Khó tin nhưng có thật: Hàng xóm dựng vợ gả chồng, Gen Z tức đến phát khóc vì bị bố mẹ giục cưới

Trần Hà,
Chia sẻ

Khi chưa lấy chồng cũng là một cái tội!

Mới đây trên mạng xã hội Threads, một cô gái chia sẻ tin nhắn với nội dung “tức đến phát khóc” khi bất ngờ bị bố mắng chỉ vì hàng xóm đã dựng vợ, gả chồng còn mình thì… độc thân.

Khó tin nhưng có thật: Hàng xóm dựng vợ gả chồng, Gen Z tức đến phát khóc vì bị bố mẹ giục cưới- Ảnh 1.

Cô gái bật khóc khi bị bố giục đi lấy chồng sau khi hàng xóm lấy vợ. Nguồn: _ngocuyeen_.

Câu chuyện “dở khóc dở cười” này thu về lượng tương tác khủng, bởi chạm đúng tâm lý số đông, đặc biệt là các bạn gen Z, đang ở độ tuổi 24-28 tuổi. Chuyện bị bố mẹ, họ hàng, hàng xóm giục cưới diễn ra như cơm bữa, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người trẻ, khiến họ ái ngại về quê hay tham gia các buổi tụ họp họ hàng mỗi khi đến dịp lễ, Tết, đặc biệt là trong đám cưới.

Gen Z bị giục cưới nhiều đến mức tức phát khóc

Nhiều bạn trẻ chia sẻ câu chuyện tương tự, khi có ai đó cùng tuổi hoặc ít tuổi hơn cưới vợ thì hội phụ huynh liền nhắc nhở con mình cũng phải kết hôn. Netizen bình luận: “Mình cũng như bạn, hôm rồi đang nói chuyện điện thoại vui vẻ với mẹ, cho đến khi mẹ bảo cái Lan bạn mày cũng có con học cấp 1 rồi đó, rồi cái Phúc mới cưới nữa. 

Tôi chỉ nói là con vẫn đang thấy ổn, chưa sẵn sàng đám cưới, thế là mẹ mắng tôi, nói tôi suy nghĩ nông cạn, không cưới sớm, không có con sớm sau này khổ. Một câu chuyện nhưng mẹ cứ nói mãi, sau một hồi nói lại với mẹ không được, mình cúp máy và khóc ngon lành”, “Cuộc hội thoại gần đây của tui với bố tui là ‘Mày liệu mà lấy chồng đi’”,....

Khó tin nhưng có thật: Hàng xóm dựng vợ gả chồng, Gen Z tức đến phát khóc vì bị bố mẹ giục cưới- Ảnh 2.

Gen Z áp lực đến phát khóc khi người khác cưới và bị bố mẹ giục. Ảnh minh họa.

Nhiều Gen Z cho hay không chỉ bố mẹ mà áp lực cưới chồng còn đến từ 1001 người khác như bác hàng xóm, cô chú họ hàng hay thậm chí là cả những đồng nghiệp lớn tuổi hơn trong công ty. Đỉnh điểm là mỗi khi có ai đó tổ chức đám cưới hay chỉ đơn giản là chia sẻ câu chuyện đi ăn cưới bạn bè với gia đình, người thân thì nhiều Gen Z lại trở thành “tội phạm” trong mắt bố mẹ chỉ vì chưa kết hôn hoặc không có ý định lấy vợ, gả chồng.

Dường như việc kết hôn của con cái đang trở thành nỗi ám ảnh với phụ huynh và là nỗi sợ của nhiều bạn trẻ ngày nay. 

“Deadline của sếp còn có thời hạn chứ việc lấy chồng, lấy vợ là ba mẹ tớ nhắc mỗi ngày, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhiều đến mức tớ thấy sợ luôn”, “Có hôm mình gọi điện nói mẹ hôm nay con đi khám một mình vì ốm quá, mẹ cũng nói ‘đó có phải lấy chồng rồi là có người đi khám cùng không, mau lấy chồng đi nhé’. Vô lý hơn là một hôm đứa bạn thân tớ đám cưới, mẹ tớ còn bảo ‘thôi con đừng đi đám cưới làm gì chứ mẹ thấy mày đâu có ý định lấy chồng’. Thật sự là mình quá mệt rồi”, một netizen chia sẻ.

Theo nhiều bạn trẻ, không chỉ dừng lại ở việc hỏi han, dò hỏi đã có người yêu chưa, bao giờ lấy chồng mà nhiều bậc phụ huynh còn ép, thậm chí là dọa “cắt tên ra khỏi sổ hộ khẩu”, “đừng về nhà nữa” nếu chưa lấy vợ, lấy chồng. Thậm chí, nhiều ông bố, bà mẹ còn tìm người để mai mối cho con.

Bản thân chưa lo được thì kết hôn để làm gì?

Hầu hết các bạn trẻ đều chia sẻ rằng mặc dù áp lực, bực tức đến phát khóc khi bị giục lấy chồng - vợ nhưng họ vẫn chưa/không có ý định kết hôn. Bởi, thực tế họ còn có nhiều áp lực hơn trong công việc, cuộc sống. Nhiều bạn trẻ cho biết sau khi ra trường, tuy đã có công việc nhưng vẫn chưa thực sự ổn định, thu nhập bấp bênh… chưa thể lo được cho bản thân nên chưa dám nghĩ đến chuyện kết hôn.

“Sẽ thật đáng sợ hơn nếu lập gia đình, rồi sinh con mà cả hai vẫn chưa có nổi một khoản tiết kiệm, chưa có nhà, có xe, rồi sống thế nào”, “Bây giờ có phải như ngày xưa đâu, cũng có phải như sống ở quê đâu, ở thành phố chi phí cho hai vợ chồng và một đứa con rẻ cũng phải 20 triệu/tháng. Nghe đến đó thôi đã thấy áp lực rồi”, chia sẻ của netizen.

Khó tin nhưng có thật: Hàng xóm dựng vợ gả chồng, Gen Z tức đến phát khóc vì bị bố mẹ giục cưới- Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Hơn nữa, nhiều Gen Z cũng cho rằng họ cảm thấy bản thân đang còn rất trẻ tuổi. Thay vì kết hôn sớm, nhiều người trẻ dành thời gian cho việc học thêm ngoại ngữ, kỹ năng sống,.. hoặc đi du lịch để có thêm nhiều trải nghiệm tuổi trẻ, tìm được công việc với mức lương cao hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn. 

“Mình thấy bố mẹ cứ lo sợ quá chứ mình mới 25 tuổi, ra trường được hai năm, cũng có công việc, lương khoảng 20 triệu một tháng. Mẹ mình bảo thế là ổn rồi, lấy chồng đi nhưng thực tế mẹ mình đâu có biết công việc này rất bận rộn, nó gần như ngốn hết thời gian trong ngày của mình. Hơn nữa, hàng tháng mình vẫn phải gửi về quê cho mẹ, trả tiền nhà và các khoản sinh hoạt phí, dư lại cũng chẳng còn bao nhiêu. 2 năm đi làm chưa tích cóp được gì mà mẹ đã bắt lấy chồng”, một cô bạn chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ cũng cho hay vì quá bận rộn nên họ không có thời gian tìm người yêu hay nghĩ đến chuyện lập gia đình.

Chia sẻ