Khổ như cung nữ nhà Thanh, ngủ không được ngửa mặt lên trời
Nhà Thanh quy định rõ ràng trong việc ngủ của các cung nữ, họ tuyệt đối không được ngửa mặt lên trời.
Ở thời phong kiến của Trung Quốc, hoàng tộc và hoàng đế được coi là những người thân thế cao quý nhất của đất nước, đặc biệt, vua chính là thiên tử. Ngài sống trong cung điện và xung quanh biết bao kẻ hầu người hạ.
Vì hoàng đế là nhân vật vô cùng quan trọng của một quốc gia nên việc chọn lựa người hầu rất được chú ý. Các thái giám hay cung nữ trong cung đều phải trải qua kỳ tuyển chọn gắt gao từ xuất thân cho tới thi tuyển kỹ năng mới được vào hậu cung.
Cung nữ là những người có địa vị thấp nhất trong cung. Vào hậu cung, họ phải học các quy tắc để hầu hạ chủ nhân từ cách trang điểm, đi đứng, ăn, ngủ đều có quy định rõ ràng. Trong quá trình hầu hạ các chủ tử, chỉ cần phạm một lỗi nhỏ, cung nữ đều bị phạt nặng.
Không chỉ phải ăn uống kham khổ, làm việc nặng nhọc mà mọi hành động nhỏ của các cung nữ đều rất thận trọng cẩn thận, chú ý, dè dặt sống qua ngày.
Trong cuốn "Cung nữ đàm vãng lục" (Hồi ký của cung nữ), tác giả Hà Vinh Nhân (từng làm cung nữ trong Cố Cung) có viết: "Theo quy định của triều đình nhà Thanh, cung nữ khi đi ngủ không được phép ngửa mặt lên trời, bắt buộc phải co chân lại và nằm nghiêng. Đối với hai tay, một tay phải kẹp chặt giữa hai chân, tay còn lại đặt trên mình. Nếu một trong hai tay bị tê thì có thể hoán đổi vị trí hai tay cho nhau, nhưng tư thế phải giữ nguyên" .
Quy định này được đặt ra với ý nghĩa gì?
Hà Vinh Nhân giải thích rằng, việc quy định tư thế ngủ của cung nữ là để đảm bảo cho 3 yếu tố.
Thứ nhất, tiết kiệm không gian ngủ. Mặc dù cung điện của các hoàng đế rất to lớn nhưng số lượng người sống trong này không hề ít. Những cung điện rộng rãi, khang trang đều dành cho các vị chủ tử, còn những người hầu hạ dù chiếm số đông nhưng chỉ được triều đình sắp đặt cho nơi ở vừa đủ để ngủ nghỉ.
Thậm chí, các cung nữ còn không có giường ngủ riêng, họ phải sống tập thể trong một không gian chật đến mức khi ngủ phải nằm nghiêng để tiết kiệm khôn gian.
Thứ hai, bắt nguồn từ tư tưởng mê tín dị đoan của hoàng đế. Các hoàng đế thời xưa tự nhận mình là thiên tử và họ sẽ luôn nhận được sự bảo vệ từ thiên đế. Xuất phát từ suy nghĩ này, các vị vua cần phải duy trì việc thể hiện sự tôn kính với thần linh trên trời mọi lúc mọi nơi. Không chỉ có các hoàng đế, những người ở trong cung đều phải tuân thủ quy tắc này.
Vì thế, các vị hoàng đế xưa yêu cầu các cung nữ phải giữ tư thế ngủ không được xúc phạm tới thiên đế. Các ông vua cho rằng, nếu cung nữ nằm ngửa mặt lên trời cũng là bất kính với các vị thần linh.
Thứ ba, ép các cung nữ không được ngủ ngon giấc. Triều đình luôn đánh giá các cung nữ là thân phận thấp kém nhất. Dù làm gì họ đều cần ghi nhớ sứ mệnh của bản thân, vì vậy, việc ngủ cũng được đặt ra rất nhiều quy định.
Mục đích của quy định tư thế ngủ của các cung nữ vốn là để ép họ không có giấc ngủ trọn vẹn. Yêu cầu oái ăm này bắt nguồn từ công việc nặng nhọc của họ. Các cung nữ luôn phải đáp ứng công việc bất kể ngày hay đêm. Thế nhưng, con người nếu không ngủ thì sức khỏe không đảm bảo.
Do đó, các cung nữ phải phân chia ca trực để hầu hạ chủ tử. Khi đến ca của mình, họ phải di chuyển nhanh nhất tới cung của các phi tần. Việc ngủ với tư thế nghiêng một bên sẽ trở nên rất khó chịu nếu phải làm như vậy trong thời gian dài.
Sự khó chịu này có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng ngủ của các cung nữ và họ không thể ngủ ngon giấc trong tư thế này. Nếu họ không ngủ ngon thì các cung nữ mới có thể nhanh chóng có mặt khi các chủ nhân cần.