Khi vợ bỏ về nhà mẹ đẻ

,
Chia sẻ

Thời gian càng trôi, chị càng sốt ruột và bất an. Một ngày, hai ngày... rồi một tuần, hai tuần... đến hôm nay đã tròn một tháng, kể từ ngày chị và đứa con trai về ở bên nhà ngoại.

Chuyện cũng không có gì nghiêm trọng, chỉ là sau một trận cãi nhau với chồng, chị giận dỗi và đùng đùng khăn gói bồng con về nhà mẹ. Lúc đi, chị còn nói với chồng: “Tôi và con sẽ không trở về căn nhà này nữa đâu! Anh cứ sống một mình cho tự do, thoải mái... ”.

Nói thế nhưng thật lòng chị không hề nghĩ như vậy. Chị chỉ nói cho hả giận mà thôi. Ngay cả việc bồng con bỏ đi cũng là cách chị dùng để dọa chồng, cho anh thấy là chị giận lắm rồi, nếu anh không muốn mất mẹ con chị thì anh phải đến tìm chị để xin lỗi và đón mẹ con chị trở về.

Trong ba năm chung sống, chị đã nhiều lần áp dụng phương thức bỏ về nhà mẹ mỗi khi vợ chồng xảy ra xung đột, mâu thuẫn. Và lần nào cũng vậy, sau vài ngày hoặc lâu lắm là một tuần, anh lại tìm đến nhà mẹ chị năn nỉ, dỗ dành, xin lỗi... để đón vợ và con trai trở về. Những lần như vậy, chị rất vui vì thấy chồng yêu chiều mình, cần có mình. Chị càng vui hơn khi tự ái và lòng hiếu thắng của chị được thoả mãn: anh đã chịu thua chị, xin lỗi chị...

 

Thế mà lần này, đã một tháng trôi qua, vẫn không thấy anh tìm đến dỗ dành, xin lỗi. Anh cũng chẳng hề gọi một cuộc điện thoại nào, dù chỉ để thăm hỏi đứa con trai hai tuổi. Chị không thể hiểu nổi, vì sao anh lại có thể bỏ mặc mẹ con chị suốt cả tháng như vậy. Anh vốn là người rất yêu thương vợ con, nhất là đứa con trai, vắng con một hai ngày là anh không thể chịu nổi... Lẽ nào anh đã hết thương vợ con nên không thèm quan tâm nữa? Không - không thể như vậy! Có lẽ anh cố tình không đến để chị phải tự động quay về.

Dứt khoát chị không thể quay về, nếu anh không đến dỗ dành và đón. Như vậy thì chị mất thể diện lắm, không đời nào chị làm thế! Chị sẽ tiếp tục ở lại nhà mẹ mình, thử xem ai phải chịu thua ai. Đứa con trai anh cưng như cục vàng đang ở cạnh chị đây mà, sớm muộn gì anh cũng phải tìm đến thôi...

Đặt lon bia rỗng xuống bàn, anh thở dài buông một lời than với người bạn: “Tôi quá mệt và quá chán...!”. Anh tâm sự với bạn về nỗi buồn của mình. Vợ chồng cưới nhau chỉ mới vài năm mà cứ cãi vã suốt, toàn những chuyện vớ vẩn không đâu. Cô vợ trẻ đẹp vốn được cha mẹ cưng chiều nên tính rất tiểu thư, đỏng đảnh, vụng về trong việc nội trợ, lại thiếu ý thức chăm sóc chồng con. Cô chỉ biết đòi hỏi chồng phải chiều mình tuyệt đối.

Yêu vợ, hiểu tính nết của vợ, anh cũng rất chiều chuộng cô, nhưng không thể chiều được những yêu cầu lắm khi rất trẻ con và phi lý của vợ. Những khi anh không làm theo ý vợ thì cô giận dỗi, khóc lóc, bỏ ăn và cao trào là cô bồng con bỏ về nhà mẹ. Mẹ vợ anh vốn rất cưng con gái, nên mỗi lần thấy con bế cháu trở về khóc lóc thì bà quả quyết rằng con rể có lỗi, đã ức hiếp con gái bà.

Thế là thay vì khuyên con trở về với chồng thì bà lại bảo: “Con cứ ở đây với mẹ. Chồng con phải đến đây xin lỗi thì mới có thể đón con về”. Tính hiếu thắng trẻ con của cô vợ lại được hậu thuẫn, cổ vũ bởi người mẹ vợ quá yêu con. Biết không thể thắng nổi hai người đàn bà, lại thêm nhớ con quay quắt, người chồng chỉ còn một cách là phải tìm đến dỗ dành, năn nỉ, xin lỗi để đón vợ con về, dù anh chẳng có lỗi gì.

Chuyện cứ tái diễn hết lần này đến lần khác, đến mức anh không còn nhớ nổi đã bao nhiêu lần vợ bồng con bỏ nhà ra đi và đã bao nhiêu lần anh phải nhẫn nhịn tìm đến nhà mẹ vợ để dỗ dành, năn nỉ, xin lỗi. Càng ngày, anh càng thấy mình dần đánh mất tư thế của một người đàn ông, một người chồng. Cái cảm giác bị tổn thương lặp đi lặp lại khiến tình cảm anh dành cho vợ cũng dần nguội lạnh.

Lần này cũng vậy, vợ lại bồng con bỏ đi. Đã qua một tháng, anh cũng không hành động như thường lệ là đi tìm vợ để năn nỉ, dỗ dành, xin lỗi. Bây giờ thì anh buông xuôi, mặc kệ chuyện tới đâu thì tới. Cô ấy đã tự ý bỏ đi thì hãy tự quay về. Anh chỉ nhớ và thương đứa con bé bỏng, nhưng anh sẽ không vì con mà lại đi xin lỗi nữa. 

Theo Phụ Nữ

Chia sẻ