Khi mặt hàng nào cũng được khẳng định tốt nhất, tiêu chí này sẽ giúp mẹ Việt tỉnh táo lựa chọn
Giữa hằng hà sa số lời khẳng định ảnh thật, tốt nhất, chất lượng nhất… vẫn có cách đơn giản, độ chính xác cao từ cơ quan uy tín để mẹ Việt có cơ sở chọn mua hay không mua.
Cứ mỗi giờ nghỉ trưa, chị N. Mai (27 tuổi, Hà Nội) lại tranh thủ lướt mạng xã hội (MXH) để cập nhật món ăn mới và xem vài mặt hàng cho gia đình. Thấy mẹ nào chia sẻ cách nuôi dạy con, địa điểm ăn chơi hoặc đồ gia dụng là chị gửi cho chồng hoặc lưu lại để xem. Với các sản phẩm liên quan đến thời trang, hóa mỹ phẩm… chị thường nhờ đồng nghiệp, bạn bè tư vấn, thành ra cứ khi nào có đồ gì hay ho là bạn bè lại “tag” để tham khảo.
Theo một khảo sát từ W&S tại Việt Nam vào tháng 2/2018, trung bình mỗi ngày người Việt dành 2.12 tiếng để truy cập MXH, với Facebook là 3.55 tiếng. Bên cạnh tâm sự chia sẻ, mua sắm là nhu cầu thiết yếu của người dùng, đặc biệt với phụ nữ hiện đại bận rộn và thiếu thời gian. Khảo sát trên cũng đưa ra số liệu, có đến 41% phụ nữ thực hiện mua sắm khi sử dụng MXH – một con số không hề nhỏ.
Xu hướng mua hàng trên MXH vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt (Ảnh: Internet).
Những mặt hàng trên MXH thường được giới thiệu tốt nhất, ảnh thật hoặc lấy hàng từ nguồn xách tay uy tín. Tuy vậy, không ai có thể chắc chắn điều đó là hoàn toàn chính xác. Vẫn có 1 số lượng hàng trôi nổi được trà trộn bán ra ngoài thị trường bên cạnh nguồn hàng được cơ quan chức năng kiểm định.
Điều đó đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để lựa chọn hàng hóa chất lượng khi mặt hàng nào cũng được khẳng định là tốt nhất?
Thật khó để giữ cho mình một cái đầu lạnh khi mua sắm trên MXH (Ảnh: Internet).
Sau đây là một vài tips hữu ích nhằm giúp các mẹ tỉnh táo và đưa ra lựa chọn có căn cứ, xứng đáng đồng tiền bát gạo của mình:
Chọn sản phẩm có chứng nhận của cơ quan chức năng
Nghe bạn bè, người thân giới thiệu là một thói quen điển hình của người tiêu dùng Việt. Uy tín, kinh nghiệm của người giới thiệu thường được đem ra bảo đảm, tuy nhiên, thói quen này dẫn đến nguy cơ sử dụng sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc và không được kiểm chứng và quên mất tiêu chí vô cùng giá trị để đánh giá 1 sản phẩm: Chứng nhận từ cơ quan chức năng.
Đơn cử, nếu 1 loại nước rửa chén muốn được chứng minh an toàn với người sử dụng, nó sẽ phải vượt qua các kiểm tra của Viện Da liễu. Các thí nghiệm này tiến hành trên nhiều độ tuổi khác nhau, đo lường mức độ an toàn với da: có làm khô da, nứt tróc da hay nổi mụn, mẩn ngứa hay không? Sản phẩm có tiện dụng không?... cùng rất nhiều tiêu chí đối với hàng hóa mỹ phẩm được quy định trong nước, quốc tế khác. Chỉ khi tất cả kết quả thí nghiệm được đánh giá tốt, an toàn thì sản phẩm mới được cấp chứng nhận để lưu hành trên thị trường.
Để được chứng nhận từ cơ quan chức năng, một sản phẩm phải đi qua rất nhiều khâu thử nghiệm (Ảnh: Internet).
Bởi vậy, đứng trước 1 sản phẩm nào đó, dù chỉ là một chai nước rửa chén hay 1 cây lau nhà, 1 chiếc máy giặt – chị em hãy tỉnh táo xem xét thông tin chứng nhận của sản phẩm, đánh giá của những người đã sử dụng nó. Khi có đủ thông tin xác thực từ nguồn uy tín, chúng ta sẽ biết mình nên chọn gì.
Xem xét nguồn gốc, xuất xứ
Nguồn gốc hàng hóa đôi khi không hoàn toàn nói lên chất lượng sản phẩm. “Tai nạn” của chị N.Mai ở trên là một ví dụ điển hình: hàng ngoại đắt đỏ chưa chắc đã tốt! Tâm lý sính ngoại, tin tưởng hàng xách tay đã khiến người tiêu dùng bỏ lỡ những sản phẩm được các tập đoàn quốc tế sản xuất tại Việt Nam với chất lượng cao, giá thành hợp lý. Và hơn hết, chúng có thành phần nhãn mác rõ ràng, dễ hiểu, hoàn toàn có thể tra cứu mã sản phẩm trên các ứng dụng.
Không bao giờ là yêu cầu thái quá khi người tiêu dùng muốn biết nguồn gốc sản phẩm mình đang dùng đến từ đâu (Ảnh: Internet).
Chưa kể với nhiều tầng phân phối hàng ngoại như hiện nay, giá thành bị đội lên cùng với nguy cơ hàng kém chất lượng trà trộn vào là không tránh khỏi. Hàng ngoại sẽ chỉ tốt nếu chúng ta xác thực được nguồn gốc của nó, còn nếu không, đây sẽ là sự mạo hiểm với chính đồng tiền và sức khỏe của người tiêu dùng.
Cân nhắc nhu cầu và khả năng sử dụng của sản phẩm
Mua sắm trên MXH, chúng ta thường bị cuốn theo lời truyền miệng của người quen, số đông mà quên mất nhu cầu thực sự của mình và gia đình. Truyền miệng thường thiếu tính chính xác: thông tin sản phẩm qua nhiều lớp sẽ ít nhiều bị biến tướng hoặc sai lệch hẳn đi. Chính vì thế, ngoài căn cứ vào chứng nhận khoa học, người tiêu dùng nên cân nhắc nhu cầu thực sự và tránh để cảm xúc lây lan từ người khác ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của mình.
Cân nhắc kỹ càng nhu cầu trước khi mua sắm tưởng dễ mà không dễ chút nào (Ảnh: Internet).
Một bí quyết cho các mẹ là dù rất thích một mặt hàng nào đó, nhưng hãy bình tĩnh đặt nó sang 1 bên và cho bản thân chờ đợi trong 7 ngày. Sau 7 ngày - khi đã tìm hiểu đủ thông tin và cảm xúc qua đi, nếu bạn vẫn thấy món đồ có giá trị sử dụng lâu dài, an toàn, tương xứng với giá cả thì quyết định mua cũng chưa muộn.
Sản phẩm phải an toàn với trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ vốn dĩ rất hiếu động và tò mò, chỉ cần nằm trong tầm với là chúng sẵn sàng chơi, nhai, cầm nắm, nuốt mà không ý thức được an toàn hay không. Bởi vậy, với các gia đình có em bé, mẹ hãy chú ý chọn sản phẩm hữu ích, vừa mắt nhưng phải có thiết kế tiện dụng và an toàn với trẻ. Với đồ hóa mỹ phẩm, mẹ nên ưu tiên chọn loại an toàn cho da em bé, có khóa nắp chắc chắn, không trơn trượt để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Có thể thấy, tâm lý chuộng hàng ngoại, hàng đắt, tin tưởng lời truyền miệng của người quen đôi khi đặt chúng ta vào cảnh tiền mất, tật mang vì mua phải hàng trôi nổi. Để người tiêu dùng có thể tỉnh táo “chọn mặt gửi vàng”, bên cạnh yếu tố cảm xúc, hãy chọn đúng sản phẩm được chứng nhận bởi cơ quan chức năng và xác minh rõ nguồn gốc xuất xứ.