Khốn khổ vì mẹ chồng giữ hết lương

,
Chia sẻ

Chị Hoa tròn mắt ngạc nhiên khi mẹ chồng nhìn thẳng vào mình và nói: 'Vòng vàng, lắc tay của con, mẹ mua, mẹ giữ là đúng rồi. Giờ con muốn lấy nhưng mẹ quên mất mình để đâu".

Chị Hoa ở Hải Phòng, lấy chồng được ba năm và có một cô con gái 18 tháng. Anh Hùng, chồng chị là con trưởng trong một gia đình có bốn anh em. Hai cô em gái đều đã lấy chồng, thỉnh thoảng mới về thăm mẹ còn cậu em trai út cũng đi làm ăn xa nên khi anh kết hôn, bố mẹ muốn anh ở cùng. Anh Hùng làm về đồ gỗ, thu nhập không ổn định. Chị là kế toán cho một công ty tư nhân, thu nhập khá hơn anh nên hầu hết các chi tiêu và sinh hoạt trong gia đình gần như một tay chị lo liệu.
 

 
Ngày đầu mới về, tình cảm giữa mẹ chồng - nàng dâu khá ổn. Chị Hoa là người thẳng thắn, tốt tính nhưng khổ nỗi, không khéo ăn, khéo nói. Còn mẹ chồng lại là người khéo léo, biết cách dỗ dành, cũng chính vì vậy nên khi lấy nhau mới được nửa năm, bà "ngỏ ý" muốn giữ hộ bộ vòng vàng, lắc tay - món quà bà tặng cho con dâu ngày cưới, chị Hoa không ngần ngại đưa mẹ giữ hết. Mọi chuyện bắt đầu xảy ra khi chị sinh bé gái đầu lòng. Chị xin nghỉ làm ở nhà chăm con nhỏ, gánh nặng gia đình đè lên vai anh Hùng. Có điều, đồng lương ít ỏi của anh làm sao lo đủ cho gia đình. Lúc này, chị có ý muốn "xin" lại mẹ chồng quà cưới để thế chấp mượn tiền cho qua cơn nguy khốn. Thật bất ngờ, mẹ chồng thản nhiên nói thẳng với chị "Quà cưới của con, mẹ quên mất đã để đâu rồi ý". Biết rằng không thể lấy lại được, chị đành ngậm đắng, nuốt cay cho qua chuyện. Nhưng mọi việc vẫn chưa kết thúc ở đó.
 
Khi con gái được một tuổi, bắt đầu cứng cáp hơn, chị ngỏ ý muốn đi làm. Thấy mẹ chồng vui mừng đồng ý, chị tưởng mình sẽ thoát được những chuỗi ngày khó khăn ở nhà. Tiếc rằng, mọi thứ không suôn sẻ như chị muốn. Giờ mẹ chồng muốn giữ tiền lương của cả hai vợ chồng. Biết tính mẹ, chị không mấy đồng ý nhưng anh Hùng lại là người con "quá có hiếu", tuyệt đối nghe lời bố mẹ nên chị đành ngậm ngùi để mẹ chồng giữ hết tiền. Nhưng oái oăm một nỗi, cứ khi nào cần chi tiêu thứ gì, bảo mẹ đưa tiền, bà lại tỏ ra khó chịu, vặn vẹo đủ điều. Tới lúc này, chị Hoa không thể tiếp tục chịu đựng, hai mẹ con bắt đầu to tiếng, tranh cãi, ai cũng có cái lý riêng của mình khiến gia đình suốt ngày xào xáo.

Chị Hường ở Hà Nội lại gặp phải trường hợp khác. Không đòi quản lý tiền bạc và các thứ của con nhưng chị không hiểu tại sao mẹ chồng mình "thích" phân biệt đối xử với các cháu? Chị và chồng lấy nhau được hơn 5 năm và sinh được một cô con gái 3 tuổi. Trên anh có hai chị gái, lấy chồng ngay sát vách. Hằng ngày, mọi người đều tất tả đi làm nên vợ chồng chị cũng như hai chị gái đều giao con cho bà nội trông. Tưởng rằng có bà trông, chị sẽ yên tâm công tác. Nhưng gần đây, cứ mỗi sáng dẫn cháu sang nhà bà trước khi đi làm, chị thấy con gái khóc ré lên, vẻ mặt sợ hãi và nhất định không theo mẹ. Chị cố gặng hỏi, con bé cũng không chịu nói. Chị hết dỗ dành tới dọa nạt con bé mới chịu đi.

Ban đầu, chị chỉ nghĩ đơn giản con gái nhõng nhẽo, đòi theo mẹ nên có lúc chị phát cáu với nó. Nhưng sau đó, có một hôm chị được nghỉ làm sớm, định trở về nhà đưa con và các cháu đi chơi, chị mới biết rằng con mình phải chịu sự hắt hủi của bà và hai bác. Ngay khi đi tới gần cổng, chị đã nghe thấy tiếng bà nội và hai bác mắng chửi "mày ngu thế?", "mày là cái giống gì?", "có thôi khóc và im ngay đi không thì bảo?".... Chị Hường không hiểu rõ ngọn ngành cho tới khi bước vào nhà, thấy con mình đang nghẹn ngào đứng khóc, chị chợt hiểu ra. Trẻ con khi chơi với nhau, không thể tránh khỏi việc tranh giành nhưng con chị dù bé nhất vẫn cứ phải nhường cho anh chị. Nhường nhịn đã đành, đằng này, nếu nó khóc lóc, kêu gào, còn bị bà nội và hai bác mắng chửi. Chị chua xót không nói được gì hơn, chỉ biết ôm con về nhà dỗ dành...

Theo chuyên gia tư vấn Nguyễn Nhật Hạ của công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn những trường hợp như vậy xuất hiện rất nhiều trong đời sống gia đình, nhất là khi mẹ chồng - nàng dâu cùng chung sống, có nhiều điều chưa thật hiểu và thông cảm với nhau. Tuy nhiên, người con dâu cần phải có cái nhìn khách quan và công bằng, xem xét lại bản thân mình trước, không nên vội vàng trách cứ mẹ chồng. Bên cạnh đó, người chồng đóng một vài trò rất quan trọng, được coi như chiếc cầu nối, gắn kết mối quan hệ giữa mẹ và vợ, giúp quan hệ của họ tốt đẹp hơn. Vì vậy, người vợ cần phải khéo léo chia sẻ, tâm sự với chồng để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất, giúp gia đình yên ấm, hạnh phúc.
 
Theo Ngôi sao
Chia sẻ