩ hạng trung. Trong khi đó, bên dưới một dòng trạng thái phản pháo của Phạm Anh Khoa là những nút like của rất nhiều "sao bự", những nghệ sĩ có tên tuổi cỡ Tăng Thanh Hà và tương đương.

Số còn lại im lặng theo dõi.

Tất nhiên, phần lớn sự im lặng theo dõi mang nhiều nghi kị chĩa về Phạm Lịch. Đơn giản, người ta không biết cô là ai. Còn Phạm Anh Khoa thì ai cũng biết. Nhất là sau chương trình truyền hình "Bố ơi, mình đi đâu thế?", Phạm Anh Khoa gây dựng hình ảnh đẹp trong lòng công chúng về một ông bố lí tưởng, sống có đam mê, dạy con nghiêm khắc cùng tính cách mộc mạc, chân thành với đồng nghiệp.

Dễ nhận thấy, #metoo Việt Nam đã khởi động bằng một "case" giống với #metoo ở Hollywood hay Hàn Quốc. Đó là người tố cáo là một nghệ sĩ ít tên tuổi và người bị tố cáo là một "người hùng" của làng giải trí.

Không ai muốn Phạm Anh Khoa vào đường cùng nhưng đừng đòi hỏi sự cảm thông của dư luận! - Ảnh 3.

#Metoo Việt Nam đã khởi động bằng một "case" giống với #metoo ở Hollywood hay Hàn Quốc. Đó là người tố cáo là một nghệ sĩ ít tên tuổi và người bị tố cáo là một "người hùng" của làng giải trí.

Và cũng giống như Hollywood hay Hàn Quốc, những "người hùng" mạnh mẽ phản bác cáo buộc ở lời tố cáo đầu tiên, yếu dần đi khi có những lời tố cáo thứ hai, thứ ba và nhiều hơn nữa. Phần lớn trong số họ kiên trì phủ nhận cho đến tận lời tố cáo cuối cùng. Điển hình như Harvey Weinsteins, khi bị tới 50 người tố cáo, vẫn kiên quyết khẳng định mình vô tội.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cá biệt như ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc Jo Min Ki. Từ lúc bị cáo buộc lần đầu vào ngày 20/2, cho đến lúc tự tử vào ngày 9/3, Jo Min Ki có vẻn vẹn 17 ngày sống trong áp lực nặng nề từ dư luận. Jo Min Ki lên tiếng thừa nhận "những sai lầm trong quá khứ" vào ngày thứ 13 của chiến dịch tố cáo, khi số nạn nhân lên tiếng tròn 20 người.

Trước khi tìm đến cái chết, Jo Min Ki đã gọi điện cho người thân để xin lỗi vì những chuyện đã qua, đồng thời để lại bức thư xin lỗi chí thành. Trong bức thư có đoạn: "Mọi thứ là lỗi của tôi, tội ác của tôi. Tôi bị sốc trước mọi chuyện. Càng ngày, nó càng quá sức chịu đựng với tôi. Tôi trở thành một kẻ hèn nhát, trốn chạy và phủ nhận lỗi lầm." và "Tôi vừa xin lỗi, vừa biết ơn các bạn, bởi giờ đây, tôi có thể ăn năn hối lỗi về những kiêu ngạo và sai trái của mình."

Không ai muốn Phạm Anh Khoa vào đường cùng nhưng đừng đòi hỏi sự cảm thông của dư luận! - Ảnh 4.

"Tôi vừa xin lỗi, vừa biết ơn các bạn, bởi giờ đây, tôi có thể ăn năn hối lỗi về những kiêu ngạo và sai trái của mình." - Jo Min Ki.

Cái chết Jo Min Ki đã gây sốc cho cả làng giải trí Hàn lẫn công chúng Hàn. Tính pháp lý đã được đặt ra với những lời tố cáo mà phần lớn là bằng chứng yếu cũng như sự quy kết cuồng nộ từ dư luận. Nhưng người Hàn, với tính cách chấp nhận hậu quả cực đoan đã không dừng lại.

Jo Min Ki được tha thứ, nhưng không vì cái chết của ông mà những kẻ quấy rối tình dục khác được thoát tội.

Trở lại với câu chuyện của Phạm Anh Khoa, cho đến thời điểm hiện tại đã có ba người đứng lên tố cáo nam ca sĩ quấy rối tình dục ở các mức độ khác nhau: gạ gẫm, gạ tình, trêu đùa bằng từ ngữ thô tục và tấn công tình dục. Trong cuộc đối thoại với CSAGA, Phạm Anh Khoa thừa nhận một số hành vi, như nói những lời thô tục và có những câu "khiến đối phương hiểu nhầm" là "gạ tình". Những nội dung cáo buộc còn lại anh hoàn toàn phủ nhận.

Tuy nhiên, CSAGA đã vội vàng ra thông cáo báo chí về chuyện "hiểu nhầm" và vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ từ công luận. Trước các áp lực, CSAGA đã gỡ bỏ cả thông cáo báo chí lẫn video đối thoại gây bức xúc này.

Song, video vẫn đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội như một bằng chứng để tấn công Phạm Anh Khoa. Khía cạnh được nhằm vào tấn công là nam ca sĩ khẳng định mình không quấy rối tình dục nhưng lại thừa nhận bản thân không được học và hiểu về khái niệm quấy rối tình dục. Cùng với đó là câu chuyện về "tính đặc thù" của môi trường hoạt động nghệ thuật, với ví dụ về chuyện "vỗ mông là chào hỏi", mà Phạm Anh Khoa đưa ra đã khiến đồng nghiệp dậy sóng lên án.

Không ai muốn Phạm Anh Khoa vào đường cùng nhưng đừng đòi hỏi sự cảm thông của dư luận! - Ảnh 5.

Điều đáng nói, chính bà Vân Anh - Giám đốc CSAGA - đã tiết lộ việc Phạm Anh Khoa từng là đại sứ thiện chí, có những chương trình cộng tác với CSAGA liên quan tới phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Bên cạnh đó, Phạm Anh Khoa cũng là đại sứ hình ảnh của chương trình phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam trong hai năm 2013, 2014. Hai dữ liệu này cho thấy, hoặc là Phạm Anh Khoa cố tình không hiểu về khái niệm quấy rối tình dục, hoặc là các tổ chức phi chính phủ đã quá hồ đồ trong việc lựa chọn một người không hề có hiểu biết về quấy rối tình dục nói riêng và bạo hành phụ nữ nói chung làm đại sứ để tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức về bạo lực với phụ nữ.

Không ai muốn Phạm Anh Khoa vào đường cùng nhưng đừng đòi hỏi sự cảm thông của dư luận! - Ảnh 6.

Hoặc là Phạm Anh Khoa cố tình không hiểu về khái niệm quấy rối tình dục, hoặc là các tổ chức phi chính phủ đã quá hồ đồ trong việc lựa chọn một người không hề có hiểu biết về quấy rối tình dục nói riêng và bạo hành phụ nữ nói chung làm đại sứ để tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức về bạo lực với phụ nữ.

Trong một bài trả lời phỏng vấn với truyền thông, đại diện của CSAGA đã chia sẻ về lí do không chọn Phạm Lịch - người tố cáo mà lại chọn Phạm Anh Khoa - người bị tố cáo trong cuộc đối thoại về quấy rối tình dục, rằng: "Thấy câu chuyện thế này mà lại dìm cho Anh Khoa chết toi và không nói gì à? Vấn đề ở chỗ, chúng tôi muốn người trong cuộc thay đổi nên chọn Anh Khoa."

Một lần nữa, vấn đề áp lực dư luận lại được xới lên. Cách mà dư luận (bao gồm cả ba cô gái tố cáo Phạm Anh Khoa, công chúng và những nghệ sĩ đã lên tiếng về vấn đề Phạm Anh Khoa) đang làm có phải là để "dìm" Phạm Anh Khoa vào đường cùng hay không? Cái mà dư luận thực sự mong muốn khi mạnh mẽ lên tiếng, lên án, chỉ trích và cả những ý kiến quá khích cực đoan nhằm tới Phạm Anh Khoa là gì? Muốn Phạm Anh Khoa thay đổi hay như Jo Min Ki?

Chắc chắn không ai mong muốn một Jo Min Ki Việt Nam xảy ra. Ngay cả những người tố cáo, dù nghẹn ngào bi phẫn như M.P, nhẹ nhàng như Nga My hay tỉnh táo sắc sảo như Phạm Lịch, chắc chắn không mong Phạm Anh Khoa sẽ là Jo Min Ki thứ hai. Bởi ngay từ đầu, như Phạm Lịch nói, cái cô cần chỉ là lời xin lỗi.

Không ai muốn Phạm Anh Khoa vào đường cùng nhưng đừng đòi hỏi sự cảm thông của dư luận! - Ảnh 7.

Chắc chắn không ai mong muốn một Jo Min Ki Việt Nam xảy ra. Bởi ngay từ đầu, như Phạm Lịch nói, cái cô cần chỉ là lời xin lỗi.

Cái dư luận cần thực ra cũng là một lời xin lỗi. Nhưng có thể họ đã làm sai, giống như CSAGA đã làm sai, dù mục đích của cuộc đối thoại với Phạm Anh Khoa (được tin) là hoàn toàn tốt đẹp.

Lời xin lỗi cuối cùng đã được phát đi theo cách mà cả người nói lẫn người nghe và người nhận đều không mong muốn. Nam diễn viên Hồng Đăng có chia sẻ quan điểm cá nhân, mong muốn dư luận bao dung hơn với Phạm Anh Khoa. Nhưng sự bao dung vào lúc mà mọi đúng sai còn chưa rõ ràng sẽ là một bất công với những người đã lên tiếng tố cáo anh. Họ - nếu thực là nạn nhân của quấy rối tình dục - vốn đã luôn chông chênh giữa tổn thương, sợ hãi và định kiến, cùng những bằng chứng yếu ớt của mình sẽ ra sao nếu người gây ra tội lỗi được cảm thông dù không thừa nhận sai lầm?

Người xưa có câu, chí thành cảm thông. Chỉ khi nào có sự chí thành thì đối phương mới có sự thấu cảm. Nên nếu như dư luận đang không bao dung với Phạm Anh Khoa thì điều đó chỉ đơn giản là vì lời xin lỗi của anh chưa đủ chí thành mà thôi.

Không ai muốn Phạm Anh Khoa vào đường cùng nhưng đừng đòi hỏi sự cảm thông của dư luận! - Ảnh 8.

Nếu như dư luận đang không bao dung với Phạm Anh Khoa thì điều đó chỉ đơn giản là vì lời xin lỗi của anh chưa đủ chí thành mà thôi.

Mà lời xin lỗi chí thành thì luôn luôn khó nói.

Chia sẻ