Khi xuất hiện dấu hiệu rùng mình, thường xuyên thấy lạnh, cơ thể bạn đang đối mặt với loạt vấn đề sau, là phụ nữ càng cần đề phòng

Nhung Mai,
Chia sẻ

Thường xuyên cảm thấy lạnh không chỉ gây khó chịu mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như suy giáp, thiếu vitamin hoặc không ngủ đủ giấc.

Cảm thấy ớn lạnh khi ra ngoài trời trong thời tiết mùa đông là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, đừng chủ quan nếu bạn bị rùng mình dù ngồi tại nhà hoặc thường xuyên thấy lạnh. Nhất là phụ nữ.

Theo giới chuyên gia, tuy có vẻ kỳ lạ, phụ nữ lại giữ nhiệt tốt hơn so với nam giới vì cơ thể họ ưu tiên duy trì lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng như não và tim. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc lượng máu đến bàn tay và bàn chân sẽ giảm đi, khiến chúng thường xuyên bị lạnh.

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng này và cách giải quyết đến từ chuyên gia:

Thiếu cân

Thường xuyên cảm thấy lạnh, rùng mình có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe này - Ảnh 1.

Nếu bạn nghi ngờ hiện tượng ớn lạnh xảy ra do thiếu cân, hãy chú ý tới các dấu hiệu khác như chu kỳ kinh nguyệt không đều, chóng mặt, mệt mỏi và thiếu năng lượng.

Trên thực tế, chỉ số khối cơ thể (BMI), dao động trong khoảng 18,5 hoặc thấp hơn, có thể khiến bạn cảm thấy lạnh hơn bình thường. Maggie Moon, chuyên gia dinh dưỡng tại Los Angeles giải thích, nguyên nhân là do những người nhẹ cân thiếu đi một lượng lớn chất béo có khả năng giúp cơ thể chống chọi với nhiệt độ lạnh.

Hơn nữa, BMI thấp thường đi kèm với tình trạng thiếu dinh dưỡng. Lượng thức ăn tiêu thụ giảm gây thiếu hụt calo, từ đó làm chậm quá trình trao đổi chất và không cung cấp đủ nhiệt nhằm làm ấm cơ thể.

Để giải quyết tình trạng này, bạn nên nói chuyện với bác sĩ, làm xét nghiệm, xác định chính xác nguyên nhân gây nhẹ cân. Đồng thời, tăng cường những thực phẩm lành mạnh chứa nhiều protein, chất béo và carb phức tạp cũng là cách hiệu quả để duy trì thân hình cân đối.

Suy giáp

Thường xuyên cảm thấy lạnh, rùng mình có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe này - Ảnh 2.

Trên thực tế, khoảng 4,5% người Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng suy giáp và tỷ lệ này cao hơn ở những phụ nữ mới mang thai hoặc trên 60 tuổi.

Holly Phillips, bác sĩ nội khoa tại Bệnh viện Lenox Hill ở New York cho biết, luôn luôn cảm thấy lạnh là dấu hiệu của tình trạng suy giáp, tuyến giáp không sản sinh đủ hormone. Nếu thiếu hụt hormone này, quá trình trao đổi chất của cơ thể sẽ chậm lại, từ đó không tạo ra đủ nhiệt để giữ ấm cơ thể.

Các dấu hiệu khác cảnh báo tình trạng suy giáp bao gồm tóc mỏng hoặc rụng tóc, da khô, kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường, tăng cân không rõ nguyên nhân. Nếu bạn nghi ngờ bản thân đang phải đối mặt với vấn đề về tuyến giáp, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để nhận được chẩn đoán chính xác và tiến hành điều trị kịp thời.

Thiếu máu do thiếu sắt

Thường xuyên cảm thấy lạnh, rùng mình có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe này - Ảnh 3.

Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ, các triệu chứng khác cảnh báo cơ thể cần bổ sung sắt bao gồm da nhợt nhạt, móng tay dễ gãy, khó tập trung và khó thở.

Thiếu sắt là một trong những lý do phổ biến nhất gây ra tình trạng ớn lạnh mãn tính. Nguyên nhân chủ yếu do chất này giúp các tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể để tạo ra nhiệt. Bác sĩ Holly giải thích, sắt cũng rất quan trọng vì thiếu hụt chúng có thể làm chậm hoạt động của tuyến giáp, dẫn đến tình trạng suy giáp như đã đề cập.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, bác sĩ có thể khuyên bạn dùng thực phẩm bổ sung, truyền dịch qua đường tĩnh mạch hoặc đơn giản hơn là tăng cường tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất sắt như thịt đỏ, rau xanh và trứng.

Lưu thông kém

Thường xuyên cảm thấy lạnh, rùng mình có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe này - Ảnh 4.

Chỉ cảm thấy bàn tay và bàn chân lạnh có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp vấn đề về tuần hoàn, khiến máu không thể lưu thông tới các chi.

Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ, một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề về tuần hoàn là hội chứng Raynaud, ảnh hưởng đến 5% dân số Mỹ. Margarita Rohr, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ nội khoa tại Trung tâm Y tế NYU Langone ở New York cho biết, tình trạng này khiến các mạch máu ở bàn tay và bàn chân tạm thời thu hẹp, từ đó gây ra cảm thấy lạnh.

Ngoài ra, lý do phổ biến khác khiến máu khó lưu thông đến các chi là bệnh tim hoặc thói quen hút thuốc dẫn tới tình trạng co mạch máu.

Trên thực tế, hầu hết những người mắc hội chứng Raynaud không cần điều trị. Dù vậy, bạn vẫn nên đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân gây ra vấn đề về tuần hoàn và loại bỏ khả năng mắc tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim mạch.

Mất nước

Thường xuyên cảm thấy lạnh, rùng mình có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe này - Ảnh 5.

Cảm giác ớn lạnh có thể biến mất sau khi bổ sung đủ nước cho cơ thể.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Maggie, hơn 60% cơ thể người trưởng thành là nước và chất lỏng này có tác dụng điều chỉnh nhiệt độ. Nói cách khác, nước đóng vai trò quan trọng giúp duy trì cho nhiệt độ cơ thể ở mức thoải mái nhất. Do đó, nếu không bổ sung đủ nước, cơ thể sẽ nhạy cảm hơn trong môi trường lạnh.

Ngoài cảm giác ớn lạnh, bạn còn có thể gặp phải những triệu chứng mất nước khác như cảm thấy lâng lâng hoặc lú lẫn, chuột rút, táo bón, nước tiểu sẫm màu. Chuyên gia dinh dưỡng Maggie khuyến nghị, mọi người nên đặt ra mục tiêu uống tối thiểu tám ly nước mỗi ngày. Con số này sẽ tăng với những người có thói quen tập luyện hoặc dành nhiều thời gian hoạt động ngoài trời.

Thiếu vitamin B12

Thường xuyên cảm thấy lạnh, rùng mình có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe này - Ảnh 6.

Vitamin B12 chủ yếu được tìm thấy trong các sản phẩm làm từ động vật.

Không hấp thụ đủ vitamin B12, khoảng 2,4 microgam mỗi ngày đối với người trưởng thành bình thường, có thể gây ra tình trạng thiếu máu và giảm nhiệt độ cơ thể.

Trên thực tế, hiện tượng này xảy ra phổ biến ở những người ăn chay vì vitamin B12 hầu như có mặt trong món ăn làm từ động vật. Do đó, họ có xu hướng dùng thực phẩm bổ sung để đảm bảo cơ thể nhận được đủ chất dinh dưỡng cần thiết.

Bệnh tiểu đường

Thường xuyên cảm thấy lạnh, rùng mình có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe này - Ảnh 7.

Nếu không được kiểm soát kịp thời, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến biến chứng dây thần kinh ngoại biên, làm tổn thương các dây thần kinh ở bàn tay và bàn chân.

Theo chuyên gia Margarita, biến chứng tiểu đường có thể gây tê, đau ở bàn tay và bàn chân. Khu vực này chứa những dây thần kinh chịu trách nhiệm gửi thông điệp đến não để cảm nhận nhiệt độ.

Biến chứng tiểu đường có thể phát triển dần dần, khiến nhiều người dễ dàng bỏ qua. Nếu đang phải đối mặt với bệnh này hoặc gặp phải các triệu chứng như thường xuyên mệt mỏi và cảm thấy khô miệng, bạn hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Thiếu cơ

Thường xuyên cảm thấy lạnh, rùng mình có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe này - Ảnh 8.

Không ít người đã lựa chọn tập tạ hoặc tham gia các hoạt động thể thao để xây dựng cơ bắp, cung cấp năng lượng giúp cơ thể duy trì nhiệt độ trong thời tiết lạnh.

Nếu bị rùng mình liên tục và không mắc bệnh, bạn có thể đang bị lạnh do thiếu cơ. Chuyên gia Margarita giải thích, cơ bắp giúp duy trì nhiệt độ cơ thể bằng cách tạo ra nhiệt. Vì vậy, không có đủ cơ sẽ gây ra cảm giác lạnh cóng. Hơn nữa, tăng cường khối lượng cơ còn góp phần kích thích quá trình trao đổi chất, từ đó chống lại cảm giác lạnh.

Thiếu ngủ

Thường xuyên cảm thấy lạnh, rùng mình có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe này - Ảnh 9.

Ngủ không đủ giấc sẽ tàn phá hệ thống thần kinh, khiến chúng không thể điều chỉnh nhiệt độ cơ thể hiệu quả như trước.

Bác sĩ Holly cho biết, thiếu ngủ làm giảm hoạt động vùng dưới đồi, phần não kiểm soát nhiệt độ cơ thể. Hơn nữa, cảm giác mệt mỏi sau khi thức dậy cũng khiến quá trình trao đổi chất diễn ra chậm hơn.

Nhìn chung, mọi người nên cố gắng ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm. Để làm được điều này, bạn hãy đi ngủ đúng giờ, tắt các thiết bị điện tử khoảng 30 phút trước khi nằm xuống giường.

(Nguồn: Health)

Chia sẻ