Khó khăn chỉ là “món quà cuộc sống để mình trưởng thành”
23 tuổi, vượt qua hơn một trăm ứng viên để nằm trong số hai người ít ỏi trở thành nhân viên của một ngân hàng hàng đầu.
Võ Trần Khương Sinh ngày: 30/10/1987 Tốt nghiệp khoa Thương mại trường ĐH Luật TP.HCM năm 2010
Hiện đang là nhân viên tư vấn pháp luật cho ngân hàng ACB |
Nhắc đến Võ Trần Khương, mọi người trong lớp Luật Thương mại khóa 31 của trường ĐH Luật TP HCM đều không thể quên được cậu bạn sinh viên với khuôn mặt sáng và bề ngoài giản dị nhưng luôn có thành tích học tập cao ngất ngưởng. Ít ai biết được đằng sau những thành công của cậu là cả một tuổi thơ đầy khó khăn và một nghị lực phi thường.
Gương mặt thông minh và đôi mắt luôn sáng đầy niềm tin.
Năm 1975, mẹ cậu mang 2 người anh trai sinh đôi rời miền Bắc vào Bình Phước lập nghiệp sau khi ly hôn với người chồng đầu tiên. 11 năm sau, bà kết hôn với cha cậu nhưng chỉ hai năm sau khi cậu ra đời (1987), ông đã trở về Huế với người vợ đầu tiên để lại con nhỏ và người anh thứ 2 của cậu đang lay lắt với căn bệnh sốt rét rừng tưởng chừng không qua khỏi.
Kể từ khi bắt đầu nhận thức được mọi chuyện, cậu đã hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình. Chính vì thế mà Khương chưa một lần gục ngã trước bất cứ khó khăn nào trong cuộc sống. Càng khó khăn Khương càng nung nấu thêm quyết tâm học thật tốt để không phụ công mẹ cùng hai anh và cũng để tìm đường giúp cho cuộc sống gia đình mình khá hơn.
Nhà ở sóc Bom Bo - cứ địa nổi tiếng một thời kháng chiến, nhưng với người dân Bình Phước trong thời bình, đây cũng là vùng đất khó khăn, hoang vu nhất. Cả khu chỉ có vài chục hộ dân, lại nằm sâu trong rẫy. Cách biệt với những nơi khác nhiều đến nỗi muốn mua một con cá khô cũng phải đi bộ cả nửa ngày đường băng qua rừng. Đường đi chỉ toàn đất đỏ trơn trượt, lầy lội.
Và chỉ những người sống ở đây như cậu mới hiểu được hết những khắc nghiệt đó. Những năm tháng đi học vất vả cứ làm thưa dần số học sinh tới lớp.“Từ nhà mình tới trường phải đi bộ hơn 8km đường rừng đúng nghĩa. Mấy đứa đi học cùng nhau phải ghép đôi lại gánh cặp sách và dép rồi lội bì bõm đến trường. Học buổi sáng thì 5h phải đi, nếu học chiều thì 11h đi mới tới lớp đúng giờ. Mà tới lớp rồi đứa nào người cũng toàn bùn đất. Có lẽ khổ quá nên tới lớp 9, cả khu mình chỉ còn hai người đi học”
Khi Khương 10 tuổi, anh trai đi làm ăn xa. Thiếu bóng người cha trong nhà, cậu trở thành người đàn ông của gia đình. Một buổi đi học, một buổi lên rẫy cùng mẹ. Đôi vai nhỏ nhắn của cậu bé 10 tuổi gánh đủ những nhọc nhằn cuộc sống. Đôi vai ấy gánh những lời trêu chọc kẻ mồ côi cha và gánh cả nỗi buồn của mẹ. Cậu biết dằn nỗi đau từ đó, lúc nào cũng tự nhủ với lòng phải sống thật tốt để không ai coi thường mình nữa.
Từ nhỏ đôi vai cậu đã gánh nặng khó khăn nhưng chưa bao giờ cậu gục ngã.
Đối với cậu những ngày đó, thực đơn quen thuộc cho cả ngày tới trường chỉ là nắm cơm nhỏ và một con cá khô được mẹ gói trong lá. Ăn chẳng đủ no là thế nhưng ước mơ tới trường chưa bao giờ ngừng thôi thúc cậu. Đến bây giờ cậu vẫn không quên được cảnh một lần mẹ lần mò trong rừng tìm cậu.“Đi học chiều nên khi nào cũng phải mang đèn pin để về mỗi tối. Hôm đó, mãi không thấy mình về nên mẹ đi tìm. Hai mẹ con gặp nhau quần áo lấm lem, xung quanh chỉ toàn tiếng khỉ kêu văng vẳng. Mẹ con nhìn nhau chẳng nói gì lại lẳng lặng về nhà. Nhìn mẹ mình lại càng quyết tâm học tốt hơn."
Đôi dép đứt quai và câu chuyện chàng trai đầy nghị lực
Đường đi học lầy lội nên chiếc dép cũng nhanh mòn và đứt nhưng chưa bao giờ cậu vòi vĩnh mẹ mua dép mới.“Cứ mỗi lần dép đứt quai mình lại tự tay nối nó lại bằng sợi kẽm. Để đế lâu mòn thì chỉ cần lấy cỏ bện lại rồi lót xuống dưới. Hồi đó, có bao giờ nghĩ đến chuyện xấu đẹp gì đâu. Chỉ làm sao có cái mà đi là tốt lắm rồi”. Chính đôi dép đứt quai nối đi nối lại đấy đã cùng cậu đã đến trường để một ngày cậu bước chân lên Sài Gòn học đại học.
Khó khăn đối với cậu chỉ là những thử thách để sống tốt hơn.
Đậu đại học với cậu là niềm vui nhưng cũng là nỗi lo cho cả nhà. Tiền đâu để đi học? Tiền đâu để cậu theo đuổi ước mơ? Nhưng một lần nữa quyết tâm của cậu lại chiến thắng. Một mình vào Sài Gòn với số tiền 500 ngàn mẹ chắt bóp mỗi tháng để đi học. Mỗi ngày, sau giờ tới trường cậu lại lao đi làm thêm.“Mình làm bất cứ việc gì có thể để kiếm tiền đi học miễn là đồng tiền sạch sẽ. Từ bưng bê ở nhà hàng, đến bán sách vỉa hè,... Ngày nào cũng làm tới tận khuya mới về đến nhà nhưng cứ nghĩ đỡ được cho mẹ phần nào mình lại thấy chẳng còn mệt mỏi gì”.
Khó khăn đủ bề nhưng cậu vẫn học giỏi rồi ra trường được nhận vào làm tư vấn pháp luật cho một ngân hàng lớn ở Sài Gòn. Vượt qua thử thách IQ, tiếng Anh, luật và vòng phỏng vấn cuối cùng bằng kiến thức cùng với chừng ấy kinh nghiệm cuộc sống, Khương đã khẳng định được mình trước những nhà tuyển dụng khó tính để được chọn trong hơn một trăm người khác.
Tới bây giờ khi hoàn cảnh gia đình đã khá hơn, mấy anh em Khương cũng đã xây được cho mẹ một ngôi nhà mới nhưng chưa bao giờ cậu quên những tháng ngày khó khăn trước đây. Với cậu những năm tháng đó chính là :“món quà cuộc sống để mình có được như ngày hôm nay”.