Khi nhân phẩm bị buông bỏ trước Covid-19: Xấu hổ lắm nhưng không còn lựa chọn nào khác

An An,
Chia sẻ

Công nhân nhập cư ở Ấn Độ phải xếp hàng dài chờ thực phẩm, cạnh tranh nhau từng đĩa cơm.

Nguy cơ nạn đói toàn cầu

Gần đây, những người nghèo trong khu ổ chuột lớn nhất ở thủ đô Kenya đã giẫm đạp lên nhau để nhận phân phối bột và dầu ăn miễn phí, khiến hàng chục người bị thương và hai người chết.

Ở Ấn Độ, hàng ngàn công nhân xếp hàng hai lần một ngày để chờ bánh mì và rau xào chống đói.

Trên khắp Colombia, các gia đình nghèo khó treo cờ và trang phục màu đỏ bên cửa sổ và ban công, điều đó có nghĩa là họ đang thiếu cái ăn.

  - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng đợi được phát thức ăn. Ảnh: NYT

"Chúng tôi không có tiền, bây giờ chúng tôi cần sống sót", Pauline Karushi, đã mất việc tại một cửa hàng trang sức ở Nairobi, sống cùng các con và bốn người thân khác, nói với The New York Times (NYT-Mỹ). "Điều đó có nghĩa là bạn chẳng còn gì để ăn".

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới hàng triệu người trên thế giới. Lệnh phong tỏa và biện pháp giãn cách xã hội đang gây ra sự gián đoạn công việc và thu nhập, có thể phá vỡ các tuyến sản xuất và cung ứng nông nghiệp, khiến hàng triệu người lo lắng về vấn đề lương thực.

Theo NYT, một số người gọi virus corona là "máy cân bằng" khi khiến cả người giàu và người nghèo đều mắc bệnh, nhưng khi nói đến thực phẩm, loại phân biệt đối xử này không còn tồn tại nữa. Những người nghèo - bao gồm hầu hết người dân ở các nước nghèo - đang đói ăn và phải đối mặt với nguy cơ chết đói.

"Virus corona hoàn toàn không phải là một máy cân bằng tuyệt vời gì hết", cô Asha Jaffar, một tình nguyện viên phân phát thức ăn cho các gia đình khu ổ chuột Kibera ở Nairobi nói sau vụ giẫm đạp gây tử vong. "Đó là một gợi ý lớn, tái xây dựng rào cản giai cấp, bộc lộ sự bất bình đẳng sâu sắc ở quốc gia này".

  - Ảnh 2.

Hình ảnh tại khu chợ Mandaue ở trung tâm Kabul, Afghanistan giữa dịch Covid-19. Ảnh: NYT

Ông Arif Husain, nhà kinh tế trưởng Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), một cơ quan của Liên Hợp Quốc, nói rằng 135 triệu người trên thế giới đã phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, nhưng bây giờ cùng với sự bùng phát của dịch bệnh, có thể có thêm 130 triệu người thiếu ăn vào năm 2020. Đến cuối năm, ước tính có tổng cộng 265 triệu người sẽ đói ăn.

"Trước đây, chúng tôi chưa bao giờ thấy bất cứ sự việc nào như thế này," Husain nói. "Tình hình không thực sự tốt, nhưng đại dịch đã đưa vấn đề vào một lĩnh vực chưa từng có tiền lệ."

Thế giới cũng đã trải qua nạn đói nghiêm trọng trước đây, nhưng tất cả đều mang tính khu vực và do một yếu tố nhất định gây ra, như thời tiết khắc nghiệt, suy thoái kinh tế, chiến tranh hoặc bất ổn chính trị.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng, nguy cơ nạn đói lần này mang tính toàn cầu và được gây ra bởi một loạt các yếu tố liên quan đến dịch Covid-19 và sự gián đoạn sau đó của trật tự kinh tế: Vô số người vốn phải vật lộn để sống sót đột nhiên mất thu nhập, giá dầu lao dốc, gián đoạn du lịch dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền tệ nói chung, lao động nước ngoài không có thu nhập để gửi về nhà, các vấn đề đang diễn ra như biến đổi khí hậu, bạo lực, phân tán dân số và thảm họa nhân đạo.

Hơn nữa, từ Honduras đến Nam Phi rồi Ấn Độ, các cuộc biểu tình và cướp bóc đã nổ ra trong bối cảnh người dân lo lắng về tình trạng thiếu lương thực giữa lệnh phong tỏa. Với việc đóng cửa trường học, hơn 368 triệu trẻ em mất đi các bữa ăn bổ dưỡng nhận được ở trường.

  - Ảnh 3.

Đường phố ở Caracas, Venezuela vắng bóng người do lệnh phong tỏa. Ảnh: NYT

Hiện tại, không có tình trạng thiếu lương thực toàn cầu, cũng như nạn đói quy mô lớn do dịch bệnh tạm thời không xảy ra. Tuy nhiên, theo ông Johan Swinnen, Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế tại Washington, những vấn đề hậu cần trong trồng trọt, thu hoạch và vận chuyển thực phẩm sẽ khiến các nước nghèo gặp khó khăn trong những tháng tới, đặc biệt là những nước phụ thuộc vào nhập khẩu.

Ông nói rằng, hệ thống phân phối và bán lẻ thực phẩm ở các nước giàu được vận hành có tổ chức và tự động hóa, nhưng hệ thống ở các nước đang phát triển chính là sử dụng lao động, vì vậy các chuỗi cung ứng này dễ bị tổn thương hơn bởi Covid-19 và các quy định về giãn cách xã hội.

"Nhân phẩm bị chà đạp"

Tuy nhiên, ngay cả khi giá thực phẩm không tăng đáng kể, tình hình an ninh lương thực của người nghèo trên khắp thế giới có thể xấu đi. Cụ thể, các nền kinh tế như Sudan và Zimbabwe, đã phải vật lộn trước khi dịch bệnh bùng phát, hoặc các nền kinh tế như Iran, ngày càng sử dụng nguồn thu từ dầu mỏ để hỗ trợ cho các mặt hàng quan trọng như thực phẩm và dược phẩm.

Tại Venezuela, dịch bệnh có thể đã giáng một đòn mạnh vào hàng triệu người đang sống trong sự sụp đổ kinh tế phi chiến tranh lớn nhất thế giới.

Trong khu ổ chuột Petare khổng lồ ở ngoại ô thủ đô Caracas, phong tỏa quốc gia đã khiến Freddy Bastardo và năm thành viên khác trong gia đình không có việc làm. Trước cuộc khủng hoảng, việc phân phối thực phẩm của chính phủ đã bị cạn kiệt dù chỉ cung cấp hai tháng một lần.

  - Ảnh 4.

Mọi người xếp hàng ở New Delhi để chờ thức ăn. Ảnh: NYT

"Để lấp đầy dạ dày, chúng tôi đã suy nghĩ về việc bán những thứ không dùng đến trong nhà", anh Bastado nói. "Một số hàng xóm đã không còn thức ăn rồi và tôi lo lắng rằng nếu các cuộc biểu tình bắt đầu, chúng tôi sẽ không thể rời khỏi đây."

Ở Ấn Độ, nguy cơ thiếu hụt lương thực cũng đang gia tăng và những người lao động dựa vào thu nhập hàng ngày cũng không có gì đảm bảo. Nạn đói trước mắt là mối đe dọa lớn hơn so với virus.

Amitabh Behar, Giám đốc điều hành Oxfam Ấn Độ, cho biết với sự gián đoạn thu nhập, ước tính 500.000 người rời thành phố để đi bộ về nhà và bắt đầu trở thành "cuộc di cư lớn nhất kể từ khi độc lập" .

New Delhi đã áp đặt lệnh phong tỏa vào tháng 3. Vào buổi tối gần đây nhất, hàng trăm công nhân nhập cư bị mắc kẹt ở New Delhi ngồi dưới cây cầu chờ thức ăn được phân phát. Chính quyền Delhi đã thành lập một cơ sở phát cháo, nhưng do số lượng người tại trung tâm này ngày càng tăng trong những ngày gần đây nên những người lao động như Nihal Singh vẫn đang nhịn đói.

Singh nói: "Giết chết chúng tôi là đói khát, chứ không phải là Covid-19".

  - Ảnh 5.

Người dân châu Phi còn phải đối mặt với nạn châu chấu hoành hành bên cạnh dịch bệnh Covid-19. Ảnh: NYT

Công nhân nhập cư đang xếp hàng chờ thực phẩm, cạnh tranh nhau từng đĩa cơm. Singh cho biết anh xấu hổ vì xin ăn nhưng không có lựa chọn nào khác.

Anh nói: "Lệnh phong tỏa đã chà đạp nhân phẩm của chúng tôi".

Có lẽ người bị ảnh hưởng nặng nề nhất là người tị nạn và cư dân sống trong các khu vực có xung đột quân sự.

Lệnh giới nghiêm và hạn chế đi lại đã gián đoạn thu nhập ít ỏi của người di cư ở Uganda và Ethiopia, cũng như việc vận chuyển hạt giống và nông cụ ở Nam Sudan và phân phối viện trợ lương thực ở Cộng hòa Trung Phi. Các biện pháp hạn chế đã khiến giá lương thực tăng cao ở Nigeria. Theo Ủy ban Cứu hộ Quốc tế, nước này đã tiếp đón gần 60.000 người tị nạn bỏ trốn từ cuộc xung đột ở Mali.

Kurt Tjossem, Phó chủ tịch Ủy ban Cứu hộ Quốc tế khu vực Đông Phi, cho biết tác động của những hạn chế này "có thể gây ra nhiều đau đớn hơn chính căn bệnh này".

Khi nhiều người thiếu ăn, một số quốc gia lo ngại tình trạng thiếu lương thực sẽ dẫn đến bất ổn xã hội. Tại Colombia, người dân tỉnh ven biển Guajira đã bắt đầu chặn đường, để kêu gọi sự chú ý đến nhu cầu thực phẩm của họ. Ở Nam Phi, những kẻ bạo loạn đã đột nhập vào các ki-ốt thực phẩm trên đường phố và đối đầu với cảnh sát.

Và ngay cả những món quà từ thiện cũng có thể khiến con người nhiễm virus như đã xảy ra ở khu ổ chuột Kibera hồi đầu tháng này.

"Mọi người gọi nhau vào ào ào đến", Valentine Akinyi, người làm việc trong văn phòng chính quyền quận, nơi phân phối thực phẩm nói. "Rất nhiều người thất nghiệp. Bạn có thể thấy họ đói như thế nào."

Để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng này, chính phủ ở một số quốc gia đang kiểm soát giá lương thực, cung cấp thực phẩm miễn phí và xây dựng kế hoạch phát tiền cho các gia đình nghèo nhất.

Tuy nhiên, các cộng đồng trên toàn thế giới cũng đang tự mình giải quyết vấn đề. Một số người gây quỹ thông qua các nền tảng gây quỹ cộng đồng, trong khi những người khác đã khởi động các dự án mua bữa ăn cho các gia đình nghèo.

Vào một buổi chiều gần đây, Jafar và một nhóm tình nguyện viên đi ngang qua Kibera, mang theo các mặt hàng như đường, bột mì, gạo và giấy vệ sinh cho hàng chục gia đình. Xuất thân từ khu vực này, Jafar cho biết, nhiều gia đình nói rằng họ và con cái đều phải để bụng đói đi ngủ, khi nghe được thông tin phân phát thức ăn nên đã đến đây.

Đến nay, các hoạt động phân phát thực phẩm đã mang lại lợi ích cho 500 gia đình. Nhưng Jafar nói rằng so với tất cả các gia đình cần được giúp đỡ, đó chỉ giống như muối bỏ bể.

Chia sẻ