Khi những khu vườn trở mình thành tác phẩm nghệ thuật

Chi Mai,
Chia sẻ

“Tôi dành cho cỏ cây một sân khấu riêng, và thế là chúng tự mình tỏa sáng”.

Những khu vườn của nhà thiết kế người Hà lan - Piet Oudolf - mang một sức cuốn hút kỳ vĩ và siêu việt, đủ để mỗi người khách ghé qua đều khởi lên trong lòng một cảm giác thuộc về, khao khát được dành nhiều thời gian hơn cho nơi này. Để hít thở thật sâu trong những mảng màu đan xen không lời. Ngay cả với những công trình đặt tại các khu đô thị phồn hoa xô bồ - như High Line tại New York hay Lurie Garden tại Chicago, thì thiên diên do Piet Oudolf sắp đặt vẫn luôn tạo ra một cảm giác đầy an ổn và bao bọc. Nhưng với bản thân Oudolf, những tác phẩm của ông không nhằm mục đích tái tạo cảnh quan sinh thái. Đúng, Oudolf khắc họa hai yếu tố thủ công và nghệ thuật thông qua thiên nhiên, nhưng phương tiện của ông không phải là thiên nhiên.

Khi những khu vườn trở mình thành tác phẩm nghệ thuật - Ảnh 1.

“Thiên nhiên khiến chúng ta cảm nhận được những xúc cảm tuyệt vời nhất. Tôi nghĩ rằng, đó cũng là điều bạn tìm kiếm trong mỗi khu vườn”. Bên cạnh đó, Oudolf cũng nhấn mạnh rằng: Với không gian giới hạn của một khu vườn, chúng ta cần làm nhiều hơn là dừng lại ở một ý niệm lớn về thiên nhiên. Chúng ta phải cảm nhận nhiều hơn những gì chúng ta nhìn thấy. Hãy đào sâu hơn một chút và thổi hồn vào thiên nhiên hơn một chút. 

Oudolf không phải một họa sĩ, nhưng ông có khả năng “vẽ” lại những mường tượng trong đầu thành tác phẩm trên mặt đất. Oudolf nhìn trước những gì sẽ diễn ra theo thời gian. Ấy là sự phai mờ theo sương gió. Ấy là những sự biến đổi lệch ra khỏi quỹ đạo cân bằng vốn có - khi cỏ cây lớn dần lên. Ấy là sự biến mất của một vài thành tố, khiến cho bức vẽ thuở ban đầu không còn đồng nhất. Ấy là bàn tay của người làm vườn cũng cần trưởng thành và thay đổi theo sự lớn lên của khung cảnh. Bài viết này là bản tập hợp những bài học kinh nghiệm quý báu đã giúp Oudolf đưa những khu vườn trở mình thành tác phẩm nghệ thuật thực thụ.  

1. Cốt tủy của những khu vườn nước Anh không chỉ nằm trọn ở câu nói “đúng việc, đúng thời điểm” 

Khi những khu vườn trở mình thành tác phẩm nghệ thuật - Ảnh 2.

Tôi từng ghé thăm nước Anh rất nhiều lần cùng với gia đình, và ở đó, tôi đã bị thiên nhiên thu phục hoàn toàn. Tôi không chỉ ấn tượng với trình độ thủ công của những khu vườn nước Anh mà còn rung động trước từng tán cây ngọn cỏ - và dĩ nhiên, là cách chúng được đặt để bên nhau.  

Nếu từng đọc những cuốn sách dạy làm vườn của người Anh, bạn sẽ hiểu điều tôi nói sau đây: Toàn bộ những gì được viết ra đều tuân theo công thức “bạn phải làm điều này, tại thời điểm này”. Với tôi, đó đơn giản là những lời giáo điều. Những chỉ dạy ấy không khép lại niềm hứng thú trong tôi, nhưng mặt khác, tôi muốn bản thân mình thả lòng khỏi những quy tắc và luật lệ. Các nguyên tắc thủ công đóng vai trò xương sống để tôi phát triển những thực hành mang tính sáng tạo và cá nhân hơn.

2. Hai nguyên tắc thiết kế bất di bất dịch  

Khi những khu vườn trở mình thành tác phẩm nghệ thuật - Ảnh 3.

Thứ nhất, một khu vườn luôn phải giữ được sức hút và vẻ đẹp của mình, ở mọi thời điểm trong năm. Để làm được điều đó, những loài cây của bạn phải có sức hút riêng trong tất cả các mùa - dù là cuối đông hay đầu hạ. Và vẻ đẹp ấy không chỉ nằm ở những nụ hoa; mà còn được thể hiện qua dáng hình, kết cấu của thân và lá, hay thậm chí là dáng vẻ khi chúng vươn mình lên khỏi mặt đất. Tất cả những sự sống mới đầy lý thú đang đâm chồi nảy lộc. Từng chiếc lá non mơn mởn xòe ra tắm nắng. Từng nụ hoa e ấp chờ ngày nở rộ. Với tôi, tất thảy chúng đều quan trọng. 

Một số loài cây có sắc nâu tạo thành một mảng tương phản đẹp tuyệt vời với những thảm cỏ ngả vàng suốt mùa đông. Nhờ đó, khu vườn của bạn sẽ mang một diện mạo hoàn toàn khác khi thiên nhiên thay màu. 

Thứ hai, bạn nên lưu tâm tới là môi trường thiên nhiên hoang dã. Hãy chọn những loài cây “hợp cạ” với bất kỳ loài côn trùng hay động vật nhỏ nào đang tô điểm cho khu vườn của bạn. 

3. Trong khu vườn, ta được quyền sử dụng bất kỳ loại cây cỏ ta yêu

Khi những khu vườn trở mình thành tác phẩm nghệ thuật - Ảnh 4.

Tôi là “fan hâm mộ” của những loài cây bản địa của Mỹ, nhưng tôi không chỉ dùng chúng trong những khu vườn nước Mỹ. Nếu tôi là một nhà sinh thái học đang cải tiến cảnh quan tự nhiên, chắc chắn tôi sẽ từ chối làm điều trên, đơn giản vì chúng vốn không thuộc về nhau. Nhưng thẳng thắn mà nói, chúng ta đang làm vườn, chứ không phải kiến tạo thiên nhiên. Và trong khu vườn mà ta vun vén, tôi cho rằng ta được quyền sử dụng bất kỳ loại cây cỏ ta yêu. 

Ngoài ra, tôi cũng rất thích thú với việc sử dụng những loài cây có thể đem lại lợi ích cho những “cộng đồng” riêng mà tôi tạo ra bên trong khu vườn. Chẳng hạn, nếu bạn chỉ sử dụng những loài cây Nam Mỹ (ngoại trừ những loài cây rừng), thì thông thường bạn chỉ có thể chơi cây trong độ đẹp nhất vào đợt cuối hạ. Nhưng nếu trồng chúng cùng một số loài cây từ Châu Âu hay Đông Âu, thì khu vườn của bạn có thể đạt đến độ hoàn thiện. 

Tuy nhiên, tôi chắc chắn sẽ không bao giờ sử dụng một loài cây du nhập trong quá trình phục hồi, tái tạo. Đó là sự khác biệt rất lớn. Ngoài ra, tôi cũng không sử dụng những loài cây xâm lấn của nhau. 

4. Thay đổi là điều bất biến  

Khi những khu vườn trở mình thành tác phẩm nghệ thuật - Ảnh 5.

Bạn cần tư duy một cách rõ ràng về sự kết nối giữa những loài cây, về cách chúng sẽ cùng nhau tạo nên một cộng đồng, hay một cá thể trong toàn bộ khung cảnh mà bạn sáng tạo. Bạn cần nghĩ xa hơn về những gì cần làm trong năm sau và năm sau nữa; bởi bạn biết đấy, sự thay đổi ắt sẽ xảy ra. 

Đó là lý do vì sao tôi khuyên bạn không nên đặt để những loài cạnh tranh, xâm lấn với nhau ở cạnh nhau. Đồng thời, hãy hạn chế tối đa việc sử dụng những loài có tuổi thọ ngắn. 

Nhưng kể cả khi làm theo công thức này, thì lẽ tất nhiên khu vườn sẽ thay đổi qua từng năm. Do đó, hãy chú tâm quan sát khu vườn và hành động kịp thời mỗi khi cần. Điều đó không có nghĩa là bạn phải đưa mọi thứ trở về trạng thái vốn có. Một loài cây biến mất; không sao cả, bởi tất thảy những gì đang diễn ra xung quanh có khiến bạn cảm thấy rằng: “Ồ, không sao mà, mọi thứ vẫn ổn thôi”. 

Khi những khu vườn trở mình thành tác phẩm nghệ thuật - Ảnh 6.

 

House n Home House n Home là một hệ sinh thái nội dung về Phong cách sống - Nhà cửa - Bất động sản, với đa dạng hình thức thể hiện trên đa nền tảng, là điểm chạm của những người mong muốn hướng tới một không gian sống đẹp và chất lượng hơn. House n Home xây dựng mạng lưới kết nối các chuyên gia và thương hiệu trong ngành, kết hợp điều đó với thế mạnh về nội dung và công nghệ của VCCorp để tạo ra một hệ sinh thái lớn mạnh, tiếp cận rộng hơn và sâu hơn tới công chúng. Thông qua House n Home, độc giả có thể tìm tới những kiến thức giá trị - uy tín và chất lượng hoặc tương tác trực tiếp với chuyên gia và các thương hiệu danh tiếng. KHÁM PHÁ
Chia sẻ