Khi vợ chồng "chiến"

,
Chia sẻ

"Giận vợ quá, em cho nó một cái tát, nhẹ thôi, răn đe là chính. Không ngờ, nó quay lại, giáng cho em một cái tát tối tăm mặt mũi, làm em ngớ ra".

"Con vợ em cũng không vừa đâu. Em lĩnh lương về, đưa cho vợ, nó hỏi lương anh 10 triệu đồng cơ mà, sao chỉ có ngần này. Đúng là lương của em 10 triệu đồng một tháng nhưng tháng trước, để chuẩn bị cho lễ cưới, em đã vay tạm của bạn bè 4 triệu đồng, giờ lĩnh lương phải trả. Lý do chính đáng là như thế, nhưng em không muốn thanh minh với vợ.

Một thằng đàn ông phải thanh minh về tiền nong với vợ thấy nhục nhã lắm. Vì thế em nói: 'Anh cũng cần phải tiêu chứ!. Nó ném cả xấp bạc về phía em: 'Thế thì cầm lấy mà tiêu cho sướng!'. Giận quá, em cho nó một cái tát (tát nhẹ thôi, răn đe là chính). Không ngờ, nó quay lại, giáng cho em một cái tát tối tăm mặt mũi. Em ngớ người ra mất một lúc. Chẳng nhẽ mình lại đánh nhau với vợ thì còn ra thể thống gì. Thế là em lẳng lặng bỏ đi. Em đã nhịn vợ lần đầu tiên và như thế cũng là sẽ phải nhịn cả đời", một anh chồng trẻ kể.

Còn sau đây là chuyện của một cô vợ trẻ:

"Chồng em trông hiền thế mà cũng biết bắt nạt vợ cơ đấy. Anh ấy về muộn , em hỏi sao bây giờ mới về. 'Anh đi uống với bạn bè mấy cốc bia hơi. Chẳng nhẽ có vợ rồi thì không được uống bia với bạn bè nữa sao?'. 'Em có cấm đâu nhưng tại sao anh không gọi điện thoại về nhà báo cho em biết?'. 'Đi uống bia cũng phải báo cáo vợ ư? Vậy đi vệ sinh có phải gọi điện báo cáo không?'. 'Anh không được nói năng kiểu vô văn hoá như thế. Học hành chữ nghĩa để ở đâu mà nói với vợ như thế hả?'. Lúc ấy chồng em đang uống trà. Anh ấy đứng phắt dậy, cầm cái chén ném rất mạnh xuống sàn nhà, mảnh sứ vỡ tung toé. Đó là một cái chén sứt quai. Tiếp theo, anh ấy ném một cái cốc. Trong 6 cái cốc thuỷ tinh để trên bàn, anh ấy nhặt đúng cái cốc đã bị nứt. 'Nạn nhân' tiếp theo là một cái bát mẻ miệng.

Nhìn thế em đã bắt bài được rồi. Em lẳng lặng đến bê chiếc TV và nói: 'Anh muốn đập hả? Thì đập này!. Em ném chiếc TV xuống sàn nhà, sau đó em đến bê chiếc máy vi tính. Chồng em chạy vội tới, giằng lấy chiếc máy và khẩn khoản: 'Thôi nào, đừng đập nữa! Anh xin!'. Thế là từ đó chồng em không bao giờ đập phá gì nữa, mặc dù đôi khi vợ chồng chúng em vẫn vặc nhau.
 
Cách ứng xử của anh chồng thứ ba xem ra cao tay hơn cả. Vợ anh ta kể lại:

"Em đang làm bữa cơm chiều trong bếp. Mùa hè đứng bếp rất cực, mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt. Trong khi đó, anh ấy ngồi rung đùi hút thuốc lá và xem TV. Em chạy ra nói với anh ấy: 'Sao anh ngồi như ông tướng thế! Bộ quần áo hôi như chuột chù anh trút ra buổi sáng giờ vẫn nằm nguyên trong phòng tắm. Em là vợ anh chứ có phải là con hầu đâu mà anh hành em nhiều quá vậy!'. Anh ấy dụi ngay điếu thuốc lá đang hút dở rồi vào phòng tắm giặt bộ quần áo của mình.

Từ đó về sau, ngày nào anh ấy cũng tự giặt lấy quần áo; buổi sáng dậy sớm, chạy mấy vòng quanh khu tập thể rồi về tắm, giặt ngay quần áo và đi làm, không để vợ phải mó tay vào. Anh ấy làm một cách im lặng, nhưng lại im lặng quá, không bao giờ trò chuyện với vợ. Em hỏi: 'Anh biến thành cục đá bao giờ thế?'. Anh ấy nhìn em chằm chằm mà không nói gì. Không bao giờ anh ấy chủ động trò chuyện với em. Không khí gia đình vì thế mà rất ngột ngạt. Em biết là hôm đó em đã nói quá lời. Vợ chồng sống với nhau đôi khi suồng sã quá không còn biết ý tứ là gì nữa. Các cụ ngày xưa dạy rằng 'vợ chồng phải coi nhau như khách', tức là vẫn phải giữ ý tứ, phải rất tôn trọng nhau. Em đã chủ động xin lỗi chồng về câu nói thái quá của mình. Từ đó em không dám nói năng bừa bãi nữa".
 
Làm vợ, làm chồng thật không dễ một chút nào, làm sao để hai con người riêng biệt với sở thích và tính cách khác nhau lại có thể hoà hợp và chung sống hạnh phúc trong một mái nhà?  Đó là câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng chắc chắn cặp vợ chồng nào cũng phải vượt qua những thử thách muôn thuở của đời sống hôn nhân. Đó là việc phải làm quen với cá tính của nhau như trẻ con tập làm quen với việc ăn ớt, như chúng ta sang Lào thì phải tập ăn mắm ngoé. Nếu không làm quen được với cá tính của nhau thì hôn nhân sẽ tan vỡ.
 
Vì thế, vượt qua thử thách trong đời sống vợ chồng tức là vượt qua chính mình, vượt qua lòng tự ái và tính tự phụ vớ vẩn. Nếu ai cũng nghĩ mình là to và người khác phải phục tùng mình tuyệt đối thì sẽ không có đời sống hôn nhân hạnh phúc. Cần phải vượt qua chính mình để biết nhường nhịn.
 
Trong đời sống hôn nhân, nhường nhịn là bí quyết số một của hạnh phúc. Những người biết nhường nhịn sau trận cãi lộn không lao vào giải thích hay đòi giải thích một cách vô ích, mà họ chờ thời gian lương tâm và tình cảm lên tiếng. Đó không phải là biểu hiện của sự nhu nhược, thiếu cá tính mà là biểu hiện của sự cao thượng.
 
Với những người biết nhường nhịn thì trong gia đình không có xung đột. Những va chạm lặt vặt không được chuyển thành kết luận khái quát, không được nâng lên thành quan điểm, không làm sai lệch thái độ tán đồng đối với cuộc sống gia đình và tương lai của cuộc hôn nhân. Những đôi vợ chồng này không nghiến răng thề sẽ không bao giờ tha thứ cho nhau, mà suy nghĩ nghiêm túc về các nguyên nhân gây ra sự va chạm và tự phê phán mình đã góp phần vào đó. Rất may là hầu hết các đôi vợ chồng hiện đại đã vượt qua được thử thách này, nếu không thì các toà án dù có làm việc ngày ba ca cũng không giải quyết hết đơn ly hôn.
 
Theo Giadinh
Chia sẻ