Khỏe người nhờ vị thuốc từ cây gia vị

,
Chia sẻ

Khi nấu nướng, nếu bạn cho thêm loại rau gia vị phù hợp, không những tăng hương vị tuyệt vời cho món ăn mà chắc chắn là bạn còn bổ sung những lợi ích về sức khỏe cho gia đình.

Cây hẹ

Cây hẹ được dùng phổ biến trong dân gian để chữa ho, cảm mạo, táo bón, trị giun kim, đau răng… Đông y lý giải, lá hẹ để tươi có tính nhiệt, nhưng khi nấu chín thì có tính ôn (ấm), vị cay, đi vào các kinh can, tỳ và vị, có tác dụng ôn trung, hành khí, tán độc,… Hạt và rễ hẹ cũng có tính ấm, vị cay ngọt, đi vào kinh can, thận, chữa đái dầm, táo bón, trị giun kim... Củ hẹ tác dụng ôn trung, kiện vị, hành khí...

Bài thuốc hay từ cây hẹ:

- Chữa ho cho trẻ: Lấy lá hẹ tươi rửa sạch, cắt nhỏ, thêm đường phèn cho vào bát hấp chín. Cho trẻ uống dần trong ngày 2 - 3 lần.

- Chữa táo bón: Dùng hạt hẹ rang vàng, giã nhỏ. Hòa nước sôi uống ngày 3 lần, mỗi lần uống 5g.

- Cảm mạo, ho do lạnh: Lá hẹ 250g, gừng tươi 25g đem hấp chín, có thể thêm đường cho dễ ăn.

- Chữa đau răng: cây hẹ giã nhuyễn, đặt vào chỗ răng đau.

- Trị giun kim: giã rễ hẹ lấy nước uống.

Cần tây

Cần tây là loại rau gia vị rất tốt cho người huyết áp cao và béo phì.

Chất hoá học tự nhiên apigenin có trong cần tây giúp trị cao huyết áp và làm hạ cholesterol, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, thiếu máu, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể.

Đối với phụ nữ, loại gia vị này giúp điều hoà kinh nguyệt, tăng khả năng thụ thai và đặc biệt có thể là trợ thủ đắc lực của chị em trong giảm cân nặng.

Dùng nước ép rau cần tây dùng súc miệng hàng ngày có thể chữa được lở loét miệng, viêm họng và khản tiếng.

Ăn cần tây với cháo nóng hoặc ăn sống, nấu canh, xào... có thể giúp trị chứng cảm cúm.

Tía tô

Dân gian vẫn thường dùng tía tô để chống cảm cúm, cảm lạnh, sốt, không ra mồ hôi, chống nôn, tăng cường tiêu hóa, trị ho hen, làm long đờm, giải độc…

Khi bị cảm cúm, ăn một bát cháo hành, tía tô sẽ giúp đẩy lùi cảm lạnh một cách nhanh chóng.

Ngoài ra, Đông y có bài thuốc chữa trúng độc, đau bụng do ăn cua cá rất hữu hiệu từ cây tía tô: Lá tía tô 10g; gừng 8g; cam thảo 4g; nước 600ml đem sắc lấy nước đặc uống nóng ngày 3 lần.

Rau mùi (rau ngò)

Cả cây, quả mùi đều có thể được dùng làm vị thuốc chữa bệnh trong Đông y và Tây y.

Quả mùi có vị cay, tính ôn, có tác dụng phát tán, long đờm, làm thuốc tiêu cơm, thông khí bụng dưới, kích thích tiêu hóa... Dân gian hay dùng cây mùi già đun nước tắm để làm mát da và mịn da.

- Chữa ít sữa: Lấy lá rau mùi khô 50 g, hạt mùi 20 g. Sắc đặc, uống mỗi lần 1 chén, ngày 2 lần. Hoặc dùng 12 g hạt mùi, gạo nếp lức 30 g, nấu cháo ăn cũng giúp lợi sữa.

- Chữa ho: mỗi ngày dùng 4-10g quả mùi hoặc 10-20g lá cây tươi sắc lấy nước uống hay ngâm rượu.

- Chữa sởi cho trẻ: dùng lá hoặc hạt giã nhỏ, nhuyễn, với ít rượu trắng, cho vào bọc vải xoa nhẹ lên người từ trên xuống tay chân (trừ mặt).

- Trị tiêu chảy: Dùng hạt mùi khoảng 8g trong 1 ngày, sao lên cho thơm, rồi uống với nước.

- Trị chứng đầy hơi, không tiêu: Rau mùi một nắm, vỏ quýt 8-10 g. Sắc uống khi nước còn ấm.

Húng chanh

Tinh dầu húng chanh có chất kháng sinh mạnh, có thể được dùng trị ho, cảm cúm, tiêu đờm, sát khuẩn…

Bài thuốc với lá húng chanh có thể được dùng cho cả người lớn và trẻ nhỏ.

- Trị cảm cúm: lấy 30 - 40g lá húng chanh tươi, sắc uống nóng, có thể thêm đường cho dễ uống.

- Chữa ho, viêm họng, khản tiếng: lá húng chanh tươi, rửa sạch ngậm với muối, cắn nhẹ trong miệng, hút lấy nước.

Cũng có thể giã nát nắm lá húng chanh rồi vắt lấy nước, ngày uống 2 lần.

- Trị hôi miệng: Dùng một nắm húng chanh khô, sắc lấy nước đặc để súc miệng và ngậm. Ngậm thường xuyên nhiều lần trong ngày, chỉ sau vài ngày có thể thấy hiệu nghiệm, hết hôi miệng.
 
Thì là (Thìa là)

- Trị đái rắt: Lấy một nắm thì là tẩm chút muối, sao vàng, tán thành bột, ăn dần.
 
- Trị chứng sốt rét: Dùng hạt thì là tươi, giã, vắt lấy nước uống hoặc dùng hạt thì là khô tán thành bột, sắc lấy nước uống.

- Trị chứng thận suy, tỳ yếu: Lấy quả thì là sắc uống hằng ngày, mỗi ngày 50-100g. Uống một đợt từ 5-7 ngày.

Minh Trang
(Tổng hợp)
Chia sẻ