Khó tin thế kỷ 21: Những chung cư chết khát ở Thủ đô
Thời gian dài mất nước hay sử dụng nước bẩn vượt mức cho phép đang là thực tế nhức nhối tại nhiều khu chung cư. Chưa bao giờ vấn đề nước sinh hoạt lại đáng báo động như hiện nay.
Từ khi đi vào vận hành đường ống nước sông Đà - nội thành Hà Nội đã vỡ 9 lần. Chỉ từ đầu năm tới nay, hệ thống này đã nhiều lần gặp sự cố khiến người dân thủ đô phải chịu cảnh mất nước triền miên, gây bất tiện trong sinh hoạt của người dân. Từ đó cũng bộc lộ những bất cập trong việc cung cấp nước tại nhiều khu đô thị.
Hơn 1 tháng qua, tại khu chung cư Đại Thanh (Thanh Trì), tình trạng thiếu nước ngày một trầm trọng. Theo các cư dân ở khu đô thị này, ban đầu mỗi ngày còn được bơm nước 3 lần, mỗi lần khoảng 1 giờ liên tục, với lưu lượng đủ dùng cho tất cả tầng. Kế đến, mỗi ngày chỉ bơm được 2 lần, thời gian rút xuống còn khoảng 30-45 phút, áp lực nước rất yếu. Sau đó là bơm luân canh, một nửa số tầng có nước còn nửa kia thì không. Thậm chí, có ngày không có lấy một giọt nước khiến người dân phải huy động nước bằng mọi cách.
Chủ đầu tư cũng đã xoay xở khi tìm thêm nguồn cung cấp nước khác, ngoài CTCP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco) là nhà máy nước Thanh Trì, đồng thời thi công thêm một tuyến đường ống dài khoảng 1,3 km để gia tăng áp lực nước đến khu đô thị, nhưng chưa xong nên tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Tại khu chung cư Nam Đô Complex, tình trạng nước bẩn đã gây bức xúc cho nhiều cư dân sống trong khu chung cư này. Suốt một thời gian dài, người dân nơi đây đã phải dùng nước sinh hoạt với chất lượng không đảm bảo, thường xuyên đục, lắng cặn.
Kết quả thanh tra của Sở Y tế Hà Nội và Phòng cảnh sát môi trường Hà Nội ngày 24/4 cho thấy, chỉ tiêu Nitrit/Nitrite vượt quá giới hạn cho phép từ 1,6 đến 3,2 lần theo tiêu chuẩn, không đảm bảo chất lượng nước ăn uống sinh hoạt.
Mới đây, tại dự án Mỹ Đình 2, hàng nghìn người dân bàng hoàng trước thông tin Bộ Y tế kiến nghị dừng hoạt động của Trạm cấp nước Mỹ Đình II do kết quả xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt của trạm này cung cấp có nồng độ Asen cao gấp 4 lần mức cho phép. Việc dừng cấp nước sinh hoạt đột ngột, theo yêu cầu của Bộ Y tế, trong khi không có nguồn nước khác thay thế kịp thời khiến sinh hoạt của cư dân khu đô thị này bị đảo lộn nghiêm trọng.
Tại nhiều dự án chung cư khác, người dân cũng rất hoang mang về chất lượng nước sinh hoạt bởi không phải ai cũng có khả năng phân tích, đánh giá chất lượng nước.
Bao giờ “hết khát”?
Trước tình hình nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội thường xuyên mất nước, cuối tháng 5/2014, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì cuộc họp yêu cầu các đơn vị liên quan khắc phục ngay. Ông chỉ đạo: “Phải cải tạo, bổ sung ngay mạng lưới cấp nước sạch. Đừng để chung cư cao cấp cũng như khu tái định cư dân không dám đến ở vì thiếu nước”.
Lãnh đạo UBND TP cũng yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội phải đi rà soát các khu vực dân còn “khát nước”, đồng thời cũng phải xử lý các đơn vị sử dụng nước sạch không đúng mục đích gây lãng phí, ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân.
Đối với việc mất nước nhiều ngày tại chung cư Đại Thanh, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã yêu cầu Viwaco tăng áp nước, cung cấp đủ 1.800 m3 nước mỗi ngày theo cam kết cho khu chung cư này; Ban quản lý dự án Đại Thanh có giải pháp phân phối đều nước cho 6 bể chứa của các tòa nhà...
Về vấn đề này, Ban quản lý dự án Đại Thanh cho hay đơn vị này đang lắp đặt thêm một đường ống cấp nước công suất 500m3 mỗi ngày để cung cấp nước cho cư dân và đề nghị thành phố cấp thêm một nguồn nước nữa từ Công ty nước sạch Hà Đông.
Tại dự án Nam Đô, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có văn bản giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, UBND TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan kiểm tra và khẩn trương khắc phục tình trạng ô nhiễm nước sinh hoạt tại các khu chung cư.
Về biện pháp khắc phục tình trạng nước sạch nhiễm Asen tại khu đô thị Mỹ Đình 2, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết Sở đã có công văn đề nghị dừng cấp nước để cải tạo, khắc phục đến khi chất lượng nước đảm bảo mới cấp trở lại.
Ngoài ra, các giải pháp tình thế đã được triển khai ngay, như HUDS đưa các xe téc bơm nước vào bể chứa của các tòa nhà để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Người dân cũng phải chật vật xoay sở bằng cách dự trữ nước, mua thêm nước đóng bình, thay đổi thời gian tắm rửa, nấu nướng...
Hà Nội cũng đang khẩn trương lập dự án đầu tư tuyến ống truyền dẫn cấp nước mới từ Hòa Lạc về đường vành đai III (Hà Nội) và nghiên cứu xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng tại huyện Đan Phượng để hóa giải mối lo đường ống nước mặt sông Đà liên tục gặp sự cố.
“Hiện nay TP đã đưa ra rất nhiều giải pháp khắc phục. TP đã yêu cầu làm ngay đường ống nước sạch số 2 từ sông Đà về Hà Nội. Trước mắt sẽ làm 10km đường ống chạy qua vùng đất yếu thường xuyên bị vỡ. Nếu trong tháng 9/2014, phía Vinaconex không khởi công, TP sẽ đứng ra làm chứ không trông chờ vào họ nữa” - ông Hùng trả lời trong buổi họp của HĐND TP.
Theo quy hoạch cấp nước Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có 24 nhà máy nước, trong đó có ba nhà máy nước mặt là Sông Đà, Sông Hồng, Sông Đuống, với tổng công suất cấp nước năm 2020 là 1,14 triệu mét khối/ngày, đêm. Hệ thống khai thác nước mặt sẽ dần thay thế cho nguồn nước ngầm. Bởi đến năm 2020 và 2030, có 3 nhà máy sẽ lần lượt ngừng khai thác là Hạ Đình, Tương Mai và Pháp Vân.