Khốn khổ vì có ông chồng thích “nổ”
Nghe anh nói sẽ bỏ tiền ra sửa nhà, “hỗ trợ” việc cỗ bàn, rồi “tặng” cô em út một cây vàng làm của hồi môn, chị Tâm vô cùng choáng váng. Thực hiện hết những điều ấy thì coi như cuốn sổ tiết kiệm dành mua nhà của anh chị cũng “cuốn theo chiều gió”...
Từ ngày yêu nhau, chị Tâm đã biết anh Toàn có sở thích “chém gió”, nhưng lúc ấy chị chẳng lấy làm quan trọng. Chị nghĩ rằng thanh niên chưa vợ như anh “chém gió” chút xíu cho vui vẻ cũng là chuyện thường, sau này có gia đình rồi ắt sẽ khác. Nào ngờ, đến tận bây giờ - khi đã làm bố của hai đứa trẻ con, anh Toàn vẫn chẳng thay đổi là mấy, thậm chí nhiều lúc cái miệng còn vô tư hơn trước.
Cả hai vợ chồng chị đều là công chức bình thường, lương tháng tằn tiện cũng chỉ đủ ăn đủ tiêu. Thế nhưng, anh Toàn luôn tỏ ra rộng rãi với bạn bè. Đi uống nước hay cà phê, đôi khi làm cốc bia giải khát với hội bạn thân, anh đều hào phóng nhận phần trả tiền. Chị có phàn nàn thì anh phẩy tay: “Ôi dào, có một hai trăm nghìn, ai lại tính toán thiệt hơn với bạn bè!”. Ấy vậy mà mỗi tháng vài lần như thế, cái sự “rộng rãi” của anh cũng tiêu tốn ít thì một triệu, nhiều hơn thì đến gần hai triệu đồng chứ ít ỏi gì. Cuối tháng nào anh Toàn cũng phải nhăn nhó chìa tay bảo vợ đưa tiền đổ xăng, chị Tâm cũng chỉ biết thở dài.
Cưới nhau đã gần chục năm, anh chị vẫn phải đi thuê nhà. Thế nhưng mỗi lần có bố mẹ hay họ hàng ở quê lên chơi, anh đều khẳng định chắc nịch: “Tiền mua nhà đã có thừa, chỉ có điều mãi chưa tìm được chỗ nào ưng ý”.
Ảnh minh họa
Chị Tâm nghe vậy mà than thầm trong bụng, tích cóp cả chục năm trời mới được hai trăm triệu chứ nhiều nhặn gì đâu. “Khoe” thế chưa đủ, anh Toàn còn cố thể hiện cho khách thấy cái oai của người đàn ông trong nhà bằng cách sai bảo, hạch sách vợ. Chị Tâm bực lắm, nhưng cố nhịn để giữ chút thể diện cho chồng.
Ở nhà đã vậy, mỗi lần về quê, cái tính thích khoe của anh Toàn dường như lại càng có dịp “bung” ra. Chỉ là một anh công chức quèn, lương ba cọc ba đồng nhưng anh lại cứ khoe khoang là làm thêm dự án này, dự án nọ bên ngoài, kiếm được khá lắm. Anh em họ hàng ở quê nghe thế cứ mắt tròn mắt dẹt mà thán phục, mấy bà vợ thì huých tay chồng: “Đấy, chồng người ta như thế chứ!”.
Mà của đáng tội, nhìn vợ chồng con cái anh đi ô tô về quê oách thế, ai mà không tin cho được. Họ có biết là anh đi thuê xe tự lái, cốt để có cái mà hãnh diện với họ hàng đâu. Chỉ có chị Tâm thầm xót ruột, bởi mỗi chuyến về quê như vậy, tiền thuê xe rồi đổ xăng, mua quà cáp cho bố mẹ, họ hàng theo yêu cầu của anh tốn một khoản không ít. Và đương nhiên khi đó, vợ chồng chị phải tiêu lạm vào số tiền định dành ra để tiết kiệm mua nhà. “Đẹp mặt” được chốc lát, nhưng anh khiến cả gia đình phải chịu cảnh thuê nhà chật chội dài dài, chưa biết khi nào mới thoát được.
Ngày tháng trôi qua, chị Tâm vẫn đang đau đầu tìm kế sách để chồng bớt đi cái tật thích “nổ” cho oai. Chợt vợ chồng chị nhận được điện thoại của mẹ chồng bảo về quê có việc gấp. Gấp nhưng anh Toàn vẫn không chịu đi xe máy mà vẫn phải đi thuê xe ô tô, bắt vợ con ăn mặc đẹp rồi mới về.
Thì ra là chuyện chuẩn bị đám cưới cho cô em gái út của anh. Vốn dĩ định là sang năm mới tiến hành, nhưng đột nhiên “bác sĩ bảo cưới”, thế là nháo nhào hết cả lên. Bố mẹ gọi vợ chồng chị về là để bàn việc sửa nhà gấp (sợ họ nhà trai đến chê nhà dột nát), rồi tính chuyện cỗ bàn và lo của hồi môn cho cô em. Ngặt nỗi đàn lợn chưa đến kì bán, vườn cây ăn quả cũng chưa thể thu hoạch được, ông bà không biết xoay đâu ra tiền. Mới chỉ nói đến vậy, chưa ai đề nghị gì nhưng anh Toàn – với tư cách là con trưởng đã vung tay bảo: “Bố mẹ khỏi lo!”.
Ảnh minh họa
Nghe anh nói sẽ bỏ tiền ra sửa nhà, “hỗ trợ” việc cỗ bàn, rồi “tặng” cô em út một cây vàng làm của hồi môn, chị Tâm vô cùng choáng váng. Thực hiện hết những điều ấy thì coi như cuốn sổ tiết kiệm dành mua nhà của anh chị cũng “cuốn theo chiều gió”. Nhưng giờ mà nói lại thì vừa làm chồng mất mặt, lại vừa bị coi là có tiền mà ki bo kẹt xỉ với gia đình chồng. Có ai biết rằng chị phải tính toán chi li đến từng bữa ăn, từng hộp sữa mua cho con đâu, chỉ biết bố mẹ chồng chị được dịp mát mặt với họ hàng vì có cậu con trai giỏi giang, thành đạt.
Suốt mấy ngày nay, bữa cơm của gia đình anh chị quanh đi quẩn lại chỉ có rau với đậu, lạc, đổi bữa thì cá khô, muối vừng. Đến ngày thứ tư thì bọn trẻ kêu ầm lên, mà anh Toàn cũng không nuốt nổi nữa. Rồi thì đứa nhỏ khóc mếu vì đột nhiên bị cắt khoản sữa, đứa lớn phụng phịu vì quần áo đã cũ hết mà mẹ chưa mua mới cho. Hỏi vợ thì chị thủng thẳng bảo: “Bóp mồm bóp miệng để anh về quê còn thể hiện là người “kiếm tiền như nước”. Mà thím anh vừa gọi điện, nhờ em nói lại là thằng cả nhà thím mới thất nghiệp, nhờ anh xin cho một chân trong mấy dự án đang làm đấy!”.
Mặc anh Toàn vò đầu bứt tai, lần này chị Tâm quyết không đi vay mượn, xoay sở gì cả, phải để anh thấy rõ vì một phút sĩ diện của mình mà vợ con khốn khổ thế nào.