Khi mẹ chồng là ... "Tây"

,
Chia sẻ

Yêu và xác định lấy anh, Hường cũng biết mình sẽ phải làm dâu một gia đình mà bố mẹ chồng chẳng biết dù là một câu tiếng Việt. Mỗi người một thứ tiếng, sự bất đồng về ngôn ngữ thật lắm phiền toái, bất tiện vô cùng.

Trong khi bố chồng và chồng đều nói được tiếng Anh, tiếng Trung, thì mẹ chồng Hường, vốn gốc Trung Quốc “xịn” nên chỉ nói được tiếng Trung trong giao tiếp hàng ngày.

Từ khi về làm dâu Hường chỉ biết tiếng Anh, bởi vậy, dù có muốn, cô và mẹ chồng cũng không thể đối thoại. Việc ai người đó làm, chạm mặt nhau thì mỉm cười, mỗi người nói một thứ ngôn ngữ. Đôi khi phải tự cảm nhận qua sắc thái, nét mặt của người kia để đoán biết ý tứ.

Những ngày đầu, cuộc sống giữa cô và mẹ chồng không có vấn đề gì. Cô đi làm cả ngày, chỉ đến tối mới chạm mặt bà, nụ cười luôn thường trực để thể hiện sự thân thiện. Thỉnh thoảng, chồng cô làm cầu nối phiên dịch cho hai mẹ con.

Nhưng đến lúc Hường mang bầu rồi nghỉ sinh thì cả ngày chỉ có hai mẹ con ở nhà với nhau, chạm mặt chan chát mà không ai nói với ai câu nào. Cô lúng túng chẳng biết nói gì với bà cả, mặc dù biết mình có nói câu nào đi chăng nữa thì bà cũng chẳng hiểu. Thỉnh thoảng, hai mẹ con lại lấy tay để ra hiệu, lúc hiểu, lúc không đến nực cười. 

Mẹ chồng đã quá tuổi, không thể học được tiếng Anh nữa để có thể nói chuyện với con dâu. Thế là từ đây, ngoài việc học làm vợ, làm mẹ, Hường phải học thêm cả tiếng Trung để có thể làm con dâu tốt.

Minh cũng có tâm trạng hoang mang lo lắng không kém khi làm dâu mẹ chồng “ngoại”. Chồng cô vốn là người Pháp sang sinh sống và làm việc tại Việt Nam đã gần 7 năm nên khá thông thạo tiếng mẹ đẻ của vợ. Hai vợ chồng giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt. Khi lấy nhau, vì quyết định sinh sống lâu dài ở Việt Nam nên vợ chồng anh đón mẹ từ Pháp sang ở cùng. Những khó khăn về bất đồng ngôn ngữ với mẹ chồng Minh bắt đầu từ đó.

Thời gian đầu, mẹ chồng nàng dâu không hiểu được ngôn ngữ của nhau nên chỉ diễn tả bằng hành động. Dần dần, ngôn ngữ bất đồng khiến hai mẹ con ứng xử với nhau hoặc làm việc gì cùng nhau cũng bất tiện vô cùng.

Ngay như hôm bé Bống sốt, chồng Minh đi làm cả ngày nên chỉ có mẹ con, bà cháu ở nhà. Bé sốt, quấy khóc, Minh muốn đưa con đến bác sỹ thì mẹ chồng lại ra hiệu để cháu ở nhà. Cô cứ định bế bé đi thì bà lại nán lại làm cô suốt ruột vô cùng, không hiểu bà định tính sao.

Bà cho cháu ngậm núm vú giả thì thấy bé Bống tỏ ra dễ chịu và đỡ quấy khóc hẳn. Tuy là vậy, nhưng trong lòng cô vẫn không yên tâm. Đến tối khi chồng về, Minh mới biết bà làm thế là vì bé Bống đang mọc răng nên bị sốt nhẹ, khó chịu và quấy khóc, chưa cần đến bác sỹ ngay, có thể làm dịu tạm thời bằng cách cho bé cắn vật mềm như ngậm núm vú giả.

Lúc đó mới biết, tuy là mẹ chồng “ngoại”, ngôn ngữ bất đồng nhưng những kinh nghiệm làm mẹ của bà cho cô cảm giác rất gần gũi, thân thuộc. Tình cảm với mẹ chồng lớn lên từng ngày trong cô.

Khá nhiều cô dâu lấy chồng ngoại ở vào hoàn cảnh bất đồng ngữ với mẹ chồng đều có tâm sự: Mẹ chồng, con dâu rất khó gần gũi, thân mật được vì trở ngại trong giao tiếp hàng ngày. Bất đồng ngôn ngữ vô hình chung đã tạo ra một bức tường khiến cả hai đều e ngại nhau, khách sáo, khó thân mật.

Thực tế, cho dù bất đồng về ngôn ngữ nhưng thời gian sẽ giúp các cô gái và mẹ chồng có mối đồng cảm và thấu hiểu lẫn nhau qua những cử chỉ, hành động thường ngày.

Để hiểu mẹ chồng “ngoại” cũng không khó. Các cô con dâu vẫn có thể học hỏi những kinh nghiệm từ mẹ chồng “ngoại” qua việc quan sát những việc làm, hành động, cử chỉ của mẹ chồng khi chăm sóc chồng con, gia đình. Bạn có thể thể hiện tình cảm với mẹ chồng bằng những cử chỉ quan tâm hàng ngày. Những nàng dâu hiện đại cũng hoàn toàn có thể đi học một lớp ngoại ngữ để giao tiếp những câu đơn giản thường ngày với mẹ chồng. 

Để tròn bổn phận làm dâu thì việc hai mẹ con giao tiếp, thấu hiểu lẫn nhau là một phần rất quan trọng. Song những bất đồng ngôn ngữ không vì thể mà trở thành bức tường giữa mối quan hệ tế nhị này. Quan trọng là những hành động nhằm xây dựng mối quan hệ. Các nàng dâu hãy luôn nhớ rằng: Đường đến trái tim mẹ chồng đi qua bản năng làm mẹ của bà, dù với mẹ chồng “ngoại” hay “nội” đi chăng nữa.

 

Theo Lan Anh
Dantri
Chia sẻ