Khi ông xã bỏ cơm đi nhậu

,
Chia sẻ

Lại thêm một bữa tối nữa anh Kiên không về ăn với gia đình. Nhìn đồng hồ đã chỉ 20h và thương bé Hà đói bụng, chị Mai đành giục con đi ăn cơm trước.

“Chán bố mày lắm rồi đấy. Suốt ngày lấy cớ hội họp, gặp gỡ khách hàng rồi đi nhậu nhẹt bỏ mẹ con mình ở nhà ”, không có ai để dốc bầu tâm sự, Mai đành nói bâng quơ vài câu cho bõ tức.

Từ ngày chị sinh thêm cô nhóc thứ hai, anh Kiên sinh ra chán nản rồi hay đi nhậu nhẹt không về ăn cơm với gia đình. Vốn là con trưởng, gia đình và bản thân anh nặng về tư tưởng phải có cậu ấm “nối dõi tông đường” nên việc Mai sinh thêm một cô con gái nữa khiến anh vô cùng thất vọng. Biết lỗi không phải tại vợ nhưng do họ hàng dưới quê thúc ép nhiều quá, anh Kiên trở nên lầm lì và hay đi nhậu với bạn bè hơn.

Thời gian đầu Mai nghĩ rằng chồng mình chán nản nên nhậu nhẹt dăm ba ngày cho khuây khoả rồi sẽ đâu lại vào đấy nhưng không ngờ sự tình lại nghiêm trọng như vậy. Càng ngày anh càng lún sâu hơn vào những buổi tiệc tùng, quán xá với bạn bè mà bỏ bê vợ con. Gia đình cả ngày xa nhau, chỉ có bữa tối là cơ hội để quây quần thì Kiên luôn luôn vắng mặt. Bé Hà nhiều khi nũng nịu đòi chờ bằng được bố về mới ăn cơm nhưng biết chồng mình không có giờ giấc về nhà cụ thể nên chị đành cho  con đi ăn cơm trước.

Tối tối, những hàng bia, quán rượu chật ních người, chen chúc nhau, ăn nhậu sôi nổi. Các đức ông chồng đua nhau thỏa thích tụ tập, giải stress sau một ngày làm việc căng thẳng.

Sẽ không có gì phải nói nếu một tuần, các ông dành đôi ba ngày về ăn cơm cùng vợ cùng con. Nhưng cái chân đến quán, cái miệng uống bia... đã quen mất rồi. “Chiều chiều không có ai í ới lại thấy nhơ nhớ...”

Tất nhiên, tỷ lệ thuận với thói quen đó của các đức ông chồng là những bữa cơm vắng vẻ và buồn bã, cộng với nỗi tủi thân của người vợ, nỗi ngơ ngác trông đợi của những đứa con. Đàn ông rất khó để có thể từ bỏ được thú vui nhậu nhẹt khi nó đã trở thành một phần của cuộc sống, khi lâu ngày nó đã ngấm vào máu của họ.

Khi chồng không ăn cơm nhà, những bữa cơm được chị em chuẩn bị chu đáo cũng trở nên vô nghĩa. Vắng bóng chồng, vắng bóng cha, vợ con cũng  thấy buồn hơn. Bữa ăn lúc này chỉ là “Nhiều khi ăn cho nó xong bữa chứ thiết gì ăn uống khi nhà có ba người mà lúc nào cũng thiếu một”- Chị Hạnh (Tây Hồ) tâm sự.

Đã ba tuần nay, hứa mãi mới vợ hôm nay anh Tuấn mới giữ đúng lời về nhà ngay sau khi tan sở. Thấy anh về, cả hai mẹ con chị Lan mừng quýnh, cùng nhau xắn tay áo vào bếp quyết tâm làm một bữa cơm ra trò. Nhìn thấy cảnh vợ con xông xáo nhiệt tình vì mình, anh Tuấn cũng thấy hối hận.

Nhưng vừa ngồi xem tivi khoảng nửa tiếng, anh đã nhận được cuộc gọi của bạn rủ đi nhậu. Nhìn vợ con đang chăm chú theo dõi mình, anh đành từ chối. 15 phút sau, lại một cuộc gọi khác với cùng một nội dung và anh lại khéo léo từ chối mặc dù cái chân đã rất muốn đi.

Hai mẹ con chị Lan thở phào nhẹ nhõm vì sợ rằng anh nhận lời. Nhưng niềm vui ấy chưa kéo dài chưa được bao lâu thì lần thứ ba anh đã nhận lời và vội vàng khoác áo rời khỏi nhà. Bữa tối hôm đó có thật nhiều món ăn ngon nhưng mẹ con chị Lan chỉ ngồi ăn trong im lặng. Như hiểu được tâm trạng của mẹ nên bé Thu cũng ngoan ngoãn ngồi ăn và không nũng nịu đòi cha như thường ngày.

Có nhiều lý do khiến các ông chồng không về dùng bữa với gia đình. Lý do chính đáng cũng có mà không chính đáng cũng nhiều.

Bữa ăn được coi là một thời điểm quan trọng mà cả gia đình có thể sum vầy quanh mâm cơm và trò chuyện. Đó là khoảnh khắc vô cùng ý nghĩa có thể kết nối các thành viên trong gia đình nhưng nhiều đức lang quân đã không hiểu hay cố tình không nhận ra. Họ không để ý đến cảm giác của vợ con. Chính sự thiếu hụt tình cảm ấy khiến cho vợ chồng, con cái ngày càng xa rời nhau hơn và nguy cơ tan vỡ gia đình là rất lớn.
 
 
Thanh Hòa
Chia sẻ