Khổ như đi chúc Tết sếp gặp… tắc đường

,
Chia sẻ

Từ Sơn La về Hà Nội chúc Tết, mang theo đặc sản là 1 cây đào rừng, nhưng tới khi gặp được sếp, ông M. đã không dám tặng đào bởi hoa đã theo… “Hà Nội mùa lá rụng”.

Chỉ tại tắc đường

Ông M. là Tổng giám đốc một công ty xây dựng, từ Sơn La xuống Hà Nội từ ngày 25 Tết. Chiều hôm đó, ông như “bắt được vàng” khi được sếp “đối tác” xếp cho cuộc hẹn 10 phút lúc 5h10. 16h30, ông đã lục tục rời khách sạn trên phố Nguyễn Khuyến về Thanh Xuân cho kịp “giờ vàng”.

Nhưng có lẽ, do lâu ngày không xuống Hà Nội, ông không thể ngờ rằng, quãng đường hơn 5km theo lộ trình: Lê Duẩn – Khâm Thiên – Tây Sơn – Láng – Lê Văn Lương đã ngốn của ông hết gần 1 tiếng đồng hồ- quá luôn “chỉ mười phút thôi nhé” mà ông sếp đã dặn.

Đào rừng, món quà đi chúc Tết được nhiều người lựa chọn Ảnh: Hà Lê

Rút kinh nghiệm giờ cao điểm, 15h ngày 26 Tết, ông đã “phục” trước cả tiếng đồng hồ đầu ngõ dù chưa được xếp vào lịch.

Tới tận 18h, gọi điện không được, ông M. liều bấm chuông gửi quà. Thế nhưng, không gặp được sếp, ông đã không dám gửi quà.

Thế là cây đào chỉ quen gió núi cao nguyên Mộc Châu của ông lại bị "vùi hoa dập liễu" giữa cảnh kẹt xe trên đường về lại khách sạn.

“Sáng 27, khi sắp bước vào phòng sếp, tôi đành để lại cây đào ở ngoài, chẳng dám tặng vì đào chả bằng ½ lúc mang đi, chỉ còn cành mà không còn hoa, lá”, ông M. ngán ngẩm.

Không khốn khổ như ông M., nhưng hoàn cảnh của chị Chung, nhân viên một công ty truyền thông trên đường La Thành cũng khiến chị phát khóc.

Trưa 26 Tết, chị mua được một cây Lan rất ưng ý ở cầu Trung Hòa, định bụng tặng sếp nữ. Nhưng chỉ sau quãng đường ngắn ngụp lặn trong cảnh tắc cứng ngay trên đường La Thành, về gần tới nhà thì hoa lá tả tơi, làm chị chỉ dám giữ lại, để trên góc bàn mình.

“Trưa 27, sau khi chọn lại một chậu Lan mới, tôi tỉ mỉ gói từng bông, sau đó lại bọc cả chậu hoa trong một bao nylon to rồi mới cho lên xe. Tới cửa nhà sếp, cẩn thận bỏ túi nylon, gỡ từng mảnh báo bao bộc mỗi búp. Nhưng than ôi, cánh hoa nát bét như ai vừa cầm kìm bóp vậy”, chị Lan than thở.

Để hạn chế cảnh vùi hoa dập liễu do kẹt xe, nhiều người đã tỉ mỉ trang bị 2 lớp bảo vệ cho hoa. Ảnh: Hà Giang

Rõ ràng, những ngày này, có việc phải đi lại trên những con phố ngạt mùi khói xe như Trường Chinh, Phạm Ngọc Thạch, Láng, Thái hà, La Thành…, “ngắm” những cành đào, cành lan “ngộp thở” trong cái nóng gần 30 độ của Hà Nội cuối đông, mới thấm thía thế nào là “vùi hoa dập liễu”.

Khi lãnh đạo cất ô tô, đi chúc Tết bằng xe máy

Ông chú tôi, lãnh đạo một Sở ở tỉnh miền Trung, mấy hôm nay ra Hà Nội chúc Tết thủ trưởng cũ, nay chuyển lên Bộ cũng kêu oai oái khi lần đầu là nạn nhân của cảnh tắc đường ở Hà Nội.

Ông than: 9h sáng, ra khỏi cổng Nhà khách trên phố Chu Văn An đã gặp tắc. Lại không quen đường nên phải vừa đi vừa hỏi. Người ta chỉ xong liền bảo: “Nhưng mà đường ấy tắc, không đi được đâu”.

“Hôm qua tới giờ, xe hơi chết gí ở nhà khách, chắc chỉ đêm mới dám mang ra đi. Mấy lần ra công tác, đi tàu cả, nay nghĩ có xe thì tiện hơn, ai ngờ…”, ông kể.

Nghe thế, tôi cũng đánh liều khuyên: “Đường Hà Nội bây giờ, đi xe máy nhanh hơn ô tô. Có thời gian thì chú đi ô tô, còn gấp quá, chú chịu khó bắt xe ôm, cho nó cơ động, miễn được việc”.

Thấy ông chần chừ, đoán ông ngại đi xe ôm vì nghe có vẻ… “hạ đẳng” với một quan chức to ở tỉnh, lại đi thăm thủ trưởng ở Thủ đô. Nhưng trưa nay nghe ông gọi điện, giọng phấn khởi: Chú “xong việc” rồi! nghe cháu, đi xe ôm, đỡ khổ ra bao nhiêu...
 
Theo Vietnamnet
Chia sẻ