Khói mù bao phủ Đông Nam Á
Indonesia vẫn chưa sẵn lòng chấp nhận lời đề nghị giúp đỡ từ các nước láng giềng bất chấp tính chất nghiêm trọng của vấn đề khói mù trong năm nay.
Số liệu mới nhất của Bộ Y tế Indonesia cuối tuần rồi cho biết gần 900.000 người dân nước này bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do ảnh hưởng của khói mù từ các vụ cháy rừng và than bùn bao phủ nhiều khu vực trên các đảo Borneo và Sumatra trong vài tháng qua. Cháy rừng và than bùn xảy ra thường xuyên ở Indonesia, nhất là trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 10, chủ yếu do các hoạt động canh tác nương rẫy.
Bất chấp tính chất nghiêm trọng của vấn đề khói mù trong năm nay, Indonesia vẫn chưa sẵn lòng chấp nhận lời đề nghị giúp đỡ từ các nước láng giềng. Trong bài xã luận đăng ngày 21-9, báo Jakarta Post chỉ trích chính phủ Indonesia vì khăng khăng tự mình xử lý vấn đề. Tờ báo cũng đặt dấu hỏi về cam kết của Indonesia đối với Hiệp định ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, trong đó có nêu khuôn khổ giải quyết vấn đề này. "Cư dân bị ảnh hưởng bởi khói mù ở Indonesia và các nước láng giềng có quyền đặt câu hỏi về cam kết của Indonesia không chỉ đối với việc tuân thủ một hiệp ước khu vực về khói mù, mà còn đối với cả sức khỏe của công dân và của các nước láng giềng" - bài xã luận nhấn mạnh.
Theo báo Malay Mail, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) gần đây công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy khói đen cuồn cuộn bốc lên từ các đám cháy rừng hoành hành ở tỉnh Kalimantan - Indonesia. Nhà khoa học người Mỹ Robert Field đánh giá cuộc khủng hoảng này đã đạt mức độ nghiêm trọng chưa từng thấy kể từ năm 2015.
Theo hãng tin Kyodo, khói mù đã ảnh hưởng đến chất lượng không khí không chỉ ở Indonesia mà cả ở Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines. Tại Thái Lan, thành phố Hat Yai thuộc tỉnh Songkhla hôm 22-9 đã hứng chịu đám khói mù dày đặc nhất kể từ khi xảy ra khủng hoảng cháy rừng ở Indonesia trong năm nay. Cùng ngày, chất lượng không khí ở Singapore quay trở lại mức không tốt cho sức khỏe khiến bầu trời u ám vì khói mù. Một số chuyến bay giữa nước này và TP Ipoh - Malaysia đã bị hủy do tầm nhìn kém, theo hãng tin Bernama.
Một khu vực ở TP Hat Yai tại Thái Lan chìm trong khói mù hôm 22-9. Ảnh: BANGKOK POST
Tại Malaysia, nhà chức trách giáo dục bang Selangor thông báo 57 trường học ở các quận Kuala Langat và Klang bị đóng cửa trong ngày 23-9 do chất lượng không khí kém. Trước đó, khói mù đã buộc hàng ngàn trường học ở nước này lâm vào cảnh tương tự trong lúc hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ. Bộ Nguồn nhân lực Malaysia khuyến nghị các chủ sử dụng lao động thực hiện chính sách làm việc linh hoạt trong giai đoạn khói mù diễn ra và cho phép người lao động làm việc tại nhà.
Khói mù cũng đã được phát hiện ở miền Trung và miền Nam Philippines hôm 20-9. Cơ quan Môi trường, Tài nguyên và Năng lượng Khu tự trị Bangsamoro trên đảo Mindanao đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng khói mù xuyên biên giới cho các địa phương thuộc khu vực này. Cảnh báo được đưa ra sau khi có tin khói mù xuất hiện từ các vụ cháy rừng ở Indonesia đang ảnh hưởng đến các quốc gia như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Papua New Guinea, Timor Leste và Philippines.
Theo báo Manila Times, khói mù là một hiện tượng trong khí quyển - nơi bụi mịn, khói, hơi và các phần tử khô trong không khí làm lu mờ bầu trời và ảnh hưởng đến chất lượng không khí do hậu quả của cháy rừng và các chất gây ô nhiễm. Tại Philippines, một số khu vực ở các đảo Palawan, Visayas và Mindanao đã báo cáo về ảnh hưởng của khói mù. Người dân nước này được khuyến cáo đeo khẩu trang bất cứ khi nào ra khỏi nhà, vì khói mù có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe như ho, hen suyễn và các bệnh về đường hô hấp khác. Những người mắc các bệnh này được khuyên hạn chế ra ngoài trong thời gian xảy ra khói mù.