Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Khôi hài chuyện sắm áo giáp hàng nghìn USD để... dạo phố

Theo Nguoiduatin,
Chia sẻ

Thời gian gần đây, nhiều tay chơi chuyển sang xu hướng sắm thời trang "bảo vệ tính mạng" - áo giáp chống đạn, chống dao đâm - khi dạo phố với giá siêu đắt có thể lên tới hàng nghìn USD.

Anh hùng” phải biết... phòng thân

Thời gian gần đây, những vụ đâm thuê, chém mướn chỉ vì "ngứa mắt" ngày một gia tăng khiến nhiều người khi ra đường sợ vạ lây. Đặc biệt, những "chiến binh" thích "dạt vòm", "bay đêm" luôn phải đối mặt với các vụ va chạm, ẩu đả gây nguy hiểm tới tính mạng. Cũng bởi thế, nhiều tay chơi vì muốn đảm bảo an toàn cho mình cũng đầu tư mua một chiếc áo giáp, thậm chí còn "thửa" hẳn hàng Mỹ, Nhật giá hàng nghìn USD chỉ để ... dạo phố.

Trên mạng rao bán nhiều loại áo giáp chống đạn
 
"Áo giáp anh hùng" - đó là tên gọi mà những dân chơi tự đặt theo tựa đề của một trò chơi cùng tên trên mạng. Bất kỳ một loại áo giáp nào rao bán trên thị trường cũng được gọi với cái tên "áo giáp anh hùng". Bởi theo quan niệm của họ, anh hùng là phải biết phòng thân. Trên nhiều diễn đàn, các bạn trẻ đưa ra 1001 lý do vì sao họ nảy ra ý tưởng sắm áo giáp khi ra đường. Họ e rằng những lý do lãng xẹt, vớ vẩn cũng trở thành nguyên cớ cho những vụ ẩu đả, chém giết.

Áo giáp chống đạn thuộc danh mục hàng cấm

Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định rõ: Áo giáp thuộc danh mục công cụ hỗ trợ cấm lưu thông trên thị trường. Pháp lệnh này nghiêm cấm mua bán trái phép, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đối với Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ. Bộ trưởng Bộ Công an cũng quy định việc bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đối với các đối tượng khác.

 
Hàng loạt những tựa đề: "Tôi muốn mua áo giáp... dạo phố”; "Có ai biết mua áo giáp chống đạn, chống dao đâm ở đâu?"; "Tôi muốn đặt hàng một chiếc áo giáp Mỹ để phòng thân khi ra đường"... liên tục được những tay chơi tung lên các diễn đàn.

Mượn câu chuyện sắm áo giáp diện phố, nhiều tay chơi công cụ hỗ trợ trên mạng đồn thổi thiếu gia T "nút" ở Hà Nội vừa "tậu" cho mình một chiếc áo giáp Mỹ. Nghe đâu chiếc áo đó tốn đến 1.500 USD. Theo tự bạch của T "nút", từ ngày tốt nghiệp phổ thông, T gia nhập đội bạn chuyên "dạt vòm". Vốn gia đình giàu có, lại có bố thuộc hàng đại gia đất Hà thành, T lao vào chơi bời không bờ bến. Cuộc sống của T lấy đêm làm ngày, những lần dạt nhà tăng lên theo cấp số nhân.

Những "cuộc bay" của nhóm T thường bắt đầu từ 2 - 3h sáng. Sau khi đã lên sàn, ngồi uống rượu chán, cả nhóm về nhà của một ai đó trong nhóm "bay". Sau  những cuộc "nhảy múa hát ca", nhóm T lại rồ ga phi ra đường như những kẻ điên dại. Và đó cũng là lý do mà một gã tay chơi con nhà giàu như hắn hay chạm mặt với dân anh chị. Đã hơn 2 lần, T say xỉn đi trên đường va quệt với nhóm thanh niên đầu gấu bị chém xệ vai, giập lá lách và phải nhập viện cấp cứu. Dù sau những lần va chạm với đám anh chị, T đã hạn chế những cuộc "dạt vòm", nhưng mỗi lần ra đường, kể cả đi dạo, T cũng  phải diện áo giáp phòng thân.

Câu chuyện thiếu gia T "nút" sắm áo giáp chỉ đi dạo phố không biết thực hư đến đâu, nhưng trên mạng nhiều tay chơi thích chơi trội tìm kiếm, săn áo giáp hàng "thửa" từ Mỹ, Nhật, Nga với giá cả... nghìn "đô" không phải là chuyện lạ.

Áo giáp - muôn hình vạn dạng

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay trên thị trường rao bán nhiều loại áo giáp chống đạn, chống dao đâm... Tuy nhiên, mặt hàng này được rao bán ngầm trên mạng và chủ yếu là hàng nhái. Áo giáp sản xuất tại Việt Nam được các tay chơi ví von là áo dành cho "con nhà nghèo". Nhưng theo quảng cáo của M.C (chuyên cung cấp áo giáp chống dao đâm trên mạng), áo giáp sản xuất tại Việt Nam là hàng vừa tiền, giá từ 500- 800 nghìn đồng/chiếc có thể chống được một số loại đạn cơ bản. "Áo giáp made in Việt Nam có thể chống các loại đạn bộ binh thông dụng như K54, AK..., có trọng lượng vừa phải  từ 2,2 - 5kg, giá thành thấp hơn sản phẩm nhập ngoại mà vẫn có tính năng bảo vệ tương đương", M.C khẳng định.

Cũng theo tư vấn của M.C, các tấm áo giáp của Việt Nam được chế tạo chủ yếu từ các sợi Kevlar 129, Spectra 1000; Boron... Hàng này là hàng đặt, có bảo hành hẳn hoi, khách hàng có thể dùng dao thử ngay tại chỗ. Đây là áo giáp đơn thuần kiểu 3 lỗ che ngực và thân chứ không che tay chân. Áo giáp chống đạn được sản xuất theo tiêu chuẩn Bộ Quốc Phòng Trung Quốc với 28 loại hợp kim được rao bán là hàng bán chạy nhất hiện nay. Áo bảo vệ hoàn toàn vùng ngực, bụng ở phía trước và toàn bộ phần lưng ở phía sau của người sử dụng.

Nhấp chuột vào các shop bán công cụ hỗ trợ trên mạng, tôi gọi điện cho T.G (ở phố Bùi Xương Trạch - Thanh Xuân, Hà Nội) - người chuyên cung cấp áo giáp, găng tay chuyên dùng, giáp đầu gối... và nhận ngay được lời tư vấn mùi mẫn: "Đi phượt là thỏa đam mê, thỏa chí tang bồng, thỏa cái lòng kẻ lãng du nhưng điều cần nhất là phải an toàn, có an toàn thì chuyến đi mới trọn vẹn được. Mình có vài đồ dùng chuyên cho đi xe mô tô, mời bạn ghé chân... xem chơi, đảm bảo hàng xịn, giá rẻ. Mình còn có cả hàng dao đâm không thủng, đạn bắn không đau".

Mẫu vải được quảng cáo thiết kế áo giáp đạn không xuyên thủng

Trên mạng, những người chuyên bán công cụ hỗ trợ đồn thổi, những loại áo giáp chống đạn, chống dao đâm "thửa" từ Mỹ, Nga, Nhật... được dân chơi "sính" hơn cả. Tuy nhiên, những loại áo giáp này phải đặt hàng trước, sau 2 tháng mới có. Áo giáp của Nga, Nhật được rao bán xấp xỉ 1.000 USD, áo giáp của các nước Trung Đông cũng khoảng 700 - 800USD.

T.G quảng cáo: "Hiện nay, trên thế giới đã chế tạo được cả mũ, khiên, cặp bảo vệ chống đạn. Phần lớn chúng đều được tạo từ các sợi siêu bền như cacbon, gốm, polyethylene... và vật liệu composite. Áo giáp chống đạn của Nga được liệt vào hàng "khủng"".

T.G khoe mẽ: "Hàng "thửa" đảm bảo đạn găm không thủng. Áo sản xuất trong nước trọng lượng 2kg chống được đạn AK là hoàn toàn có thể, vấn đề là người sản xuất ở trong nước có nhập được loại sợi kháng lực hay không thôi. Còn bên Mỹ, có cả dòng áo chống đạn dành cho doanh nhân, nhỏ gọn, thời trang, thậm chí là dưới dạng áo sơ mi, áo vét, áo len, đảm bảo mặc trong áo sơ mi mùa hè không ai biết, chống dao hoàn hảo và chống được đạn súng lục bắn cự ly xa, nhưng giá đắt, hơn 1.000 USD".

Trên mạng, chủ nhân các shop bán công cụ hỗ trợ rao bán áo giáp chống đạn, chống dao đâm tung ra hàng loạt các chiêu câu khách. Tuy nhiên, họ không rao hàng trực tuyến và oder trên mạng. Tất cả mọi giao dịch được liên lạc qua điện thoại. Điều đặc biệt, giá của những mặt hàng này đều là giá... thoả thuận. Có một điểm đáng lưu ý là chủ nhân của những shop công cụ hỗ trợ này đều rất "tỉnh táo", họ nhận đặt hàng và rao hàng một cách lén lút. Nếu có chút nghi vấn về khách hàng là họ... từ chối thẳng thừng.
 

Loại công cụ có mối quan hệ gần gũi với bạo lực

Trước xu hướng mua áo giáp để phòng thân của nhiều tay chơi, nhà xã hội học Trịnh Hoà Bình cho biết: "Áo chống đạn là hàng cấm, giống như hung khí được một bộ phận giới trẻ tàng trữ. Hung khí dùng để tấn công, còn áo chống đạn dùng để phòng vệ. Nhưng phòng vệ trong trường hợp này cũng được hiểu như tấn công. Việc mua áo chống đạn không chỉ rõ tính chất bị động trong việc này. Nó đều có một mẫu số chung, tức là một bộ phận giới trẻ cảm thấy bất an trong xã hội hiện tại. Không ai có thể biện minh cho việc làm này, vì xét đến cùng nó thể hiện một sự lệch lạc, một hành vi lệch chuẩn trong ứng xử xã hội. Chúng ta không thể quy kết người sử dụng, tàng trữ áo giáp chống đạn là tội phạm, nhưng rõ ràng là có mối quan hệ gần gũi với bạo lực. Họ không thừa nhận xã hội hiện tồn và sự bảo vệ của pháp luật. Mỗi thành viên trẻ mà tàng trữ công cụ hỗ trợ thì cũng manh nha bước qua lằn ranh chuẩn mực xã hội ...".

Chia sẻ